Để đội tuyển Việt thuộc về HLV người Việt: Cần sáng suốt & trách nhiệm hơn!

26/03/2011 12:00 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Ông Calisto ở thời điểm thượng phong, khi đặt ra yêu cầu kiêm nhiệm cả ở CLB để đổi lại việc đặt bút ký vào bản gia hạn hợp đồng , đã rất nhanh chóng bị VFF khước từ, một cách lịch sự nhưng kiên quyết. Một câu hỏi được đặt ra, vậy thì một HLV VN, năng lực chuyên môn cấp độ đội tuyển còn chưa được kiểm chứng, không sẵn sàng từ bỏ công việc ở CLB, lại có thể đủ năng lực và toàn tâm toàn lực cho nhiệm vụ của ĐTQG?

Đã có những phán xét, là việc cho đến thời điểm hiện tại cả 3 cái tên nhận được nhiều đề cử nhất trong số các HLV nội cho chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG khi được VFF “gợi ý” (bởi chưa có bất kỳ lời mời chính thức nào được đưa ra), xuất phát từ những toan tính thiệt hơn mang đậm tính chất cá nhân. Như giữa việc cầm 1 ĐTQG, vốn sẽ phải hứng chịu rất nhiều áp lực nhưng lại eo hẹp về tài chính, với chuyện dẫn dắt 1 CLB đá ở V- League, “gió” ít nhưng nhiều “màu”, thắng một trận có vài chục triệu đút túi. Hay làm CLB thì dài hơi và an toàn hơn so với chuyện phải quản một đội hình toàn “sao”.

Tuy nhiên, có một cách giải thích phổ biến và dễ chấp nhận hơn, là các HLV nội vẫn chưa thật sự tự tin vào khả năng của mình, cho dù nhận được “tín hiệu xanh” của VFF. Được cống hiến cho ĐTQG luôn là khao khát của bất kỳ HLV hay cầu thủ nào, đấy là một sự thật khó phủ nhận. Lương bổng không phải là chuyện quá lớn, đặc biệt đối với những HLV đã đẩy đủ mọi bề. Khoản thu nhập vài trăm triệu/tháng ở CLB hoàn toàn có thể được bù lại bằng mức lương đã được VFF nâng “trần”, cộng với những khoản thu nhập khác trong trường hợp đội tuyển giành chiến thắng. Quan trọng hơn, vinh quang cùng ĐTQG là thứ không phải ai cũng có được. Thực tế bóng đá VN hiện nay cũng cho thấy, dẫn dắt 1 CLB thi đấu ở V - League, rủi ro cũng không kém so với nắm ĐTQG. Chuyện HLV bị “bay” chức chỉ sau vài vòng đấu không phải hiếm. Không phải ngẫu nhiên, ngoài HLV Lê Thụy Hải và HLV Phan Thanh Hùng, chưa một HLV VN nào đánh tiếng “ứng cử”. Ông Hải vốn sẵn sự tự tin, còn HLV Phan Thanh Hùng chỉ dám nhận đội U23.

Ngoài HLV Lê Thụy Hải và HLV Phan Thanh Hùng (ảnh), chưa một HLV VN nào đánh tiếng “ứng cử”

Tuy nhiên, có một vấn đề khác đáng quan tâm hơn. Như những thông tin phát đi từ VFF, thì lý do chính khiến các ứng viên nội lắc đầu là bởi không thể đáp ứng được yêu cầu chuyên trách của VFF. Nếu làm thì phải cho kiêm nhiệm CLB, đòi hỏi là vậy. Trên thực tế, đã có những dấu hiệu cho thấy, VFF đang phải “nhún”, trước áp lực phải chọn 1 HLV nội thay vì đặt niềm tin vào thầy ngoại. Tăng mức lương “trần” liên tiếp từ 5.000 USD/tháng lên 10.000 USD/tháng, và nhất là tuyên bố không “đóng đinh” yêu cầu kiêm nhiệm có thể xem như dẫn chứng rõ nét.

Ở đây thấy cần phải nhắc lại, là như trên đã nói, tại thời điểm năm 2008 và đặc biệt là năm 2010, khi đang lấn lướt hoàn toàn VFF, HLV Calisto cũng không được thỏa mãn nguyện vọng kiêm nhiệm. Với ĐT.LA hay Hà Nội.T&T cũng vậy. Có lẽ không cần phải nhắc những lý do khiến VFF buộc lòng phải từ chối yêu cầu của HLV Calisto mà mục đích không ngoài đặt lợi ích của quốc gia lên hàng đầu. Một sự so sánh dễ xuất hiện nhất lúc này là vì lẽ gì VFF lại để mở cơ hội kiêm nhiệm cho các HLV nội, trong bối cảnh năng lực chuyên môn cấp độ đội tuyển vẫn chưa được kiểm chứng? Và liệu, 1 HLV nội khi vẫn còn những lưu luyến với công việc ở CLB cũ, có thể toàn tâm toàn ý vì lợi ích tuyệt đối của ĐTQG hay không?

Giữa việc khích lệ sự tự tin của các HLV trong nước với việc hạ thấp chỉ tiêu bất kể những cơ sở về chuyên môn, đâu là lựa chọn sáng suốt và thực sự có trách nhiệm hơn?

Vĩnh Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm