Hiểu Nguyễn Du từ một bài thơ

15/10/2010 07:59 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Bài thơ Long thành cầm giả ca (Bài ca về người gảy đàn ở Thăng Long) được Nguyễn Du viết năm 1813, trên đường từ Kinh đô Huế qua Bắc thành (tức Thăng Long) đi sứ Trung Quốc. Bài thơ có một số cảm hứng đan xen nhau, khó nói cảm hứng nào là quan trọng nhất.

Trước hết là cảm hứng lịch sử: Nguyễn Du (may hay không may?) đã được sống và chứng kiến sự thay đổi của ba triều đại. Ông đã suy nghĩ nhiều về điều này trong các sáng tác của mình, từ Truyện Kiều với triết lý về cuộc biển dâu, tang thương đến bài Vị Hoàng doanh với câu thơ nổi tiếng Cổ kim vị kiến thiên niên quốc (xưa nay chưa từng thấy nước nào - hiểu là triều đại nào - tồn tại hàng ngàn năm). Cô Cầm đã trình diễn tài nghệ gảy đàn của mình qua ba triều đại - Lê Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn mà Nguyễn Du là người chứng kiến (trừ đời Lê Trịnh là ông chỉ nghe nói). Nhân vật chính trị trực tiếp được khắc họa trong bài thơ Long thành cầm giả ca (LTCGC) là các quan lại Tây Sơn. Một triều đại lẫy lừng nhưng đã nhanh chóng bị diệt vong Tây Sơn công nghiệp tận tiêu vong. Đánh dấu thời điểm hoàng kim của triều đại này là cảnh các quan lại Tây Sơn say sưa thưởng thức nghệ thuật đàn của cô Cầm rồi ném tiền vàng thưởng cho cô, coi tiền vàng như bùn đất (Quan tướng Tây Sơn tất thảy đều ngả nghiêng/Truy hoan thâu đêm không biết đủ/Hết thảy đua tranh ném thưởng tiền/Tiền bạc vãi như bùn đất).Nhưng rồi sự nghiệp của Tây Sơn chỉ còn sót lại một người trong làng ca múa là người con gái gảy đàn. Nhân đây tôi muốn lưu ý về nội dung hàm ẩn sau những câu thơ này: sự biến chất rất nhanh chóng - phong kiến hóa - của những người từng làm nên cuộc khởi nghĩa nông dân lừng lẫy. Đâu rồi dấu vết của người nông dân? Chỉ thấy sự xa hoa, vương giả, học đòi. Phải chăng họ đang “trả thù” cho những ngày gian khổ trước khi giành được chính quyền?



Một cảnh trong phim "Long thành cầm giả ca"
Cũng như ở Truyện Kiều, trong bài thơ LTCGC, Nguyễn Du quan tâm đến khía cạnh “tang điền biến thương hải” (ruộng dâu hóa thành biển xanh). Ông xúc cảm vì “nhân sinh bách niên, vinh nhục ai lạc, kỳ khả lượng da” (Cõi đời người trăm năm, chuyện vinh nhục, vui buồn khó lường được). Nguyễn Du có một quan tâm hệ thống đến kiểu xã hội chuyên chế phương Đông. Thông thường các nhà Nho khi phê phán một triều đại phong kiến suy đồi, hay nghĩ đến sự phục hưng giá trị đạo đức, nhân nghĩa của những người lãnh đạo, tức hướng về mô hình đức trị như là giải pháp. Nguyễn Du không tâm đắc với giải pháp đó nữa. Ông không kêu gọi “nhân nghĩa” của người lãnh đạo (vua chúa, quan lại) mà viết về những điều trông thấy, ông khuyên linh hồn Khuất Nguyên đừng trở về cõi đời này vì đâu đâu cũng thấy oan khuất, thấy xấu xa. Thành thử có thể nói, triết lý “ruộng dâu biến thành biển xanh” của ông có một sắc thái dự báo về sự vận động trong tư tưởng xã hội của Nho gia Việt Nam hướng đến hoài nghi mô hình đức trị: triều đại nào cũng nhận mình là thuận theo thiên mệnh, cũng tuyên bố nhân nghĩa, song không có triều đại nào tồn tại ngàn năm.

Một chủ đề quan trọng khác của bài thơ LTCGC là vấn đề thân phận người nghệ sĩ. Khác với nhiều tác giả văn học trung đại khác, Nguyễn Du đã đề cập một cách hệ thống đến thân phận của những người nghệ sĩ trong xã hội phương Đông mà bài thơ Long thành là một mắt xích trong chuỗi suy tư đầy đau đớn ấy. Những người ca nhi, kỹ nữ xưa đem tài năng nghệ thuật mua vui cho cuộc đời, song thân phận của họ xiết bao cay đắng. Người phụ nữ gảy đàn đã trải qua ba triều đại giống như chính Nguyễn Du. Nghệ thuật tuyệt kỹ của cô không mang lại hạnh phúc, đến lúc nhan sắc đã tàn tạ, vẫn còn phải bám lấy nghề, duy tiếng đàn vẫn trong trẻo như xưa mà chẳng ai buồn ngó ngàng. Khác với nhiều cái tôi trong thơ nhà nho vốn xuất hiện như những ông quan làm thơ, Nguyễn Du xuất hiện trong tư thế một nhà nghệ sĩ làm thơ. Ông đau xót cho người gảy đàn thành Thăng Long cũng như đau xót cho những ca nhi Đạm Tiên, Kiều, cô Tiểu Thanh, liên tưởng đến cả Đỗ Phủ, Khuất Nguyên trong khía cạnh là những người nghệ sĩ có thân phận bất hạnh. Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du không bó hẹp trong chuyện cơm áo của người nghèo khổ. Con người ta không chỉ cần cơm áo, còn cần cả những giá trị thuộc văn hóa tinh thần, cần tôn vinh những người nghệ sĩ ấy. Tại sao những người nghệ sĩ chân chính lại bất hạnh, đau khổ? Đó là câu hỏi day dứt Nguyễn Du trong bài thơ này và nhiều sáng tác khác của ông.

PGS.TS Trần Nho Thìn (*) - Việt Quỳnh (ghi)
(*) Giảng viên Khoa Văn học - Trường ĐH KHXH & NV - ĐH Quốc gia Hà Nội)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm