22/04/2024 13:09 GMT+7 | Bóng đá Việt
Hai chiến thắng liên tiếp đưa U23 Việt Nam vào vòng tứ kết U23 châu Á nhanh chóng chứng minh năng lực của HLV Hoàng Anh Tuấn, nhưng đằng sau chiến thắng thật sự là gì?
1. 21st Group, một tập đoàn chuyên tư vấn thể thao, đã thực hiện một nghiên cứu để đánh giá xem cuối cùng thì thành công của một đội bóng bị chi phối bởi chất lượng cầu thủ nhiều hơn hay tài cầm quân của HLV nhiều hơn.
Họ sử dụng giá chuyển nhượng trên transfermarkt để cố gắng mô hình hóa lại mối tương quan này: giá trị của cầu thủ qua các mùa giải được ghi lại, tính theo một hệ số liên quan đến số phút có mặt và vắng mặt của họ.
Để đo lường hiệu quả thi đấu, những người tiến hành nghiên cứu đã sử dụng tỉ lệ 70/30 với hai số liệu: Số bàn thắng kỳ vọng và bàn thắng ghi được trong thực tế, loại trừ các bàn từ chấm phạt đền.
Cách tính này khá sát sườn vì nó tập trung vào những phần của trận đấu mà HLV có thể can thiệp sâu, như tạo ra cơ hội hoặc ngăn chặn cơ hội của đối thủ; thay vì những phần mà họ không thể chi phối, như là dứt điểm, cứu thua, hay… gây áp lực đòi trọng tài cho hưởng phạt đền, VAR tình huống.
Kết quả khá ấn tượng. Trong bảy mùa giải gần nhất ở các giải đấu hàng đầu châu Âu, mô hình đo chất lượng kể trên đã giải thích được yếu tố quan trọng nhất: chất lượng cầu thủ quyết định 80% thành tích của các CLB. Nó củng cố một điều mà có lẽ không cần thống kê, chúng ta cũng ngầm hiểu: cuối cùng thì chất lượng cầu thủ vẫn là cái sẽ định đoạt kết quả nhiều hơn cả.
Tất nhiên là con số này không thể nói lên tất cả, nhưng để giải đáp băn khoăn xem cầu thủ Việt Nam chất lượng đang ở đâu, chúng ta buộc phải dùng các con số giá trị chuyển nhượng trên Transfermarkt.
2. Tuyển Việt Nam có tổng giá trị đội hình vào khoảng 5.7 triệu euro (giá chuyển nhượng cao nhất là Fillip Nguyễn, 600 ngàn euro), con số có thể giải thích được tại sao HLV Troussier lại thua nhiều đến vậy: giá trị đội hình của Việt Nam kém tuyển Malaysia (6.25 triệu), Thái Lan (9.6 triệu) và đặc biệt là Indonesia, đội đã đẩy tổng giá trị đội hình lên đến 10.8 triệu, sau khi nhập tịch 10 cầu thủ.
Tuyển Việt Nam đã thua toàn bộ các trận đấu phải đối đầu với những đối thủ có giá trị đội hình mạnh hơn, và có những kết quả đã cho thấy sự chênh lệch lớn ấy, như thất bại 0-6 trước Hàn Quốc, đội có giá trị đội hình gấp gần 30 lần chúng ta.
Thậm chí hai chiến thắng liên tiếp vừa qua ở giải U23 châu Á cũng có thể được giải thích bằng lăng kính đơn giản tương tự: giá trị đội hình của U23 Việt Nam là 2.2 triệu euro, bỏ khá xa giá trị của U23 Kuwait (975 ngàn euro) và nhỉnh hơn U23 Malaysia một chút. Ở trận thắng Malaysia, đội cũng không thi đấu hay hơn đối thủ và giành thắng lợi nhờ các điều chỉnh chiến thuật rất sắc sảo của HLV Hoàng Anh Tuấn.
Nói thế để thấy rằng về mặt chất lượng cầu thủ, các đội tuyển quốc gia Việt Nam đang đi xuống, dựa trên đánh giá khách quan về giá trị chuyển nhượng, thứ đã được nghiên cứu rõ ràng là có thể tác động đến 80% kết quả. Ông Troussier lẫn ông Hoàng Anh Tuấn thực ra đều đang phải đánh cược rất nhiều, với một đội hình mà khi chạm trán các đối thủ tầm châu lục, chúng ta nắm đến 80% khả năng thua trận.
3. Tất nhiên, sự ứng biến chiến thuật yếu kém của HLV Troussier là có, nhưng hiểu ra điều này giúp chúng ta đánh giá đúng hành trình của các đội tuyển Việt Nam: đừng bị mục tiêu phi thực tế là World Cup làm mờ mắt. Chất lượng cầu thủ Việt Nam về cơ bản chưa đủ nội lực cạnh tranh ở ngoài Đông Nam Á. Thậm chí ngay tại Đông Nam Á, chúng ta vẫn kém Thái Lan và Malaysia.
Nên mỗi chiến thắng bây giờ đều vô cùng quý giá, để xốc lại niềm tin, nhưng đến đâu hay đến đó. Hãy ủng hộ ông Tuấn, như đã từng ủng hộ ông Troussier đến phút cuối cùng.
Vì ông Tuấn đang làm một công việc đầy rủi ro: liệu cơm gắp mắm để hoàn thành mục tiêu, bằng các xoay xở về mặt chiến thuật. Nhưng thật chua chát là, thống kê cho thấy nỗ lực của ông rất có thể chỉ đóng góp 20% vào khả năng chiến thắng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất