HLV Nguyễn Thị Nhung: 'Chúng tôi không điên'

11/08/2016 12:59 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Nữ HLV duy nhất dẫn quân dự Olympic ở môn bắn súng này chính là người vui nhất sau kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh. Bà đã cùng người học trò đặc biệt của mình trải qua 11 năm của nhiều chiến công vang dội và những thất bại không thể cay đắng hơn. Từ Rio, bà đã trải lòng về tân vô địch và kỷ lục Olympic Xuân Vinh, cùng những câu chuyện của môn bắn súng vừa khó vừa khổ của mình.

TT&VH cuối tuần: Còn nhớ cách đây 6 năm, ngay sau Xuân Vinh vừa để mất HCV ASIAD vì để súng cướp có ở viên cuối, nhiều người đã kinh ngạc vì bà còn “dám” khẳng định đầy tự tin bắn súng Việt Nam sẽ có huy chương Olympic...

Khi đó nhiều người còn bảo tôi có bị điên  mới nhắm huy chương Olympic, nhất là ở một thời điểm Xuân Vinh vừa mất HCV ASIAD. Thế nhưng, tôi đâu có tuyên bố như thế cho vui hay để làm chiêu trò gì, mà thực sự xuất phát từ niềm tin của mình, khả năng của Vinh cùng một số đồng đội xuất sắc khác, so sánh với các đối thủ. Đây cũng là một cách thức để cô trò chúng tôi tạo nên niềm tin và trách nhiệm để phấn đấu.

Tuy nhiên, nếu sau kỳ ASIAD nghiệt ngã ấy, Xuân Vinh giải nghệ, có thể câu chuyện giờ đã hoàn toàn khác...


HLV Nguyễn Thị Nhung gắn bó với Hoàng Xuân Vinh cả lúc vinh quang lẫn khi thất bại

Đúng là Xuân Vinh sau cú trượt quá đau từng có thời điểm nản tới mức tính chuyện chia tay nghiệp VĐV để chuyển sang làm HLV. Tôi vẫn luôn bị ánh ảnh bởi ánh mắt vô hồn cùng câu hỏi đầy hoang manh của Vinh “Liệu em còn có thể bắn được không?”. Tôi đã nhìn thẳng vào mắt Vinh để nói đúng một câu  “Tin chị đi. Chắc chắn Vinh sẽ giành được HCV ASIAD và huy chương Olympic”. Và đó cũng là lần duy nhất điều đó xảy ra. Thậm chí sau lần hụt huy chương Olympic 2012, chính Vinh lại là người động viên tôi.

Như ý của bà, có thể coi chính thất bại tức tưởi tại ASIAD 2010 là một bước ngoặt đối với Vinh?

Chính xác đó là một bước ngoặt không chỉ với Xuân Vinh và cả bắn súng Việt Nam. Bởi nhìn sâu về mặt chuyên môn, nó chứng tỏ rằng Vinh, rồi kể cả Hà Minh Thành thực sự có khả năng, và đã ở rất gần nhóm đầu châu Á. Vấn đề mấu chốt nằm ở tâm lý thi đấu, sự ổn định ở mức cao. Cái đó một phần liên quan đến cách tập của chính xạ thủ, phần nữa có lẽ quan trọng hơn chính là việc họ quá thiếu tập huấn, cọ xát quốc tế. Đây là điều cô trò chúng tôi đã xác định phải giải quyết cho bằng được.

“Vinh thành công vì làm mới mình quá siêu”

Với “bài toán” Xuân Vinh, về phần mình, bà và bộ môn đã giải như thế nào?

Khi đó chúng tôi hiểu rằng, nếu vẫn duy trì cách làm cũ, chỉ dựa vào nội lực, sức vươn của bản thân Vinh thì cầm chắc thất bại. Vinh cần phải tranh tài thường xuyên với các đối thủ hàng đầu, thường xuyên tập huấn tại những trường bắn chuẩn quốc tế. Nhưng ngặt nỗi, kinh phí cả môn mỗi năm cũng chỉ 150-200.000 USD.


Hoàng Xuân Vinh làm nên kỳ tích với 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio 2016

Phải bàn tính, cân nhắc chúng tôi mới đi tới quyết định sẽ dành ít nhất một nửa số đó đầu tư cho Vinh cùng một vài đồng đội ở tổ súng ngắn. Mà số kinh phí ấy cũng  chỉ tập trung tối đa cho việc thi đấu. Cũng may chúng tôi cũng liên hệ thành công để Hàn Quốc hỗ trợ về tập huấn, chuyên gia với mức chi phí ưu tiên đặc biệt. Nhờ thế mỗi năm Vinh có thể sang rèn giũa 3 tháng theo các đợt, được thi đấu 7-10 giải quốc tế.

Đó chính là một nguyên nhân quan trọng để Vinh liên tục nâng tầm. Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều quyết định nhất vẫn là ở chính tài năng đặc biệt  và sự khổ luyện phi thường của chính Vinh. Phải nói rằng, Vinh có những phẩm chất của một “siêu sao” bắn súng.

Vinh “siêu” như thế nào, thưa bà? Đâu là bí quyết giúp Vinh có thể đột phá khó tin như vậy?

Theo tôi, ngoài niềm đam mê hay sự khổ luyện, tính chuyên nghiệp miễn chê, điều giúp Vinh có thể bước lên đỉnh cao nhất chính là khả năng tự làm mới mình. Chuyện đơn giản nhất như cách nín thở, hay lớn hơn như cách tập những bài tập chuyên sâu, và mấu chốt nhất như cách tiếp cận và phương án thi đấu cho mỗi giải đấu...

Đến tôi cũng phải choáng, sau mỗi giải đấu, Vinh lại “lì” hơn và linh hoạt hơn hẳn. Nói mọi người không tin, chứ chính ASIAD 2014 mà Vinh không giành nổi một tấm huy chương cá nhân nào lại là một bước đệm quan trọng cho Olympic Rio. Ở đó Vinh đã xác lập tư thế của một đấu thủ thách thức, chủ động tấn công, chứ không còn là niềm hi vọng có thể gây bất ngờ nữa.

HLV Nguyễn Thị Nhung: '42 tuổi mới là đỉnh cao của Xuân Vinh'

HLV Nguyễn Thị Nhung: '42 tuổi mới là đỉnh cao của Xuân Vinh'

Quy định nhà báo không được vào khu Làng VĐV trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Tuy nhiên, vẫn có cách để gặp gỡ được những người hùng đã mang về tấm HCV lịch sử cho thể thao Việt Nam: tới trường bắn Deorodo.


“Mơ có một trường bắn hiện đại”

Ngay cả nhiều chuyên gia bắn súng cũng cho rằng Xuân Vinh là một trường hợp ngoại lệ và đột xuất, bởi điều kiện của chúng ta, cụ thể là môn bắn súng chưa đủ để sản sinh ra những tài năng như thế? Bà nghĩ gì về điều này?

Tôi không đồng ý. Bởi không phải đến Xuân Vinh, dù anh  là một đỉnh cao nhất, bắn súng Việt Nam mới có tài năng. Trên thực tế, chũng ta vẫn đang phát huy rất tốt tiềm năng đặc biệt ở môn bắn súng, theo cách làm của riêng mình. Ngoài Xuân Vinh, ĐTQG bắn súng còn có một vài gương mặt khác cũng đầy triển vọng. Tôi có thể lấy ví dụ xạ thủ Hà Minh Thành từng đoạt HCB ASIAD với thông số vượt cả kỷ lục Olympic ở nội dung 50m súng ngắn bắn nhanh. Rất tiếc Thành đã không có mặt ở Olympic này vì lý do “chạm ngưỡng” giống như Vinh cách đây 5-6 năm.

Tuy nhiên, bắn súng Việt Nam phải thừa nhận đang gặp rất nhiều khó khăn, về trường bắn, về súng đạn, về kinh phí đầu tư, về phong trào. Các giải đấu của bắn súng gần như không có khán giả. Tôi hi vọng rằng mọi chuyện sẽ tốt lên từ cú “hích” mang tên Xuân Vinh trên đỉnh Olympic.

Nếu để nói về một mong muốn lớn nhất của bà cho bắn súng Việt Nam, từ kỳ tích của Xuân Vinh, bà sẽ nói gì?

Tôi mong bắn súng sẽ có một trường bắn hiện đại để các xạ thủ có đủ điều kiện tập luyện, thi đấu. Chúng ta hiện tại chỉ có một trường bắn duy nhất tại Nhổn đạt chuẩn, nhưng là chuẩn của cách đây 1 thập kỷ. Trường bắn hiện đã xuống cấp nhiều, với một hệ thống bia giấy chứ không phải bia điện tử như quốc tế.

Tấm HCV của đẳng cấp

“Nói thật trước Olympic, cô trò tôi chỉ xác định phấn đấu tranh huy chương, chứ không nghĩ đến việc có Vàng. Nội dung 10m súng ngắn hơi có nhiều đối thủ quá mạnh, đặc thù bắn súng lại rất khó lường. Thế nhưng cuối cùng Xuân Vinh đã đoạt HCV kèm theo một kỷ lục mới tại Rio. Như mọi người thấy, anh đã làm được điều đó một cách đầy thuyết phục, thực sự ở đẳng cấp của một nhà vô địch” HLV Nguyễn Thị Nhung.

“Bà trùm” của bắn súng

51 tuổi, HLV Nguyễn Thị Nhung cũng là một xạ thủ chuyên súng ngắn, từng nhiều lần vô địch quốc gia. Bà đã có 11 năm liên tục dẫn dắt ĐTQG bắn súng. Bà là nữ HLV ĐTQG bắn súng duy nhất của châu Á, và ở Olympic Rio cũng là “nữ tướng” duy nhất ở môn bắn súng. HLV Nhung đang giữ kỷ lục là người duy nhất của TTVN 3 lần dẫn quân tranh tài ở Olympic.


Tường Nhi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm