Quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: 'Tôi cũng không muốn chỉ có một ứng viên Chủ tịch VFF'

20/03/2014 06:28 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa, quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói rằng bản thân ông cũng muốn có nhiều hơn một ứng viên cho vị trí Chủ tịch VFF khóa VII, nhưng các tổ chức thành viên của VFF đã chỉ giới thiệu một mình ông cho vị trí này.

* Thưa ông, dư luận rất thắc mắc về việc ở ĐH BCH VFF khóa VII sắp tới chỉ có duy nhất một ứng viên cho vị trí Chủ tịch, như thế bị xem là không được khách quan. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

- Không được khách quan hay không là vấn đề không phụ thuộc vào ý chí của tôi. Vấn đề ở chỗ là theo nguyên tắc của Điều lệ và Quy định thì các ứng viên vào BCH cũng như các ứng viên cho các vị trí chủ chốt đều phải được một tổ chức thành viên của VFF giới thiệu, chứ cá nhân tôi thì không thể can thiệp vào được.

Điều lệ bầu cử của VFF bây giờ tuân theo quy trình FIFA nên ngặt lắm, không phải là ra Đại hội giới thiệu rồi giơ tay biểu quyết là xong. Quy trình bầu cử từ FIFA tới các LĐBĐ QG đều tuân theo một chuẩn chung: đầu tiên là ứng viên phải được các tổ chức thành viên giới thiệu, sau đó mới gửi hồ sơ ứng viên qua Bộ Nội vụ, tiếp theo Bộ Nội vụ sẽ kiểm tra lý lịch tư pháp của ứng viên, ít nhất là trong 6 tháng gần nhất, để bảo đảm lý lịch của ứng viên không có bất cứ vấn đề gì liên quan tới pháp luật. Sau đó Bộ Nội vụ mới duyệt danh sách ấy, nghĩa là những người trong danh sách do Bộ Nội vụ phê duyệt có đủ tư cách để ứng cử vào VFF theo quy định của Chính phủ về các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Ông Lê Hùng Dũng đã nhận lời sẽ trả lời phỏng vấn trực tuyến độc giả Thể thao & Văn hóa trong cuộc giao lưu trực tuyến được tổ chức vào lúc 14h00 ngày 26/3/2014, một ngày sau khi kết thúc ĐH BCH VFF khóa VII.
Bộ Nội vụ kiểm tra lý lịch tư pháp của ứng viên tham gia ứng cử vào VFF rất kỹ, bởi VFF là tổ chức xã hội tương đối nhạy cảm, có tác động lớn đến xã hội, đến dư luận, vì thế cần bảo đảm lý lịch của những người tham gia VFF phải trong sạch, không có bất cứ rắc rối nào liên quan tới pháp luật.

Trước đây, quy định bầu cử của VFF là ứng viên cần phải được bầu vào BCH, sau khi trở thành Uỷ viên BCH thì mới được giới thiệu vào các chức danh chủ chốt để bầu vòng 2. Bây giờ theo quy định mới của FIFA thì đầu tiên phải bầu Chủ tịch, sau đó là các Phó Chủ tịch, và đương nhiên những người như thế đều vào BCH, nên họ đương nhiên sẽ là Uỷ viên BCH. Và đến vòng cuối cùng mới bầu các Uỷ viên BCH.

Bây giờ quy trình bầu cử cũng không phải là giơ tay biểu quyết trực tiếp như trước, mà lần lượt từng người trong tổng số 67 thành viên của VFF sẽ lên phòng bầu cử để nhận phiếu bầu rồi gạch tên các ứng viên để sau đó bỏ vào thùng phiếu. Vì thế, bản thân người thắng cử cũng sẽ không biết được ai đã bầu cho mình.

Điều này thể hiện tính độc lập, công khai, minh bạch và dân chủ, đặc biệt là tính bất ngờ rất cao, vì không biết đại biểu nào sẽ được bầu.

* Nhưng trong trường hợp này chỉ có một mình ông là ứng viên cho vị trí Chủ tịch thì làm sao có thể là người khác thắng cử?

- Không, tôi muốn nói là nói tới cái quy trình ấy, là các ứng viên phải được giới thiệu từ trong quá trình chuẩn bị, còn tới Đại hội rồi thì không thể giới thiệu thêm ứng viên nào nữa, vì bất cứ ứng viên nào cũng phải được thẩm định lý lịch tư pháp.

Vì thế việc vị trí Chủ tịch VFF chỉ có một ứng viên thì tôi cũng chịu thôi, vì ở dưới cơ sở người ta giới thiệu lên như thế, họ không giới thiệu thêm ứng viên khác thì chúng tôi cũng không biết làm như thế nào. Do đó, mặc dù VFF và báo chí có kêu gọi cần có thêm ứng viên cho vị trí Chủ tịch, nhưng các tổ chức thành viên không giới thiệu thêm ứng viên thì chúng tôi cũng đành chịu.

* Trong trường hợp ông thắng cử thì dư luận sẽ nói là chiến thắng của ông không thực sự ấn tượng và kịch tính vì chỉ có một ứng viên. Vậy ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Tôi cũng nghĩ là bầu cử thì nên có 2, 3 ứng viên cho mỗi vị trí thì mới hấp dẫn, nhưng vấn đề ở đây là chúng ta không lấy tính hấp dẫn làm mục đích. Giả sử chúng ta lấy tính hấp dẫn, tính ly kỳ để thoả mãn những người hiếu kỳ, kiểu như thích phim hành động Hollywood, thì cũng có thể hay, nhưng vấn đề ở đây là cộng đồng làm bóng đá tín nhiệm ai?! Và sau sự tín nhiệm đó thì ứng cử viên làm như thế nào, họ có làm được gì tốt cho bóng đá hay không, đấy mới là điều quan trọng.

Quy trình bầu cử hiện tại do FIFA đưa ra là đã có sự cải tiến và chỉnh sửa rất nghiêm túc dựa trên cơ sở thực tế, vì trước đây, từng có những nhân vật phát biểu rất hay, chỉ trích rất mạnh mẽ nên được bầu làm lãnh đạo LĐBĐ QG, nhưng khi kiểm tra mới biết ứng viên này lại có vấn đề rắc rối với pháp luật.

Vì thế, kiểu tranh cử bằng cách giới thiệu trực tiếp tại Đại hội rồi bỏ phiếu luôn đã không còn được duy trì, bởi kiểu làm như thế ẩn chứa nhiều rủi ro, không có tính nghiêm túc với một tổ chức có ảnh hưởng lớn tới xã hội như LĐBĐ.

* Tuyên bố không nhận lương nếu làm Chủ tịch VFF của ông bị cho là để PR bản thân, và cũng có ý kiến cho rằng nếu ông không nhận lương Chủ tịch VFF thì không có trách nhiệm, vì quyền lợi và nghĩa vụ không gắn liền với nhau?

- Tôi nhớ trước đây có rất nhiều bài báo công kích anh Hỷ (nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ-PV) rất dữ dội vì việc anh ấy ký quyết định tăng lương cho mình từ 15 triệu lên 30 triệu đồng. Nhận lương cũng bị công kích, mà bây giờ không nhận lương cũng bị công kích thì tôi cũng không biết làm như thế nào.

Tuy nhiên tôi tâm niệm rằng làm việc ở VFF thực chất là làm công tác xã hội, mà đã làm công tác xã hội còn nhận tiền lương thì không nên. Tôi làm công tác tài chính nên tôi biết, một khi đã nhận tiền rồi thì khó ăn khó nói với anh em cấp dưới lắm, vì họ sẽ cho rằng mình vào đây là để kiếm tiền.

Bóng đá với tôi thì như đã ngấm vào máu rồi nên tôi muốn làm, chỉ đơn giản vậy thôi chứ chẳng có PR gì ở đây.

* Nếu trúng cử ông sẽ là một vị Chủ tịch không có chuyên môn bóng đá ở một LĐBĐ, vậy ông nghĩ sao về điều đó?

- Theo tôi được biết ngoại trừ ông Michel Platini trước đây từng là cầu thủ, còn Chủ tịch các LĐBĐ châu Á và trên thế giới thì chẳng ông nào có chuyên môn bóng đá.

Theo hiểu biết của tôi, LĐBĐ hoặc các đội bóng trên thế giới có 3 thành phần, một là những người có kiến thức về chuyên môn, hai là thành phần thương mại tiếp thị chuyên có nhiệm vụ kiếm tiền quảng cáo, và ba là những nhà quản trị, những người chịu trách nhiệm quản trị một CLB, một LĐBĐ như thế nào để sinh lời, để hoạt động có hiệu quả, để nâng cao chất lượng của nền bóng đá đó.

Và theo tôi thấy những ông trưởng thành lên từ đá bóng thì không có ông nào lãnh đạo LĐBĐ thành công, trừ Platini. Nếu là cựu cầu thủ thì ông sẽ làm quảng cáo như thế nào, quản trị doanh nghiệp ra sao?

Tôi nghĩ ai làm Chủ tịch LĐBĐ không quan trọng, mà cơ bản là người đấy phải biết tường tận và chi tiết về tổ chức của mình. Một điều đáng buồn ở giới cầu thủ của mình là việc có rất ít người sở hữu bằng cấp học vấn đầy đủ, ít nhất là từ cấp 3 trở lên, vì họ bận tập bóng đá thì còn đâu thời gian để học, mà không học làm sao quản trị được, làm sao làm thương mại được?!

Ví dụ, các CLB bóng đá Singapore, ngoài bộ phận chuyên môn còn có bộ phận chuyên trách thương mại, chịu trách nhiệm mang sản phẩm của CLB đem đi bán, họ nắm trong tay danh sách 300 doanh nghiệp lớn nhất nước với tên tuổi địa chỉ cụ thể, rồi họ còn nắm được trong dàn lãnh đạo của các doanh nghiệp này thì có ông nào máu mê bóng đá…

Ở Việt Nam cũng có doanh nghiệp nước ngoài chuyên về tiếp thị thể thao nắm được thông tin như vậy, họ có danh sách đầy đủ các công ty lớn nhỏ ở Việt Nam có khả năng tài trợ cho bóng đá. Họ làm kinh khủng lắm, thế thì chắc mấy anh cựu cầu thủ của mình khó lòng làm được như vậy.

Quản trị một CLB nghĩa là chăm lo chuyện ăn ở của CLB ấy, chi phí thế nào, tiền lương ra sao, tiền đó lấy từ đâu, thương mại bao nhiêu, bán vé bao nhiêu…, những vấn đề như thế thì chỉ có người từng làm quản trị doanh nghiệp mới làm được.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

“Chúng tôi không đứng ra cáng đáng thì ai?!”

* Phóng viên:“Việc 2 nhà tài trợ cho 3 giải V-League, hạng Nhất và Cúp QG năm nay đều là những doanh nghiệp dưới quyền quản lý của ông và ông Võ Quốc Thắng (Chủ tịch HĐQT VPF-PV) khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Ông lý giải như thế nào về vấn đề này”?

- Ông Lê Hùng Dũng: Tình hình kinh tế bây giờ đang rất khó khăn, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã giải thể hoặc phá sản, vì thế không biết bao nhiêu doanh nghiệp đã phải cắt giảm chi phí quảng cáo thì lấy đâu ra để tài trợ cho bóng đá.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác còn làm ăn tốt thì ngày ngày đọc báo đều thấy những thông tin tiêu cực về bóng đá Việt Nam trên mặt báo. Gần đây chỉ có một vài chuyện vui là ĐT U19 hay ĐT nữ, ngoài ra thì toàn là thông tin tiêu cực. Vì thế, các doanh nghiệp lại càng không muốn tài trợ cho bóng đá vì không muốn để thương hiệu của mình liên quan tới lĩnh vực rủi ro như vậy.

Trong tình cảnh như vậy chúng tôi không đứng ra cáng đáng thì ai cáng đáng bây giờ? Ngay cả bạn bè tôi còn khuyên can tôi không nên dính dáng tới bóng đá, vì vừa tốn kém lại dễ bị chỉ trích. Vậy thì làm sao có thể vận động tài trợ cho bóng đá trong điều kiện như thế? Một sản phẩm mà bị chê bai chỉ trích thì còn ai muốn bỏ tiền ra mua?


Hoàng Huy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm