Họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh: Vẽ tính dục để đi vào sự thanh khiết

25/03/2010 13:56 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vào lúc 17h 23/3 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, Q.3, TP.HCM) triển lãm Thời gian của người 4 của Nguyễn Hưng Trinh đã khai mạc và thu hút được sự tham dự của những nhà chuyên môn thường theo dõi con đường hội họa khá riêng của họa sĩ này.


Nguyễn Hưng Trinh sinh 1954 tại Đại Lộc, Quảng Nam. Hiện sống tại TP.HCM, đã thực hiện khoảng 10 triển lãm cá nhân từ tháng 1/2000 đến nay; nhà trưng bày cá nhân đặt ở Núi Sạn, Vĩnh Hải, TP Nha Trang. Tác phẩm Nỗi đau con người, 155x155cm, sơn dầu, được sưu tập và được treo tại Tòa thị chính TP Liverpool, bang New South Wales (Australia). Tác phẩm Nhật thực, 155x155cm, sơn dầu, được sưu tập và được treo tại sảnh đường Trường ĐH Victoria (Australia).

Cũng như một số triển lãm cá nhân của Nguyễn Hưng Trinh ở một vài nơi, một vài quốc gia trước đây, “thời gian của người” là chủ đề luôn được thể hiện trong các tác phẩm của anh. Tuy nhiên trong triển lãm này, cũng với chủ đề đó nhưng họa sĩ lại tập trung khai thác về khía cạnh tính dục, nhưng ở góc độ thanh khiết, bay bổng.


- “Tôi bị ám ảnh nặng nề về thân phận con người, về tình yêu, về đức tin... trước thước đo thời gian. Con người trong tranh của tôi đang đứng trước các ngưỡng: cô đơn, khổ đau... Tôi vẽ để tìm sự giải thoát khỏi đau khổ và dục vọng, vẽ để hướng vọng vào sự hoàn thiện, sự thanh khiết...; vẽ để đi vào cõi tâm linh”, Nguyễn Hưng Trinh mở đầu câu chuyện với TT&VH ngay sau giờ khai mạc.

* Xem kỹ các tác phẩm được vẽ trong 2 năm gần đây, khi anh rời xa Sài Gòn, dường như tinh thần của anh thư thái và bay bổng hơn. Thế nhưng tại sao anh vẫn chọn cách thể hiện tính dục với những hình thể trơ xương và cong queo?

- Tính dục là chất men trong mỗi con người, nhưng mỗi người đều có hành vi khác nhau về tính dục. Tôi đã xem nhiều tranh tính dục của Tây phương, nội dung tranh rất tục, trần trụi, thô thiển, nên khi vẽ, tôi đã dồn tâm ý vào để tìm một hướng khác.

Tôi quan niệm tính dục là dạng sinh lý tự nhiên, tôi nghĩ về nó ở mọi khía cạnh, nhưng khi đem vào nghệ thuật thì lại thiên về phong cách siêu thực. Cách nhìn và cách nghĩ của tôi về tính dục đó là cái đẹp của sự hòa quyện giữa tình cảm chân thật và cao thượng, vượt thoát sự tầm thường ô trọc; một thứ khoái lạc thanh tao hòa cùng vũ trụ, một sự ngẫu hứng trong thánh thiện. Tuy nhiên, dù vẽ về đề tài gì thì tôi vẫn phải giữ cách tạo hình “trơ xương” và “cong queo” của mình.

* Với quan niệm như thế này, anh có nghĩ là kỳ quái không - khi mà lâu nay người ta đã quen với cách nhìn tính dục là phải gợi cảm, nuột nà, bắt mắt?

- Tôi là họa sĩ có tính lập dị, không thích đi nhiều và đến chỗ ồn ào, vì vậy những quan niệm, đánh giá từ bên ngoài cũng không quan trọng lắm; dù tôi trân trọng tất cả các đánh giá đó. Tôi lại là họa sĩ tự học, vẽ bằng nội tâm, nên cũng ít chịu sự chi phối vô hình của những quy tắc, những khuôn phép cứng nhắc. Khi đứng trước giá vẽ, tôi phác thảo và pha sơn dầu trực tiếp trên bố vẽ, vẽ nhanh và luôn ở trong trạng thái hưng phấn, nét vẽ phải nhanh, không do dự. Tranh của tôi thường mang tính triết lý, các hình thể luôn ở trạng thái thử thách, luôn có tính đánh đố về tư tưởng.

* Theo lẽ bình thường, nếu nói như vậy thì chắc tranh của anh cũng khó tìm được người thưởng lãm tâm đắc và đương nhiên, cũng khó tìm được người mua. Thế nhưng anh vẫn bán tranh đều đều trong khoảng 10 năm qua, hình như khách hàng của anh cũng phải lập dị?

- Tôi quan niệm sự lập dị là ở trong tâm hồn, quan niệm và cách cảm nhận, chứ không phải lối sống. Tôi tin trong đời sống cũng có những người có gu và cách nhìn tương tự như vậy.

Trước đây tranh tôi được nhiều khách quốc tế mua, thời gian này thỉnh thoảng tôi cũng bán vài tác phẩm qua mạng. Tuy nhiên, bây giờ tâm ý của tôi thay đổi, tôi muốn vẽ nhiều và muốn giữ lại, tôi đã qua tuổi ngũ tuần, quỹ thời gian chẳng còn bao nhiêu, tôi cảm thấy quý từng tác phẩm của mình. Tôi biết nhiều họa sĩ vẫn còn đam mê nhưng sức khỏe không còn đủ để sáng tạo, trong khi tranh thì đã bán hết, ấy cũng là một nỗi buồn với tuổi già. Từ ban đầu, tôi đã vẽ vì muốn tìm sự giải thoát, chẳng cầu mong danh vọng, tiền tài, đến nay dù hoàn cảnh có nhiều thay đổi, tôi nghĩ mình vẫn sống với quan niệm đó.

Chính vì vậy mà mấy năm gần đây tôi dồn công sức vào vẽ và mở phòng trưng bày, đây vừa là nơi lưu trữ, vừa là nơi để tôi ngắm lại tranh của mình, ấy là niềm vui bất tận.

* Trong hành trình 20 năm theo đuổi hội họa và 10 năm “trình làng” với các cuộc triển lãm, thành công cả về chuyên môn và vật chất. Anh nghĩ thời gian nào là ấn tượng nhất đối với mình?

- Năm 2002 là quãng thời gian ấn tượng nhất trên con đường nghệ thuật, năm đó tôi có 2 cuộc triển lãm tại Sydney và Melbourne (Australia), do hai trung tâm nghệ thuật tài trợ. Tôi nói ấn tượng là vì ban tổ chức khá chuyên nghiệp, họ quan tâm họa sĩ một cách tinh tế, xử thế văn minh, tạo cho họa sĩ cảm thấy được giá trị của mình. Chính vì vậy, khi nhập vào môi trường đó, người nghệ sĩ sẽ cảm thấy quý trọng công việc, sự đam mê của mình, vì nó thật ý nghĩa. Một ấn tượng nữa là người họa sĩ cảm nhận được sự cân bằng về vật chất và tinh thần, nếu không tinh tế trong cách tổ chức, sự mất quân bình về hai chuyện này cũng dễ dẫn đến thất vọng, khó xử.
Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm