Cuộc chiến hàng công Brazil-Paraguay: Những sản phẩm “Âu hóa”

17/07/2011 11:40 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Cuộc chiến hàng công giữa Brazil và Paraguay sẽ lại là một góc nhỏ trưng bày những sản phẩm của công cuộc “Âu hóa” bóng đá Nam Mỹ, mà ảnh hưởng của nó đến các cầu thủ tấn công là rõ rệt nhất. Một sự thay đổi cả về các kỹ năng thể chất, lẫn cảm xúc chơi bóng.

Robinho và Pato học hỏi được nhiều điều khi sang Châu Âu nhưng cũng đánh mất những phẩm chất đặc trưng mà chỉ Nam Mỹ mới có -Ảnh Getty

Khi còn đá cho Internacional (Brazil), Alexandre Pato luôn khiến các khán đài trầm trồ với những kỹ năng điều khiển bóng bằng gầm giày, rồi đảo chân,và gắp bóng qua đầu. Robinho thời ở Santos nổi tiếng với cú đảo chân đến…7 lần khi qua người (người Brazil gọi là cú pedalala, mô phỏng lại động tác đạp pedal xe), trong khi Zidane, một bậc thầy về kỹ thuật ở châu Âu, chỉ đảo chân tối đa là 3 lần. Thời nổi danh là thần đồng bóng đá Paraguay 12 năm trước, Roque Santa Cruz cũng được đánh giá cao về kỹ thuật, dù tất nhiên, anh không thể chơi quá phức tạp như những người Brazil.

Nhưng môi trường châu Âu đã cải tạo họ thành những mẫu chân sút hoàn toàn khác. Cú đánh đầu thiện nghệ vào lưới Ecuador (Andre Santos tạt bóng) của Pato là một bàn thắng theo phong cách châu Âu kinh điển. Pha đệm bóng một chạm tung lưới Brazil ở trận “lượt đi” của Roque Santa Cruz cũng là một tình huống kết thúc được “tối giản”. Sau nửa thập kỷ chơi bóng ở châu Âu, Robinho dường như đã hết hứng thú nhảy Samba, và việc đảo chân đến 7 lần trong một pha qua người như trước đây có thể xem như điều không tưởng với anh lúc này.

Sự chặt chẽ về các nguyên tắc chiến thuật, cách quản trị đội bóng giàu tính kỷ luật và áp lực của một môi trường cạnh tranh đậm đặc đã cải biến những cầu thủ tấn công Nam Mỹ điển hình thành một dạng chân sút có xu hướng đơn giản hóa hành động của họ trên sân. Nếu trước đây, họ có thể đảo qua thủ môn và đệm bóng vào lưới trống khi đối mặt, thì sau khi vượt Đại tây dương, dứt điểm ngay khi nhìn thấy góc sút là lựa chọn chuẩn xác. Nếu trước đây, họ có thể đá má ngoài, thậm chí là… mũi chân khi đối mặt thủ môn, thì bây giờ, một cú sửa lòng, theo sách giáo khoa bóng đá, là an toàn hơn cả.

Chỉ Neymar là tạo được sự khác biệt?

Châu Âu, nơi được coi là trung tâm của bóng đá thế giới, đã giúp các cầu thủ tấn công Nam Mỹ hoàn thiện về nhiều mặt. Khi chơi bóng ở quê nhà, Pato, Robinho, Santa Cruz, Nelson Valdez…có thể chỉ nhận được chỉ đạo rất đơn giản từ các HLV rằng các anh sẽ chơi tiền đạo cắm, hoặc dạt cánh, và làm bất cứ điều gì mình muốn, nhưng tại Lục địa già, nơi mà tất cả những gì diễn ra trên sân đều có hệ thống và tổ chức, thì HLV có thể kiểm soát các hướng đột phá, yêu cầu các tiền đạo hạn chế động tác thừa, và chỉ cho họ cách di chuyển khoa học để phá hệ thống phòng thủ. Sức bền, thể lực, và khả năng chịu va chạm cũng là những phẩm chất mà châu Âu có thể cung cấp cho các tiền đạo Nam Mỹ.

Nhưng cùng với việc cung cấp cho họ cách kiểm soát lý trí, gọt tỉa các động tác thừa, và sức mạnh thể chất, môi trường châu Âu cũng làm suy giảm những phẩm chất khác của họ: Sự ngẫu hứng và niềm vui khi chơi bóng. Càng chơi khoa học, cảm hứng của họ càng suy giảm. Khi sức mạnh cơ bắp gia tăng, thì độ dẻo của cái hông và sự linh hoạt của đôi chân cũng bị triệt tiêu dần. Pato, Robinho và Santa Cruz có thể đảm nhiệm ngày một tốt lên vị trí của họ trong hệ thống chiến thuật tổng thể, nhưng phẩm chất một mình định đoạt trận đấu còn rất ít trong họ. Điều này đặc biệt đáng tiếc với các chân sút Brazil, những người mà khi còn là ngôi sao ở quê nhà, có thể vụt sáng kiểu ấy bất kỳ lúc nào.

Neymar hiện tại được xem là một phiên bản của Pato, và Robinho trước kia. Cách chơi đơn giản của tiền đạo CLB Santos ở trận gặp Ecuador có thể là một sự điều chỉnh trong bối cảnh Brazil bị dồn vào chân tường, và sự ngẫu hứng của anh biến mất là do áp lực nhất thời, chứ không phải bị bào mòn một cách có hệ thống như các đàn anh.

Bởi thế, trong một trận đấu mà các tiền đạo của hai đội dường như đều đã bị “Âu hóa” mạnh mẽ, thì Neymar có thể tạo ra khác biệt lớn. Vì bản năng hoang dã đặc trưng Nam Mỹ của anh vẫn chưa (bị) trải qua quá trình gọt giũa bên kia Đại Tây Dương.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm