22/01/2023 08:00 GMT+7 | Văn hoá
Câu chuyện về một gia đình mà cả cha, mẹ và con trai đều có tham luận tại Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới tổ chức ngày 29/11/2022 vừa qua đã thôi thúc tôi tìm gặp TS Đặng Vũ Cảnh Linh.
Anh phải "trốn" một cuộc họp, ra gặp tôi, cuộc trò chuyện cuối năm cho báo TT&VH phải lùi mấy phen vì lịch làm việc của anh kín đặc. Đi sau anh từ sân Học viện Thanh niên ở phố Chùa Láng qua đường, vào quán café đối diện, bất giác tôi nao lòng. Hơn 1 năm không gặp, Cảnh Linh gầy đi. Người cha 4 đứa con, nhà khoa học nổi bật của thế hệ, quá tải mà rộc hẳn. Nhìn dáng anh, tôi nhớ GS Vũ Khiêu biết bao.
TS Đặng Vũ Cảnh Linh, cháu trưởng, đích tôn của người Anh hùng ấy, hẳn nhiên được gần ông gấp nhiều lần tôi, nhà thơ hậu bối may mắn được gặp, đọc, được ông dạy bảo, thương quý.
GS, AHLĐ Đặng Vũ Khiêu (1916 - 2021), một danh nhân lớn họ Đặng Vũ, gốc là người họ Vũ, vì cha là con nuôi nhà họ Đặng thiếu truyền nhân mà phải đổi họ; song GS có công lớn với họ Vũ ở Việt Nam (khoảng 5 triệu người), nhiều năm là Chủ tịch danh dự, cố vấn. Viết về GS Khiêu, thì phải dài kỳ may ra mới lướt đủ tên các công trình, sách, tác phẩm của ông.
Ở góc hẹp bài này, tôi muốn nói một góc khác về độ cao, tán rộng của cây đời Vũ Khiêu qua những mạch hồi tưởng tinh khôi và trầm tĩnh của cháu nội ông. Cảnh Linh là con duy nhất của GS Cảnh Khanh - trưởng nam của GS Vũ Khiêu. Anh là người cháu có học hàm cao nhất mà sinh thời, ông nội dành hy vọng và đã gửi gắm khát vọng góp chấn hưng văn hóa.
"Tam đại đồng đường"
GS Vũ Khiêu sinh được 4 người con, con gái cả Quỳnh Khanh, 3 con trai: Cảnh Khanh, Vũ Hạ, Hoa Thạch. Duy nhất GS Cảnh Khanh có con trai Cảnh Linh, hiện là thành viên trẻ nhất Ban Liên lạc (7 người) của dòng họ 300 năm - Đặng Vũ. Trách nhiệm đích tôn, do hoàn cảnh cha mẹ sinh ít nên Cảnh Linh là người cháu đông con nhất của GS Vũ Khiêu.
Cảnh Linh có nền tảng quý - ông nội là trí thức lớn nhà Triết học, Mỹ học, một trong những người đặt nền móng cho KHXH nước nhà. Cha mẹ Anh là các GS đầu ngành Xã hội học. Đều từng là phóng viên TTXVN, gặp và yêu nhau khi công tác tại Hải Phòng, cặp vợ chồng nhà báo Khanh - Quý lại rẽ sang nghiên cứu khoa học, tiếp bước con đường lớn của cha. GS Cảnh Khanh là người Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ Xã hội học ở châu Âu - ĐH Tổng hợp Sofia (Bulgaria) năm 1986. Bà Lê Thị Quý nhận bằng TS sử học của Viện Hàn lâm KHXH Liên Xô tại Moskva năm 1988 và sau này trở thành GS Xã hội học.
Người vợ hiện tại của TS Cảnh Linh cũng là TS Xã hội học - Đỗ Thị Kim Anh (sinh 1987 tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đang công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển Bền vững vùng (thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN mà trước kia GS Vũ Khiêu là lãnh đạo).
TS Cảnh Linh bận mù mịt ngày đêm: Giảng dạy Xã hội học, công tác xã hội theo chuyên đề đặt hàng, nghiên cứu, dự các hội nghị, hội thảo và thành viên nhiều hội đồng duyệt đề tài, đề án, chấm luận án, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Anh thường xuyên cắt giấc ngủ - vốn ít để sáng tác nhạc. Anh say mê nhạc đến độ từng nghĩ: Giá có vài tỷ mở quán café sẽ có thì giờ viết ca khúc. Rồi lại "tỉnh ra": Mở quán thì cũng lại lo lỗ lãi, mưu sinh. Ngặt đang đà của nhà nghiên cứu đầy dự án và hoài bão.
Ông, cha, mẹ đều làm khoa học và chưa khi nào dừng làm việc để hưởng thụ nghỉ ngơi, thì anh không thể chỉ sống cho đam mê nghệ thuật khi đang là trụ cột một gia đình đông đúc. GS Khanh (1947) vẫn đang là Trưởng khoa Khoa học XH&NV Đại học Thăng Long, nơi ông bà dạy nhiều năm, vẫn phóng xe Ford Eco màu bạc như thanh niên, dù đã sang tuổi 76. GS Quý là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển từ năm 2012 và tiếp quản Quỹ Văn hiến từ GS Vũ Khiêu năm 2017. Tuổi 72, GS Quý vẫn chủ động dùng xe bus đi dạy, công việc; còn chồng bà thì tất bật dạy, họp, chấm thi...
Dòng dõi trí thức nổi bật của làng khoa bảng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định, tận hiến với một tâm nguyện, khát vọng xuyên suốt. Một thập niên qua, tạp chí Truyền thống và phát triển do TS Cảnh Linh thực hiện cùng Quỹ Văn hiến đã nỗ lực huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ sự phát triển văn hóa Việt Nam trong khi đội ngũ làm việc không có lương. Quỹ đã đầu tư trùng tu cho đền của vị công chúa nước Lào bị xuống cấp, gần Tràng An, Ninh Bình và làm bia cho Nghĩa trang Liệt sĩ ở Bình Phước.
Gia đình "tam đại đồng đường" của TS Cảnh Linh ở Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, với 4 nhà khoa học, 3 đứa trẻ, luôn dễ chịu bởi họ dàn xếp bình định được hầu hết mọi áp lực cuộc sống do nếp nhà gia giáo, văn minh, tôn trọng sở thích của nhau và tinh thần yêu nghệ thuật. Từ nhiều năm, hai GS đều đi giảng nước ngoài, bằng tiếng Anh. Cảnh Linh đã cùng mẹ viết cuốn sách Bạo lực gia đình (2016). GS Quý vừa ra mắt Hồi ký Viết tên từ ký ức (gần 500 trang, NXB Tri thức). Hiếm gia đình nào lại được mời dự và có 3 tham luận ở cùng một hội thảo lớn cấp quốc gia như gia đình GS Cảnh Khanh tại Hội thảo quốc gia - Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị Văn hoá, Hệ giá trị Gia đình và chuẩn mực con người VN trong thời kỳ mới hôm 29/11/2022 (xem các bài trên số báo này).
Nhìn từ "thế giới" của Cảnh Linh
Cảnh Linh nhớ thời thơ ấu hằn sâu, chính những năm ở cùng ông bà nội đã tạo tri thức và tâm hồn anh.
"Sau khi đất nước thống nhất, bố mẹ tôi chuyển vào công tác tại TP.HCM, "khai phá" cho Viện Hàn lâm KHXH phía Nam. Tôi có gần 10 năm ở trung tâm TP.HCM.
Lương ít, căng mình ra làm thêm không đủ sống, mẹ tôi bị đói cả khi mang thai. Tôi đã mất một em gái năm năm 1979 và em trai năm 1982. Thật cay cực cho mẹ tôi, mang thai to rồi, đạp xe giữa nắng nóng Sài Gòn, xe nổ lốp, mẹ không có tiền vá, phải dắt bộ 5km rồi sảy thai.
Khi từ Nga về, mẹ tôi tuổi 39 nhưng không sinh thêm nữa, bà ám ảnh về thiếu đói và nỗi đau mất mát. Bố tôi đi Bungari 1982 - 1986, về nước chỉ đem máy nghe nhạc, nhiều đĩa than, quà của tôi là hộp kẹo, mấy bộ quần áo. Mẹ tôi đi Liên Xô sau bố 2 năm, về nước 1988, mang cho tôi ít đồ chơi, đồ gia dụng và xe máy Minsk, bán đồ và xe đi cũng không mua được miếng đất ngoại ô. Bố, mẹ làm nghiên cứu sinh chứ không làm kinh tế.
Cả nhà ở chung với ông bà nội trong căn nhà 30m2 có gác xép, kiến trúc Pháp, tập thể Ủy ban KHXH, 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Các chú tôi lấy vợ, có con cũng ở chung đó, công trình phụ thì công cộng.
Nhà chật, thường xuyên có khách, toàn các bậc thầy, cao nhân. Họ trí tuệ, thanh cao, giản dị. Bố mẹ tôi về, cơi nới thêm tầng áp mái nóng như lò bánh, để đồ và là "thế giới" của Cảnh Linh. Bà nội tôi hiền, tảo tần, vừa nội trợ chăm lo cho gia đình, chữ đẹp - vừa là thư ký ghi chép giúp chồng, lại dạy tôi học. Sáng 5h, bà gọi tôi dậy tập thể dục, xong là có chảo cơm rang. Quần áo, khăn quàng đỏ, bà chuẩn bị sẵn, tôi đi bộ đến trường Trưng Vương. Tối thì bà kiểm tra bài của cháu.
Ông nội không bao giờ tỏ ra áp đặt, gia trưởng. Ông khuyên con, bảo cháu bằng chính cách sống của mình. Ông không bắt, không quát, không chỉ định, mà hay nói chuyện, kể chuyện. Ông nghiên cứu kĩ về văn hóa Trung Quốc để tìm ra, khám phá, làm nổi bật văn hóa Việt Nam với những hay, đẹp, riêng biệt. Các nhà văn, nhà thơ lớn, nhà khoa học, nghệ sĩ thường đến ngôi nhà ấm áp của Ông tôi: Nguyễn Tuân, Sỹ Tiến, Huy Cận, Phạm Huy Thông, Võ An Ninh... và cả các chính khách. Những lúc ấy, tôi rất thích nghe họ nói chuyện dù chỉ hiểu được một phần nhỏ. Tôi quý trọng họ vì thấy ông quý bạn, hiếu khách, lịch lãm.
Ông tôi trong giao tiếp thì "Tây" lắm. Cậu thiếu niên nhỏ bé mong khách vì sẽ được ăn "tươi", có tí thịt. Triền miên là lạc rang, đậu phụ. Ông dắt tôi đến gặp ông Vạn Lịch, sưu tập sách cùng phố Lý Thường Kiệt. Ông này đóng sách đẹp, giữ gìn, cho tôi mượn từng cuốn. Giữa cấp 2, tôi đã đọc xong Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí.
Khi ông về sống ở khu cán bộ cao cấp phố Vạn Bảo thì bà nội Nguyễn Thị Quý (sinh 1918) già yếu và mất năm 1994. Ông tôi sống giản dị, chẳng hưởng thụ gì, được mời đi nghỉ dưỡng vẫn làm việc. Tôi là sinh viên, đạp xe đến nhà ông, lúc nào cũng thấy ông có khách, nên ít được trò chuyện. Khi tôi nhỏ, ông đã cho tôi được thảo luận, tranh luận. Có đêm tôi ngủ lại nhà ông, chờ ông làm việc xong thì gặp mà chờ đến hơn 1h sáng vẫn thấy ông chăm chú viết nên không dám gọi, ngủ gục lúc nào không hay. Mở mắt gần 3h sáng khi bị chạm vào người: Ông nội đang với tay mắc màn cho cháu.
Lúc ông còn công tác tại Viện Hàn lâm KHXH, tôi còn "trẻ con" không thích đi mãi 1 chỗ vì cơ quan ông 5 - 7 năm chỉ nghỉ mát Đồng Châu, Thái Bình. Hai ông cháu không được đi nhiều nơi. Lúc nhỏ tôi ở TP.HCM, thỉnh thoảng ông vào, cho tôi đi Vũng Tàu. Nhớ rất kĩ chuyến hai ông cháu ở Hạ Long, ngủ đêm trên du thuyền ngoài biển năm 2006. Đại gia đình chỉ có một chuyến đi Đồ Sơn với ông năm 2013. Chuyến đi Hải Hậu năm 2015, ông sang tuổi 100 mà thức cả đêm trò chuyện với cháu. Ông luôn khao khát chấn hưng văn hóa nước nhà. Ông dặn: Càng nhiều biểu hiện suy thoái, lố lăng càng phải bản lĩnh bảo vệ các giá trị văn hóa để gìn giữ văn hiến".
Hàng hàng chữ Vũ Khiêu vẫn sống khắp đất nước
Theo TS Cảnh Linh, anh chưa bao giờ bị "bóng" ông "đè", hay coi tầm vóc ông là áp lực. Anh chỉ nghĩ: Là cháu ông thì phải cố gắng nhiều hơn để có sự nghiệp độc lập, dù ảnh hưởng của cha, mẹ và ông.
Tinh thần tự học và lao động không ngừng của GS Vũ Khiêu lan tỏa vào con cháu ruột và dòng tộc như một đại thụ biểu tượng. Cha giỏi thơ văn, song GS Cảnh Khanh thích âm nhạc, hội họa và tự học từ vị thành niên. Ông vẽ được nhiều chất liệu, thường vẽ sơn dầu. Nhà hiện chật tranh. GS muốn vẽ 500 tranh và thư pháp chữ Hán rồi chọn lọc làm triển lãm năm 2023. Ông chơi thạo guitar và piano. Ông thường dạo đàn khi chiều tối. Người trong khu nghe tiếng đàn, bấm chuông xin cho con học, ông cười: Tôi chơi thư giãn chút thôi.
Ông nội đặt tên cho Cảnh Linh. Cảnh Linh đặt tên cho các con mình: Bảo Linh (2003), Minh Anh (2015, Mer viết tắt từ Mercury là Sao Thủy, sao của bố), Tuệ Anh (2017, Mi), Hàn Linh (2019, Mon) - tên cậu trai út là bút danh của Cảnh Linh khi viết nhạc. Con gái cả của Cảnh Linh được học piano từ 5 tuổi, học vẽ với họa sĩ Văn Dương Thành, nhưng không say mê nghệ thuật. Cô bé du học Sydney từ khi học lớp 11 và đang học Đại học Quản trị kinh doanh.
Cảnh Linh xúc động chia sẻ về cảm giác ông dõi theo anh. Hai năm cuối đời, không nói được, GS Vũ Khiêu bút đàm. "Cuối năm 2020, một lần đến thăm ông ở biệt thự trên phố Cao Xuân Huy, ông ra hiệu cho tôi lấy giấy bút. Rồi ông viết cho tôi dòng chữ này (ảnh) và nắm lấy tay tôi".
Ông Vũ Khiêu chưa khi nào mất. Ông của chúng tôi chỉ tiếp tục một hành trình mới.
Cây đại thụ Vũ Khiêu, với sự nghiệp đồ sộ để lại cho đời, vẫn ánh sắc xanh chồi búp mỗi mùa Xuân mới. Nay là hai mùa Xuân, không ai nhận được chữ GS tặng trên những câu đối vô song. Song hàng hàng chữ Vũ Khiêu vẫn sống khắp đất nước trên những văn bia, bài minh, áng văn thơ ngọc sáng quốc ngữ tinh hoa.
Cảnh Linh tâm sự: "Tôi thường mơ thấy ông về"... Và đó là động lực thôi thúc anh triển khai những kế hoạch mà ông nội kính yêu trông đợi.
Vài nét về Đặng Vũ Cảnh Linh - vị tiến sĩ đa tài
Đặng Vũ Cảnh Linh, sinh 17/11/1974 tại Hà Nội. Tốt nghiệp K36 khoa Triết học, Đại học XH&NV năm 1995. Trúng học bổng Liên hiệp quốc, học tại Bangkok, lấy bằng Thạc sĩ Dân số và xã hội năm 2001. Tiến sĩ Xã hội học năm 2017. Anh hiện là Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Thanh niên, thuộc Trung ương Đoàn. Anh đã có tên trên 25 cuốn sách nghiên cứu, trong đó 5 cuốn cá nhân. Về nghệ thuật: 1 tập thơ, 5 album nhạc, 1 đêm nhạc riêng tại Nhà hát Lớn Hà Nội 20/1/2018.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất