Hiền hòa như lễ hội tại Nam bộ (Kỳ cuối): Nam bộ gần như không có đứt gãy về văn hóa

14/03/2015 08:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ khi nền kinh tế nước nhà mở cửa, đời sống vật chất khá lên, thì nhu cầu tìm đến với lễ hội của người dân cũng ngày càng cao. Người dân đến với lễ hội, chùa chiền để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình. Tuy nhiên, bên cạnh những cái được, thì lễ hội diễn ra với nhiều biến tướng, với những biểu hiện thái quá, như một ảnh chiếu hiện trạng xã hội. Rất may các lễ hội ở Nam bộ là một điểm cộng lớn cho văn hóa Việt Nam, luôn diễn ra trật tự, không xô bồ, bát nháo, đặc biệt là không có bạo lực.

Lễ hội chùa Bà (Bình Dương) là một trong những lễ hội lớn ở miền Đông Nam bộ, năm nay không kém phần náo nhiệt. Ngôi chùa Bà Thiên Hậu ở thành phố Thủ Dầu Một trở nên quá tải trước dòng người ồ ạt đổ về, nhất là những đám rước trên đường phố. Thế nhưng người dân vẫn nhận lộc Bà trong năm mới bằng những bao lì xì, túi gạo nhỏ... một cách trật tự, không tranh giành. Những lễ hội lớn khác ở Nam bộ như lễ Bà Chúa Xứ (An Giang), lễ Bà Đen (Tây Ninh)... tình hình vẫn tương tự.

Sự khác biệt này có thể hiểu được từ nhiều nguyên nhân. Đó là biểu hiện của những nét đẹp văn hóa vùng miền. Ở miền Nam gần như không có sự đứt gãy về văn hóa tín ngưỡng trong suốt mấy chục năm chiến tranh; và cả giai đoạn “bài trừ mê tín dị đoan” quá đà.

Lễ hội Ok-om-bok đua ghe ngo (Sóc Trăng) với khoảng 400 ngàn lượt người tham dự, dù quyết liệt nhưng trật tự. Ảnh: Văn Bảy

Những giá trị văn hóa lễ hội được trao truyền và thực hành liên tục qua nhiều thế hệ, trở thành nếp. Những lễ hội mang tính nhân văn sẽ được duy trì một cách tự nhiên, những biểu hiện mê tín, vẽ vời bởi sự “cải biên” quá đà sẽ khó tồn tại.

Người dân đến với lễ hội với sự thành kính về vị thần linh mà mình tôn thờ, nên sẽ tự răn mình trước những hành vi bất kính, để không có những hành động thái quá như cướp giật, tranh giành rất dễ xảy ra ở chốn đông người.

Người dân đến với lễ hội để cầu tài, cầu lộc, cầu may nhưng ứng xử văn hóa ở mỗi vùng miền sẽ khác nhau. Ngày càng nhiều người đi lễ với mục đích thực dụng, cầu cúng để mong “hối lộ thần thánh”. Họ theo đuổi quan niệm chiếm đoạt bằng mọi giá, kể cả bằng bạo lực, bất chấp luật pháp, điển hình như việc cướp ấn đền Trần (ở miền Bắc) diễn ra nhiều năm mà vẫn không dẹp được.

Nắm bắt tâm lý đó, những người đứng ra tổ chức lễ hội vì những “lợi ích nhóm” tiếp tục duy trì tình trạng đó bằng mọi giá. Việc thương mại hóa lễ hội là điều kiện cho sự hỗn loạn, dung tục có mảnh đất tồn tại qua việc mua bán “lộc thánh”.

Người dân ở Nam bộ đến với lễ hội cũng với nhiều mục đích khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là cầu an, cầu sức khỏe, mong hạnh phúc với lời cầu xin rất giản dị. Thường thì: “Cầu cho gia đạo được bình yên”, dù là đi lễ lạt hay chùa chiền.

Lễ hội Làm chay được tổ chức hằng năm ở Châu Thành (Long An) với mục đích khôi phục các giá trị truyền thống dân gian, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và đất nước an bình. Trong đó có tiết mục xô giàn để lấy bánh, kẹo, các tượng vật,… trong tâm trạng vui đùa chứ không hề xảy ra tình trạng giành giật, cướp phá… thậm chí còn chia nhau lộc, mặc dù có tới hàng vạn người tham dự. Nét đẹp trong lễ hội ở đây là đều hướng vào cộng đồng, cầu siêu cho nghĩa sĩ trận vong, oan hồn uổng tử và cầu an bá tánh, không nhằm cầu xin cho lợi ích cá nhân.

Nhìn rộng ra các hoạt động khác, như từ thiện, người dân ở Nam bộ thường hay chia sẻ, nên năm nào có thiên tai, bão lụt ở miền Trung (chính giữa đất nước), họ cũng ủng hộ áp đảo các vùng miền khác. Ngay các trường hợp bị bệnh hiểm nghèo mà gia cảnh khó khăn ở tận biên giới phía Bắc, đọc thấy tin cảm động, nhiều người Nam bộ còn ra tận nơi để an ủi, san sẻ. Từ tinh thần muốn “cho đi” đó, nên khi đến các lễ hội, dù có tính ganh đua (Ok-om-bok, đua bò), tranh giành (Làm chay)… họ cũng không cố “nhận về”.

Nguyễn Thanh Lợi (Nhà nghiên cứu)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm