Man City & Luật công bằng tài chính: Duy ý chí và phi thị trường?

12/07/2011 11:29 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Quá lo sợ về sự bất công và như một cách để thể hiện lời hứa về một nền bóng đá châu Âu nhiều cơ hội hơn cho các đội bóng nhỏ, Chủ tịch LĐBĐ châu Âu (UEFA) Michel Platini và tổ chức của ông đã có những can thiệp thô bạo vào thị trường thông qua các quy định mới.

Thật vậy, UEFA khó có thể thuyết phục được mọi người rằng họ biết rõ hơn Manchester City về việc Carlos Tevez đáng giá bao nhiêu, hay tên sân bóng của họ cần được bán với giá nào, và được phép bán cho những ai, hay nhà tài trợ nào được phép xuất hiện trên áo Arsenal. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định mới đã can thiệp vào tất cả những hợp đồng đó.

UEFA rất lo ngại sức mạnh tài chính của ông chủ Man City, Sheikh Mansour - Ảnh Getty

Mới đây nhất, Platini và các cộng sự của ông đã khẳng định họ sẽ điều tra hợp đồng bán tên sân có thời hạn 10 năm trị giá 400 triệu bảng giữa Man City và hãng hàng không A-rập Etihad, xem nó có vi phạm luật công bằng tài chính hay không. “Những chuyên gia của chúng tôi sẽ sử dụng các chuẩn mực của luật mới để xem xét hợp đồng này”, một người phát ngôn UEFA nói tại trụ sở của tổ chức ở Nyon, Thụy Sỹ.

Khó có thể xác định chuẩn mực để điều tra một hợp đồng như thế. Trên thực tế, ngay cả những chuyên gia tài chính giỏi nhất cũng sẽ không thể biết Man City có giá trị như thế nào khi mùa giải tới kết thúc. Họ có thể lật đổ Barcelona để vô địch Champions League ngay lần đầu tham dự, nhưng cũng có thể bị đẩy xuống Europa League mùa sau, chẳng ai biết được. Vì lẽ đó, sẽ không thể đưa ra định giá chính xác đối với hợp đồng đổi tên sân bóng ở Eastlands thành Etihad, ngay cả khi nhiều người nghi ngờ đó là một chiêu lách luật của Man City mùa tới, trước viễn cảnh có thể bị cấm thi đấu ở châu Âu.

Mối liên hệ giữa Etihad và những ông chủ của đội bóng áo xanh là điều không thể phủ nhận. Hãng hàng không này thuộc sở hữu của chính quyền Abu Dhabi. Người đứng đầu tiểu quốc tự trị trong liên minh các vương quốc UAE là hoàng thân Khalifa bin Zayed al Nahyan. Ông này là anh cùng cha khác mẹ với chủ nhân Man City, hoàng thân Mansour bin Zayed al Nahyan.

Các đại gia lo sợ Man City?

Nhưng ngay cả nếu những người nghi ngờ đúng thì Man City cũng chỉ bị ép buộc phải làm như thế. Xét cho cùng, kinh doanh là các mối quan hệ và ý chí của các bên trong hợp đồng khi đặt bút ký vào đó, miễn là họ tự nguyện, cần phải được tôn trọng. Những hợp đồng tương tự từng được ký kết giữa M.U hay Real Madrid với các nhà tài trợ, vì các giá trị tương lai của họ, hay giữa Barcelona với UNICEF, vì ngoài mục tiêu từ thiện, nó cũng là một cách quảng bá tốt cho nhà đương kim vô địch Champions League.

UEFA không thể cấm tất cả họ ký những hợp đồng như thế. Hãy thử hình dung nếu Man City không đồng ý với cuộc điều tra và những cản trở của UEFA, đưa vụ việc ra tòa án dân sự, có lẽ khó thẩm phán công minh nào có thể đồng ý với lý lẽ của những nhà điều hành bóng đá châu Âu. Một chi tiết lý thú trong cuộc tranh cãi này là mới đây Giám đốc điều hành của Bayer Munich, Karl-Heinz Rummenigge, đã lên tiếng phản đối Man City, nhưng cùng lúc, ông đang thương lượng để mua hậu vệ người Đức Jerome Boateng với giá 12 triệu bảng, trong khi Man xanh đòi 20 triệu.

Có vẻ như luật công bằng đã tạo ra sự bất công. Những CLB lớn muốn ngăn cản hợp đồng tài trợ của Man City với Etihad, nhưng cùng lúc, họ lại đòi mua các cầu thủ của đội bóng áo xanh với giá rẻ. Một cách ngắn gọn, lúc này đây HLV Roberto Mancini đang kẹt giữa hai làn đạn, khi có quá nhiều kẻ lo ngại trước sức mạnh tài chính của họ.

Với tư cách chủ tịch Hiệp hội các CLB bóng đá châu Âu, Rummenigge chưa bao giờ bỏ qua cơ hội nào thu lợi cho Bayern Munich, và lần này cũng không phải là ngoại lệ. Hơn thế nữa, ngài giám đốc của đội bóng Đức không phải là người duy nhất muốn bảo vệ trật tự cũ. Thật vậy, Man City hiện giờ có lẽ là mối đe dọa lớn nhất với sự xếp đặt lâu đời ở thời đại bóng đá bị chi phối tại tiền bạc trên toàn châu Âu, nơi ở mọi giải đấu lớn, chỉ có vài đội bóng thống trị và Champions League hoàn toàn thuộc về nhóm này.

Nếu được áp dụng, có lẽ luật công bằng tài chính sẽ chỉ có lợi cho những CLB giàu nhất, hoặc những đội bóng nhỏ bé hoàn toàn chẳng có chút tham vọng nào. Đó là một mô hình áp chế vi phạm những nguyên tắc cơ bản của thị trường tự do, điều đã giúp tạo nên một sân chơi rộng lớn và thành công như hiện giờ cho bóng đá châu Âu.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm