(TT&VH) - Tối nay 23/11, tại Nhạc viện TP.HCM sẽ bắt đầu đợt hòa nhạc Về nguồn (23, 24 và 25/11/2009) nhằm tưởng nhớ 10 năm GS Bích Ngọc qua đời. Ông là thầy của nhiều nghệ sĩ, giảng viên violin hiện nay. Tham gia chương trình ngoài lực lượng tại TP.HCM còn có Bích Trà từ Anh quốc, Nguyễn Hữu Nguyên từ Pháp… trở về và nhiều học trò, đồng nghiệp của ông từ Hà Nội vào tham gia như: GS-TS-NGND Trần Thu Hà, GS-NSND Bùi Gia Tường, GS-TS-NSƯT Ngô Văn Thành…
Từ diễn viên múa đến người thầy violin…
GS Bích Ngọc thời còn trẻ
|
GS Nguyễn Bích Ngọc sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng có truyền thống hiếu học. Ông được xem là người đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp đào tạo violin ở Việt Nam, nhưng bản thân ông lại tiếp xúc với cây đàn này khá trễ. Ông sinh năm 1940 ở tỉnh Bình Định, năm 14 tuổi tập kết ra Bắc theo Đoàn Văn công Liên khu V và là diễn viên múa nhỏ tuổi nhất đoàn.
Tuy là diễn viên múa nhưng ông có một tình yêu lớn đối với âm nhạc, đặc biệt là cây đàn violin, thuở nhỏ ông đã mua sách để tự học nhạc lý và khám phá thế giới âm nhạc. Người thầy violin đầu tiên của ông chính là nhạc công Ngụy Zoách (người Hoa) cùng đoàn. Mỗi lần dàn nhạc của đoàn nghỉ giải lao giữa buổi tập, “cậu bé” Bích Ngọc thường tranh thủ mượn đàn của nhạc công Ngụy Zoách để “tập ké”. Lãnh đạo đoàn thấy Bích Ngọc rất đam mê với violin nên cho phép học thêm cây đàn này, nhưng với điều kiện là phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn viên múa của mình. Tình yêu với cây violin lớn dần trong tâm hồn cậu bé và chỉ chờ thời cơ là bộc lộ.
Khoảng năm 1958 có chuyên gia Liên Xô sang dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Bích Ngọc may mắn là một trong những người được chọn về học với chuyên gia. Và cũng từ dịp này mà ông đã thể hiện năng khiếu và tố chất đặc biệt về violin của mình. Hai năm sau ông được cử sang học ở Nhạc viện Tchaikovsky. Tốt nghiệp đại học năm 1966, ông về nước giảng dạy, đến cuối năm 1967 ông trở lại Nhạc viện Tchaikovsky để học nghiên cứu sinh. Năm 1970 tốt nghiệp, trở về giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia cho đến năm 1990 thì chuyển về giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM cho đến lúc qua đời (1999).
Ông là người có tâm với sự nghiệp đào tạo, năm 1970 trở về nước, dù nhận được lời mời về làm solist cho Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc Vũ kịch (thời đó chế độ lương và bồi dưỡng cho solist rất cao) nhưng ông lại chọn môi trường giảng dạy để làm người “đưa đò” cho những tài năng triển vọng violin.
Hơn 30 năm làm công tác giảng dạy, ông đã đào tạo nhiều thế hệ violin tài năng với những nghệ sĩ như Bùi Công Thành, Khắc Hoan, Tăng Thành Nam... và những người trở thành trụ cột giảng dạy violin hiện nay như GS-TS-NSƯT Ngô Văn Thành, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia, nghệ sĩ Châu Sơn, trưởng Khoa Dây Học viện Âm nhạc Quốc gia...
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đào tạo, GS Bích Ngọc đã được Nhà nước tặng danh hiệu Giáo sư, Nghệ sĩ ưu tú và Huân chương lao động hạng Nhì.
GS Bích Ngọc
Hòa nhạc Về nguồn
3 đêm biểu diễn tại Nhạc viện TP.HCM lần này nhằm tri ân người thầy của phần lớn các thế hệ nghệ sĩ, giảng viên violin tại Việt Nam nhân tưởng nhớ 10 năm GS Bích Ngọc qua đời (1999-2009). Ý tưởng là của GS-TS Bùi Công Thành (một trong những người học trò cũ của ông). GSTS Bùi Công Thành đã liên lạc với nhiều người trong cũng như ngoài nước và được mọi người đồng tình ủng hộ, cùng với sự hưởng ứng của Nhạc viện TP.HCM, nhiều đơn vị như Vietnam Airlines, Indochina Airlines, tập đoàn FPT, khách sạn Rex (TP.HCM)... nên Về nguồn được tiến hành. Ngoài các học trò cũ, còn có những đồng nghiệp của ông như GS-NSND Tạ Bôn (violin), GS-TS-NGND Trần Thu Hà (piano), GS-NSND Bùi Gia Tường (cello) và nhiều nghệ sĩ khác.
Danh sách nghệ sĩ tham gia là những người có tên tuổi trong làng âm nhạc hàn lâm Việt Nam cũng đủ nói lên sự trân trọng, việc đánh giá cao sự nghiệp đào tạo của GS Bích Ngọc đồng thời cũng nói lên chất lượng biểu diễn của 3 đêm biểu diễn này. Hai đêm 23 và 24/ 11/2009 chương trình gần giống nhau với các tiết mục biểu diễn violin, piano, violin-piano, cello, hòa tấu dàn dây... Đặc biệt đêm 25/11 là chương trình biểu diễn của nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (violin, Pháp) và nghệ sĩ Bích Trà (piano, Anh) con gái của GS Bích Ngọc.
Người VN cũng có thể đọ sức ở các cuộc thi quốc tế …
“GS Bích Ngọc đã có cống hiến lớn cho sự nghiệp đào tạo violin ở Việt Nam, GS đã có một hoài bão to lớn và lòng tin vô bờ vào những người nghệ sĩ trẻ và mong muốn violin Việt Nam nhanh chóng đạt được trình độ quốc tế. GS đã chuyên tâm giảng dạy, đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có những đặc điểm thuận lợi để có thể phát triển nhằm đi thi âm nhạc quốc tế. Lấy việc đi thi âm nhạc quốc tế để nâng cao trình độ violin trong nước, lấy phương pháp đào tạo của Nhạc viện Tchaikovsky để làm nền móng đào tạo. GS đã tạo cho những người học trò một niềm tin mãnh liệt là người Việt Nam cũng có thể đọ sức ở các cuộc thi quốc tế, tạo cho các thế hệ học sinh có những ước mơ lớn. Những nghệ sĩ đã và đang thành danh hiện nay cũng bắt nguồn từ ước mơ đó.
Có thể nói rất nhiều học sinh của GS Bích Ngọc, hiện nay là giảng viên, là những người đứng “đầu ngành” và nhiều người là nghệ sĩ giữ vai trò chủ chốt trong các dàn nhạc giao hưởng tại Việt Nam”. (phát biểu của GS-TS-NSƯT Ngô Văn Thành, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia).
|
Hữu Trịnh