Họa sĩ Đinh Lực nhầm lẫn hay cố tình phạm quy?

11/12/2010 13:51 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Từ đầu, tôi đã thấy bức tranh của anh Lực “quen quen” nhưng nghĩ rằng đó có thể là tác phẩm được anh từng vẽ và triển lãm trong giai đoạn 2006 - 2009. Và nữa, tôi vốn rất tin vào ý thức và sự trung thực của một họa sĩ lớn tuổi từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Tin, để rồi bây giờ thấy buồn tê tái trong lòng” - họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, thành viên Hội đồng Nghệ thuật triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010, cho biết.

Chuyện của họa sĩ Đinh Lực được đưa ra trong cuộc hội thảo có tên gọi Mỹ thuật Việt Nam - Hội nhập và phát triển (diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua 10/12/2010). Cuộc hội thảo được tổ chức nhân dịp diễn ra Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010 (từ 1-15/12/2010 tại Hà Nội và 10-26/1/2011 tại TP.HCM). Trước khi nói về họa sĩ Đinh Lực, ông Hòa, người trực tiếp tham gia thẩm định nhiều tác phẩm tại triển lãm, đã lên tiếng báo động về ý thức chuyên nghiệp của một số họa sĩ tham dự. Chẳng hạn, một số tác giả đã xử lý ảnh qua máy vi tính rồi in lên toan để giả làm sơn dầu, một số khác lại nộp tranh khắc gỗ, từ bố cục tới tạo dáng nhân vật đều hay, nhưng xét kỹ thì những bức tranh ấy không hề có bản khắc mà tác phẩm lại là một bản photocopy. Những trường hợp này đều bị Ban giám khảo loại bỏ khỏi cuộc thi khi thẩm định.

“Những tác giả trên đều muốn tận dụng khoa học kỹ thuật để làm giả chất liệu sang, quý mà đỡ phải mất công vẽ hay khắc rất nhọc nhằn” - ông Hòa cho biết - “Tôi tưởng tượng nếu bỏ qua cho họ thì rất có thể đến một ngày nào đó sẽ có hàng loạt họa sĩ sơn dầu mà không biết vẽ sơn dầu, hàng loạt họa sĩ làm tranh khắc gỗ mà tác phẩm lại là bản in photocopy”.


Họa sĩ Đức Hòa phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, khác với sự “ẩu” và “lười” của các họa sĩ trẻ, trường hợp phạm quy của họa sĩ Đinh Lực được ông Hòa nhắc tới bằng khái niệm “lòng tự trọng”. Cụ thể, Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010 thực chất là cuộc thi lớn nhất của giới mỹ thuật toàn quốc, được tổ chức với chu kỳ 5 năm/lần. Để được dự và xét giải, tác phẩm gửi tới phải đảm bảo yêu cầu được sáng tác trong vòng 5 năm gần nhất (nghĩa là từ 2006 trở đi với Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2010). Nhưng, khai mạc được vài ngày, ông Hòa và Hội đồng giám khảo đã phải tháo bỏ bức tranh của họa sĩ Đinh Lực vì “giống như đúc” một bức tranh mà tác giả này từng... gửi triển lãm toàn quốc năm 1995. Trao đổi với TT&VH, ông Nguyễn Đức Hòa khẳng định:

- Trước hết, là một thành viên của Hội đồng nghệ thuật, tôi có lỗi vì không đủ tinh tế nhận ra trường hợp phạm quy này. Khi xem, tôi thấy tác phẩm của anh Lực rất “quen mặt” nhưng lại bỏ qua không về tra lại tư liệu vì nghĩ rằng có thể tranh đã được triển lãm từ 2006 - 2009. Đi xa hơn, tôi vốn rất trân trọng họa sĩ Đinh Lực, một bậc đàn anh đã 65 tuổi, có bằng cao học mỹ thuật và từng được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế. Triển lãm được vài hôm, có người phát hiện, tôi mới giật mình và tìm tất cả các vựng tập triển lãm trước đây để kiểm tra. Xem ngược từ các năm 2005, 2000, tới vựng tập năm 1995 thì tôi thấy tranh khắc gỗ của tác giả Đinh Lực dự thi năm đó giống hệt với bức đang bày.





Ảnh chụp bức tranh của họa sĩ Đinh Lực trong vựng tập 1995 và 2010

* “Giống hệt” tới mức nào, theo ông?

- Sợ “đổ oan” cho đồng nghiệp, tôi phải vác sách tới tận triển lãm để đối chiếu, rồi cẩn thận nhờ anh em khác xem cùng. Kết quả: 2 bức tranh y hệt về đường nét, mảng miếng, bố cục, chỉ khác màu nhau. Mà trong lĩnh vực đồ họa (lĩnh vực tác giả Đinh Lực dự thi - TT&VH), chỉ thay đổi màu thì không bao giờ được coi là một tác phẩm mới. Thật ra, chỉ là 1 trong 836 tác phẩm tại triển lãm, lại không giành giải, việc phạm quy của anh Lực không gây ảnh hưởng gì lớn. Nhưng tôi thì buồn vô cùng. Triển lãm lần trước cũng có trường hợp phạm quy, nhưng đó là một sinh viên trẻ tuổi, ít kinh nghiệm và háo danh. Còn lần này, người có lỗi lại là một bậc đàn anh khả kính trong nghề.

* Nếu tác giả giải thích bằng các lý do là lâu ngày lỡ quên hay đi vắng, người nhà tự ý gửi tranh tới dự thi... thì ông sẽ nói sao?

- Không, anh Lực có nhiều cơ hội sửa chữa nếu vô ý. Trước khi gửi tranh, người dự thi phải gửi ảnh tác phẩm tới hội đồng, sau đó thì lại còn nhận được thông báo duyệt và giấy mời khai mạc. Bản thân anh Lực cũng tới tham dự lễ khai mạc triển lãm lần này. Anh có rất nhiều thời gian để nói Ban tổ chức gỡ tranh xuống. Chuyện xảy ra, anh Lực có điện thoại nói với tôi đại ý rằng hai bức tranh khác nhau về khuôn khổ, ngoài ra bức tranh lần này nằm trong một bộ ba bức tranh liên hoàn. Thật ra, khi dự thi, anh Lực cũng không hề trình bày rằng đó là bộ tranh ba bức. Tôi có trả lời rằng dù yêu quý anh tới mức nào, nhưng khi hai bức tranh giống hệt nhau thì Hội đồng nghệ thuật cũng không thể thay đổi quyết định được.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm