ĐT Việt Nam tìm người thay Calisto: Quê hương thứ hai

20/03/2011 19:11 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH cuối tuần) - Gần như chắc chắn sẽ không có chỗ cho HLV nội trong cuộc tuyển chọn người thay thế ông Calisto. Sẽ lại là một đời thầy ngoại nữa với những mục tiêu bất biến trong suốt mấy thập kỷ qua: cạnh tranh với bóng đá khu vực.

Câu hỏi đặt ra là vị HLV ngoại này có coi Việt Nam như là quê hương thứ hai giống như ông Alfred Riedl và ông Calisto, 2 HLV ngoại thành công nhất mà chúng ta từng thuê được?

Khái niệm quê hương ở đây không phải là nơi sinh ra và lớn lên mà nó là sự hòa nhập, gắn bó trên sự hiểu biết và rung động của cảm xúc.

Henrique Calisto từng xem Việt Nam như quê hương thứ hai. Ảnh: VSI


Dù cho vẫn có sự nghi ngờ rằng đó chỉ là câu chuyện ngoại giao của 2 ông thầy nói trên, bởi cả 2 ông đều không làm cái điều mà đáng ra họ phải làm là học tiếng Việt, để nói thứ tiếng của “quê hương” mình, nhưng rõ ràng đấy chính là 2 HLV có sự hiểu biết nhất về đất nước và nền bóng đá của chúng ta.

Vài ví dụ nhỏ để chứng tỏ điều này: Lý giải cho các phóng viên nước ngoài tại sao ĐTVN tập kín ở sân Hàng Đẫy mà tin tức về đội tuyển, hình ảnh buổi tập vẫn xuất hiện trên các mặt báo hôm sau, ông Alfred Riedl đã nói: “Các anh (phóng viên nước ngoài) hãy nhìn xem người Hà Nội tham gia giao thông thế nào tất sẽ hiểu được ý thức tôn trọng luật lệ và quy định ở đây”. Một nhận xét làm tức giận khá nhiều phóng viên bản địa nhưng lại chỉ đúng bản chất của vấn đề. Ông Calisto khi vừa trở thành HLV đội tuyển năm 2008 đã đi thắp hương ở Đền Hùng. Ông hiểu việc làm đó có thể đánh thức được tinh thần dân tộc trong đầu các cầu thủ lâu nay tham dự SEA Games hay AFF Cup chỉ nghĩ nhiều tới tiền thưởng.

Bởi vậy, có thể hiểu tại sao các nhà tuyển chọn đặt ra yêu cầu phải hiểu biết về nền bóng đá Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam, bên cạnh tiêu chí phải là HLV có trình độ.

Nhưng có bao nhiêu người có trình độ mà lại hiểu biết sâu sắc về bóng đá Việt Nam khi chúng ta đã thấy rất rõ, những HLV ngoại từng làm việc ở Đông Nam Á mà thể hiện được khả năng của mình và dẫn dắt các đội bóng tới thành công lại cực ít: Avramovic của Singapore, Peter Withe và Carvalho của Thái Lan. Thậm chí, 2 người sau luôn thất bại ở các mức độ khác nhau trong khoảng 4 năm trở lại đây.

Trong khi ấy, có thể thế giới bắt đầu biết đến Việt Nam không chỉ qua các cuộc chiến tranh và bóng đá là khía cạnh tiếp thị mới, nhưng để tin rằng nhiều HLV tài giỏi trên thế giới hiểu biết sâu sắc về nền bóng đá này thì không thể. Trường hợp của cựu ngôi sao Barca và Bulgaria Hristo Stoichkov gửi hồ sơ ứng cử với VFF có lẽ cũng là như thế.

Ông Alfred Riedl khi tới Việt Nam năm 1998 giống như một người đi du lịch, tới rồi và làm việc ở đây rồi mới kiểm chứng được xem là những cái người ta viết trong sách báo có đúng hay không. Ông Calisto khi ngồi vào ghế HLV trưởng đội tuyển lần đầu tiên năm 2002 đã có bước đệm là thời gian làm HLV cho ĐTLA, và khi ông trở lại năm 2008 là ông đã có vốn 7 năm.

Kết luận được rút ra là chúng ta có thể sẽ có một HLV là gương mặt mới tinh, nhưng giờ đây chúng ta lại đang gặp khó khăn trong khâu thẩm định.

Cũng đừng ngạc nhiên bởi chúng ta vẫn giống như một ốc đảo mà ở đây không người có trách nhiệm nào nắm bắt được khả năng của các ứng viên, hiểu được triết lý bóng đá của họ có phù hợp với bóng đá Việt Nam, dù cho chúng ta vẫn tự ca ngợi là công tác quan hệ quốc tế của BĐVN được cả châu Á và thế giới khen ngợi.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm