Hết năm 2017, phim nhà nước vẫn... ngồi không?

26/08/2016 06:43 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đã sắp hết quý III năm 2016, vậy nhưng bốn dự án phim Không ai bị lãng quên, Người yêu ơi, Địa đạo, Xã tắc vẫn nằm trong cảnh... án binh bất động.

Đáng nói, các phim này đã được phê duyệt trong kế hoạch Nhà nước đặt hàng sản xuất phim truyện điện ảnh năm 2015 - 2016.

"Không ai bị lãng quên" đang được... lãng quên

Trong 4 dự án này, Không ai bị lãng quên kể câu chuyện về những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc của Hồng quân Liên Xô. Đây là dự án gây tò mò nhất, vì nội dung phim dự kiến sẽ có cảnh chiến tranh với bối cảnh nước ngoài. Nhưng, khi Nhà nước ngày càng thắt chặt kinh phí sản xuất phim, không hiểu bộ phim này bao giờ được sản xuất.

Ba dự án còn lại gồm Người yêu ơi lấy đề tài đồng bào dân tộc, miền núi; Địa đạo lấy đề tài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Củ Chi; Xã tắc lấy đề tài lịch sử, chống thù trong, giặc ngoài của dân tộc Việt.


"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", sản phẩm hợp tác hiệu quả giữa tư nhân và Nhà nước

Cả 4 dự án này, đều được Bộ VH,TT&DL phê duyệt đưa vào kế hoạch đặt hàng sản xuất phim năm 2015-2016. Bộ VH,TT&DL đã giao cho Vụ Kế hoạch, Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Điện ảnh làm các thủ tục trình Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung kinh phí tài trợ, đặt hàng sản xuất phim từ nguồn chi trợ giá của ngân sách Trung ương năm 2015.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Vụ Kế hoạch, Tài chính; Bộ Tài chính đã quyết định không chi tiền sản xuất 4 bộ phim truyện nói trên. Năm 2015, Bộ Tài chính chỉ đồng ý chi tiền sản xuất phim tài liệu và hoạt hình.

Năm 2016, Bộ Tài chính đã quyết định không chi tiền sản xuất cả phim truyện, tài liệu và hoạt hình. Và dự kiến là năm 2017, Bộ Tài chính sẽ không chi tiền sản xuất phim truyện.

Có nghĩa, trong năm nay và năm 2017 sẽ không có một bộ phim truyện nào được sản xuất bằng tiền vốn do nhà nước cung cấp.

Không thể "rót tiền" vô tội vạ

Không khó hiểu khi Bộ Tài chính không chi tiền cho sản xuất phim truyện nữa.Việc chi tiền để sản xuất những bộ phim khó ra rạp, không đem về một đồng lãi nào trong giai đoạn kinh tế khó khăn này chắc chắn là một sự phung phí quá lớn.

Nhiều năm nay, phim Nhà nước sản xuất ra hầu như không thể vào rạp, trụ rạp, chứ đừng nói đến thu hồi vốn, hay sinh lãi. Thực tế, cơ quan chức năng giải thích rằng phim Nhà nước đầu tư sẽ được in ấn thành DVD, gửi về phát hành tại các địa phương, theo các đoàn chiếu bóng lưu động chiếu cho hàng trăm người xem.

Nhưng người dân bỏ tiền ra đóng thuế, góp phần đầu tư sản xuất phim nhà nước không thích điều này. Người đóng thuế thích bộ phimTôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhhơn, vì bộ phim đã chạm đến cảm xúc của họ và quan trọng là bộ phim sinh lời.

Thành công về doanh thu của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh năm 2015 là ví dụ cho thấy: Nhà nước hoàn toàn có thể hợp tác với tư nhân để sản xuất những bộ phim sinh lời.Với vốn sản xuất khoảng 22 tỉ, bộ phim đã thu về gần 80 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau dự án này, chưa thấy có thêm dự án nào tương tự.

Rõ ràng, sự kết hợp với tư nhân đã cho thấy thành công, còn việc trao tiền cho các hãng phim nhà nước hiện nay đi kèm rủi ro quá lớn.

Bởi, từ hãng phim nhà nước đã cổ phần hóa, đến các hãng đang cổ phần hóa hiện nay đều đang rất rệu rã. Việc giao dự án tiền tỉ cho những hãng phim mỗi năm chỉ làm được một phim, đội ngũ sản xuất tứ tán...là việc vô cùng mạo hiểm.

Hiện, thông tư đấu thầu sản xuất phim do Cục Điện ảnh soạn thảo vẫn chưa được Bộ Tài chính thông qua. Việc đấu thầu, có thể hiểu, sẽ cung cấp cơ hội công bằng hơn cho tất cả các đơn vị sản xuất phim gồm cả hãng phim tư nhân và các hãng phim nhà nước. Khi thông tư này chưa được thông qua, Bộ Tài chính sẽ không dễ dàng cấp tiền để sản xuất phim.

Không có lý gì điện ảnh đã bước vào kinh tế thị trường từ lâu, mà vẫn duy trì một dòng phim tiêu tiền thuế và không đem lại một đồng lãi. Trong khi đó còn rất nhiều lực lượng khác của nền điện ảnh như khối phim tư nhân, những nhà sản xuất phim độc lập, những tài năng trẻ đang khốn khổ duy trì sản xuất và tồn tại trước cơn lũ phim nước ngoài.

Đồng ý rằng, việc nhà nước tài trợ, đặt hàng làm phim vẫn rất cần thiết. Nhưng nếu đặt hàng sản xuất phim mà không hiệu quả thì cần phải xem xét lại quy trình. Trong một thập niên qua, có bao nhiêu phim nhà nước được ra rạp, bao nhiêu phim nhà nước khiến khán giả thấy xúc động, có bao nhiêu phim nhà nước được đi liên hoan phim?

Thật tiếc là không có.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm