Sở trường của HLV Falko Goetz

04/10/2011 11:34 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Tiền đạo Lê Công Vinh, người đã liên tục tập luyện và thi đấu dưới sự chỉ đạo của HLV Falko Goetz kể từ ngày nhà cầm quân người Đức đến làm việc tại VN, đưa ra nhận xét về ông thày mới của mình: “Các vấn đề liên quan đến chuyên môn sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng, nhưng với những gì đã thể hiện tới thời điểm này, HLV Goetz cho thấy ông rất giỏi trong việc khích lệ tinh thần cầu thủ”.

Chuyên gia tâm lý

Trước mỗi buổi tập của ĐT tại Mỹ Đình, bao giờ động tác đầu tiên của HLV Goetz cũng là tập trung toàn đội, kể cả các trợ lý và bác sĩ, nắm chặt tay nhau rồi hô quyết tâm. Thông điệp mà HLV người Đức mong muốn truyền tải rất rõ ràng: “Chúng ta không những chỉ là một đội mà còn là một khối”.


Khoảng cách giữa thầy và trò ở ĐTVN giờ đã gần lại hơn trước rất nhiều

Sau 2 ngày tập nặng, cả ngày hôm qua nhà cầm quân người Đức chủ động cho ĐT tập nhẹ. Vào buổi chiều, ông yêu cầu các trợ lý giăng dây thành 2 khoảnh nhỏ ở 2 góc sân để các tuyển thủ chơi tâng bóng. Yêu cầu đặt ra là mỗi cầu thủ chỉ được tiếp bóng một nhịp và sau 3 chạm, bóng phải được chuyền sang phần sân đối diện. Chính Goetz cũng nhập một đội và hào hứng tham gia cùng các học trò. Người ta thấy ông hò hét rồi đập tay chia vui không khác gì cầu thủ của mình.

Không khí của ĐT trở nên vui vẻ thấy rõ với bài tập của HLV Goetz. Sau 2 ngày tập nặng, có thể tính toán về chuyên môn của HLV ĐTVN là một sự thay đổi để mang lại cảm giác hưng phấn cho các cầu thủ. Song thông qua những màn “giao lưu” tâng bóng ấy, dường như Goetz  cũng muốn giảm bớt khoảng cách giữa ông với học trò và hòa cùng họ trong ý nghĩa “chúng ta là một khối”.

Hiệu quả?

Triết lý bóng đá của người Đức đề cao tính đồng đội và ý chí. Nhưng không phải đến thời HLV Goetz, bóng đá VN mới được tiếp xúc với các khái niệm ấy, có chăng đó chỉ là sự khác biệt trong phong cách của các nhà cầm quân. HLV Calisto trước đây luôn nhấn mạnh triết lý “fighting” và có xu hướng “gia đình hóa” các ĐT mà ông dẫn dắt để tạo nên những mối quan hệ thân tình giữa các thành viên cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

Theo kế hoạch, 23h15 đêm nay, ĐTVN sẽ bay sang Nhật Bản để chuẩn bị cho trận đấu giao hữu với đội chủ nhà diễn ra ngày 7/10. Hôm qua, trung vệ Phước Tứ đã quay trở lại tập luyện. Nếu không có gì thay đổi vào phút chót, thành phần ĐTVN sẽ gồm 20 cầu thủ và BHL.

Còn HLV Goetz bây giờ, dù đã tỏ ra gần gũi hơn và cũng đề cao sự đoàn kết, song chưa bao giờ ông có biểu hiện nào cho thấy mình muốn vượt quá giới hạn của mối quan hệ thày trò, đồng nghiệp. Phong cách làm việc ấy của Goetz đã chứng minh được hiệu quả, khi ĐTVN dù đã bị ĐT Qatar dẫn trước 3-0 ở trận lượt đi và thậm chí tiếp tục bị dẫn trước 1-0 ở trận lượt về thì cuối cùng thày trò HLV Goetz vẫn vượt lên bằng một tinh thần rất “Đức”.

Với việc không còn duy trì “luật cấm trại”, khi các tuyển thủ có thể ra ngoài khách sạn vào buổi tối và trở về lúc điểm danh, đã xuất hiện một sự so sánh giữa cách HLV Goetz điều hành ĐTVN trong những ngày này với quãng thời gian ông nắm ĐT U23 thi đấu tại Eximbank Cup cách nay chưa lâu. Đi liền với sự so sánh ấy là lý giải: Phải chăng trận đấu sắp tới của ĐTVN chỉ là một trận giao hữu nên HLV Goetz thả lỏng cầu thủ của mình?

Lập luận nêu trên không phải không có lý, nhưng cần phải nhắc lại rằng nhà cầm quân người Đức chỉ có chừng 6 ngày chuẩn bị cho trận đấu với ĐT Nhật Bản nên trong quãng thời gian ngắn ngủi ấy, HLV Goetz phải có sự căn chỉnh phù hợp để tạo ra trạng thái nhập cuộc tốt nhất cho các cầu thủ của mình. Điều đó rất khác biệt so với cách chuẩn bị cho một giải đấu mà bóng đá VN có chừng 3 tháng để chạy đà trước khi nhập cuộc (SEA Games 26).

Dù sao, hiệu quả những tính toán của HLV Goetz như thế nào sẽ phải chờ câu trả lời vào ngày 7/10 tới đây. Nhưng với vỏn vẹn 4 ngày tập luyện ở sân nhà cùng 2 buổi tập (dự kiến) trên sân khách, tâm lý thi đấu là thứ người ta có thể làm tốt nhất nếu đối chiếu với kỹ chiến thuật, thể lực lại càng không.

Đức Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm