24/01/2018 13:54 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Làng mỹ thuật Việt Nam vừa tiễn biệt một họa sĩ đa tài, thuộc lớp họa sĩ đầu tiên lên chiến khu tham gia kháng chiến - họa sĩ Phan Kế An. Người họa sĩ ấy luôn năng nổ, nhiệt tình, hết mình vì công việc, ông đã có mặt ở những thời điểm cam go của lịch sử dân tộc, để lại cho đời những bức tranh đẹp về đất nước, con người trong đấu tranh, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Hình ảnh của Bác theo suốt cuộc đời
Phan Kế An sinh ngày 20/3/1923; quê ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Cha ông là Khâm sai đại thần Phan Kế Toại từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Phan Kế An học khóa XVIII (1944-1945) tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông là một trong những hội viên đầu tiên của ngành hội họa - Hội Mỹ thuật Việt Nam, là người có nhiều công vun đắp, dựng xây các sự nghiệp mỹ thuật của nước nhà...
Họa sĩ sớm tham gia hoạt động sinh viên cứu quốc, Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng nhiều văn nghệ sĩ lên Việt Bắc công tác ở Hội Văn hóa Cứu quốc cùng với nhiều họa sĩ đàn anh lúc bấy giờ là Mai Văn Nam, Tạ Thúc Bình, Vĩnh Noãn, Mai Văn Hiến, Lê Phá, Kim Đồng, Phan Thông, Nguyễn Tư Nghiêm, Tôn Đức Lượng, Nguyễn Văn Thiện... Sau đó, ông chuyển đến công tác ở tòa soạn Báo Sự thật, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trường Chinh, họa sĩ Phan Kế An được tòa soạn giao nhiệm vụ vẽ ký họa về Bác Hồ.
Khi còn tại thế, họa sĩ từng tâm sự về thời gian được sống và vẽ bên cạnh Bác rằng hai tuần tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng ý nghĩa. Ông đã học được biết bao bài học quý báu từ Người. Sự giản dị trong bữa ăn, lối sống; sự ân cần quan tâm đến từng việc nhỏ; giờ giấc, kỷ luật trong lao động… là những gì mà người họa sĩ - chiến sĩ ấy cảm nhận được sâu sắc khi ở bên Người.
Thời điểm ấy, ông đã sáng tác hơn 20 bức ký họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi bức đều ẩn chứa trong đó những cảm nhận sâu sắc, niềm yêu kính đối với Người. Trong số đó, có những bức tranh đã được in với số lượng lớn, đủ để phát hành khắp các chiến khu, nhiều bức đến nay đã được xem là những tác phẩm tiêu biểu của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Tuy nhiên, ấn tượng nhất đối với họa sĩ là bức ký họa đơn sơ bằng bút sắt đã được Bác cũng như ban Biên tập chọn đăng trên báo Sự Thật (tiền thân của báo Nhân Dân) tháng 12/1948.
Có lẽ những bức ký họa ấy đã khơi nguồn để chủ đề Bác Hồ chảy mãi trong suốt cuộc đời cầm cọ vẽ của họa sĩ Phan Kế An. Để rồi khi không còn được gặp Bác, chỉ vẽ Bác qua trí tưởng tượng hay khi mắt đã mờ, chân đã chậm, họa sĩ vẫn ”tạc“ chân dung Người bằng trái tim và tất cả tình cảm, lòng kính yêu của mình.
Người họa sĩ tài năng
Sinh thời, họa sĩ Phan Kế An sáng tác ở nhiều thể loại và sử dụng thành thạo nhiều chất liệu như: sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ... Ông được xem là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Đặc biệt, ông có công tìm ra hai gam màu xám xanh và xanh chàm nổi tiếng trong tranh sơn mài Việt Nam.
Nhắc đến họa sĩ Phan Kế An, công chúng yêu mỹ thuật Việt Nam đều nhớ đến những tác phẩm nổi tiếng của ông như: “Những đồi cọ”, “Cánh đồng bản Bắc”, “Gác chuông”, “Bác Hồ làm việc ở lán Nà Lừa” ... Trong đó bức tranh “Nhớ một chiều Tây Bắc” đã trở thành dấu ấn vàng son trong lịch sử hội họa Việt Nam. Bức tranh vẽ cảnh núi non hùng vĩ với những mảng nắng chiều vương vất, bóng dáng những anh bộ đội thấp thoáng đây đó, đầy gợi cảm với màu sắc trong sáng của núi rừng Tây Bắc. Đây cũng chính là tác phẩm đã gợi cho họa sĩ - nhà thơ Đoàn Việt Bắc phổ thơ và nhạc sĩ Vũ Thanh sáng tác nhạc thành ca khúc cùng tên. Bức vẽ nổi tiếng "Nhớ một chiều Tây Bắc" của Phan Kế An hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội.
Không chỉ nổi tiếng với tranh ký họa, họa sĩ Phan Kế An còn được biết đến với dòng tranh biếm họa cùng bút danh Phan Kích. Tranh của ông luôn được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, có phong cách hiện thực, tập trung nhiều đề tài gắn bó với lãnh tụ, kháng chiến, sinh hoạt của các dân tộc miền núi, trung du bằng cảm xúc chân thực và sâu lắng. Ngoài chân dung Bác Hồ nổi tiếng, họa sỹ Phan Kế An còn vẽ chân dung của nhiều văn nghệ sĩ có uy tín, nổi tiếng ở nước ta một cách sắc sảo, chân thật như Nguyên Hồng, Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Trần Lê Văn, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Anh Thơ… cùng bao người khác.
Hơn 70 năm cầm cọ vẽ, họa sĩ Phan Kế An có nhiều tranh tham gia các triển lãm và cũng đã được nhận nhiều giải thưởng lớn như: Giải thưởng ở Triển lãm Mỹ thuật tháng Tám năm 1946; Giải Nhất tranh đả kích Triển lãm Hội họa năm 1951; Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc các năm 1955, 1958 và 1985; Giải thưởng mỹ thuật họa sĩ cao tuổi Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1998. Đặc biệt, đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông được ghi nhận bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001 với các tác phẩm sơn mài, khắc gỗ, bột màu, sơn dầu: “Nhớ một chiều Tây Bắc”, “Gặt ở Việt Bắc”, “Bác Hồ”, “Những đồi cọ”, “Bác làm việc ở lán Nà Lừa”, “Cánh đồng bản Bắc". Nhiều bức tranh của ông được in và phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, bức "Gác chuông" (vẽ chùa Trăm gian) và bức "Bụi nứa miền xuôi" của ông được đặt vị trí trang trọng trong Viện bảo tàng Emitage và Bảo tàng Phương Đông - Liên Xô cũ...
Nói về người họa sĩ tài năng này, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam ghi nhận: Ngay từ đầu những ngày đầu cách mạng, họa sĩ Phan Kế An đã tham gia tuyên truyền cứu quốc bằng chính chuyên môn của mình. Trong những tác phẩm của ông, có nhiều tranh về Bác Hồ, về miền trung du, cuộc kháng chiến của dân tộc, nhiều tranh cổ động, biếm họa phục vụ kịp thời các giai đoạn cách mạng và kháng chiến. Những năm gần đây, tuy tuổi cao sức yếu nhưng họa sĩ Phan Kế An vẫn tiếp tục sáng tác những tác phẩm mới và tham gia hoạt động của Hội. Chỉ cách đây hơn một tháng, dù ngồi trên xe lăn, ông vẫn đến dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông được các đại biểu, thế hệ họa sĩ, người hoạt động trong ngành mỹ thuật vô cùng kính trọng.
Họa sĩ Phan Kế An đã về với đất mẹ nhưng tình yêu hội họa, cống hiến của ông cho nền mỹ thuật Việt Nam sẽ còn mãi với thời gian, những tác phẩm gắn với tên tuổi của ông sẽ sống mãi cùng nền hội họa nước nhà...
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất