Hệ giá trị Việt Nam: Hệ giá trị cho thiếu nhi, cho con người Việt Nam

20/01/2023 08:00 GMT+7 | Văn hoá

Xây dựng các hệ giá trị cốt lõi của Việt Nam

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và phát biểu định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hội thảo "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" đã được tổ chức vào ngày 29/11 nhằm xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các hệ giá trị này trong thực tiễn.

Cùng với Hội thảo văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa"được tổ chức vào ngày 17/12/2022, có thể nói, năm 2022 vừa qua đã ghi dấu những quyết sách quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hiếu

Phát biểu tại Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo đã tổng kết:

"Về nội dung của các hệ giá trị, từ nhiều bình diện khác nhau, các đại biểu tiếp tục phân tích làm rõ hơn các nội dung trong bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

Về hệ giá trị con người Việt Nam cần xây dựng gồm 8 giá trị chủ yếu là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.

Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Nội dung của các hệ giá trị này vừa đảm bảo được tính khái quát, cô đọng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, vừa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước, vừa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân hiện nay".

Hội nghị thống nhất ý kiến bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, xác định các hệ giá trị, cần xây dựng, ban hành và triển khai để hiện thực hóa các hệ giá trị này trong đời sống thực tiễn.

TT&VH

Chúng ta đang hội thảo về các hệ giá trị Việt Nam. Trước hết, phải biết các hệ giá trị ấy là gì. Sau nữa, làm sao cô đọng các hệ giá trị ấy trong hệ thống từ ngữ ngắn gọn dễ nhớ dễ nhập tâm nhất.

1. Chúng ta, bao năm qua, hay hát bài hát về Bác Hồ với câu "Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa". Vâng, nhớ Bác Hồ trồng cây, là nhớ Bác Hồ chăm chút dạy dỗ những chồi non, cây non là các cháu thiếu nhi. Bác Hồ từng viết hai câu thơ thật giản dị như thế này:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan

Tại sao chỉ cần "Biết ăn ngủ, biết học hành" đã là ngoan rồi? Vì "ăn ngủ" không chỉ là nhu cầu tồn tại, nếu nó được hướng dẫn từ nhỏ, nó sẽ thành bản tính. Mà "bản tính thì khó dời", phải không ạ? Bản tính, nếu là bản tính tốt, nó sẽ định hướng, sẽ dắt dẫn cho con người suốt đời. Và đó sẽ là con người tốt. 

Những câu thơ giản dị nhất của Bác Hồ, nếu ta hiểu sâu xa ra, thì nó ẩn chứa nhiều điều mà Bác muốn trao truyền lại, nhất là cho thiếu nhi, cho thế hệ trẻ. Những trao truyền ấy thực sự giản dị, nhưng nếu ta hiểu ra, ta làm được, thì dần dà nó sẽ thành "của để dành" của mỗi con người, mà bây giờ ta gọi là "hệ giá trị".

(Báo Tết) Hệ giá trị Việt Nam: Hệ giá trị cho thiếu nhi, cho con người Việt Nam - Ảnh 3.

Bảng hiệu "Năm điều Bác Hồ dạy"

Bác Hồ xuất thân Nho học, sau vì khát khao cứu nước nên xuất dương sang Pháp, rồi đi khắp thế giới, nhiều nhất là các nước phương Tây, để học hỏi, trải nghiệm, để tìm đường, để nhận chân các giá trị. Năm 1945, nước nhà đã độc lập, Bác Hồ lại tìm về những giá trị nhân ái, đạo đức truyền thống của dân tộc, những điều cha mẹ dạy con từ thuở thiếu thời.

Những lời hay ý đẹp ấy đã đúc kết trong ca dao, dân ca, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Nó là những trải nghiệm và đúc kết của cả một dân tộc qua bao nhiêu đời, nhưng hình thức thể hiện lại rất giản dị, rất dễ đi vào tâm cảm từng người, kể cả trẻ em, thiếu nhi, nam phụ lão ấu đều có thể tiếp thu một cách tự nhiên được.

Học những điều lớn lao lại nhẹ nhàng như "biết ăn ngủ, biết học hành" hàng ngày, đó là triết lý của dân tộc Việt. Đến tuổi này, tự nhiên tôi thấm thía những điều cứ ngỡ như bình thường, cứ ngỡ như quê mùa ngô khoai sắn ấy.

Trong Năm điều dạy của Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam, đều là những điều rất lớn lao, nhưng được thể hiện dưới hình thức thật bình thường, thật nhỏ bé, cứ như chuyện trẻ em "Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan":

Điều 1: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào

Điều 2Học tập tốt, lao động tốt

Điều 3Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Điều 4Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Điều 5: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

                                       (Năm điều Bác Hồ dạy)

Nếu bạn đã qua thời thiếu nhi, bạn đều biết Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi được đúc kết bằng những câu ngắn gọn như vậy. Trong từng câu đều có sự liên kết: "Yêu tổ quốc" liên kết với "Yêu đồng bào"; Học tập liên kết với Lao động; đã Đoàn kết thì phải giữ Kỷ luật; giữ Vệ sinh ở điều 4 vừa độc lập vừa liên kết với điều 5 "Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm". Năm điều ấy lại kết thành một khối hoàn chỉnh, học sinh rất dễ nhớ, dễ thuộc. Và quan trọng hơn, dễ tự nhiên làm theo. Làm được Năm điều ấy, thì không chỉ là học sinh tiên tiến, mà có những căn cứ vững chắc để khi trưởng thành sẽ có lẽ sống tốt đẹp, từ đó thành những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Khi viết Năm điều này, Bác Hồ đã cân nhắc từng chữ, có vài điều phải sửa đi sửa lại, vì Bác Hồ biết, khi căn dặn các cháu thiếu nhi thì từng từ ngữ tự nó phải có giá trị tối ưu.

2. Chúng ta bàn với nhau về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, nhưng từ đầu năm 1946, Bác Hồ đã nói lên cốt lõi của hệ giá trị ấy, khi trực tiếp nói về khát vọng lớn nhất của đời mình, khi trả lời các nhà báo quốc tế. Khát vọng ấy là thế này: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Bây giờ, chúng ta phải đọc lại để thấm từng chữ cái ham muốn tột bậc ấy của Bác Hồ, vì nó không thể giản dị hơn. Vậy mà chúng ta hiện nay vẫn đang phấn đấu từng ngày để đạt cho được cái ham muốn giản dị ấy, vì nó là ham muốn của cả dân tộc, chứ không riêng ham muốn của Bác Hồ.

Bởi, về bản thân mình, Bác Hồ chỉ ao ước như thế này:

"Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui… Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi".

"Hệ giá trị Hồ Chí Minh" chính là như thế. Sự "đạt đạo", sự "đốn ngộ" của Hồ Chí Minh cũng chính là như thế. Và suốt đời Bác Hồ đã tuân theo, đã thực hiện hệ giá trị này, công khai và minh bạch.

Bàn về hệ giá trị Việt Nam, là phải tìm hiểu sâu sắc "Hệ giá trị Hồ Chí Minh" - một con người Việt Nam tiêu biểu. Khi chúng ta thực sự mong muốn học tập và làm theo lý tưởng và đạo đức của Người, thì phải thấu cảm được những điều giản dị mà Bác mong muốn chúng ta không chỉ phấn đấu mà có, còn phải tự nhiên mà có.

Vì đó cũng là cốt lõi của Hệ giá trị Việt Nam.

Nhà thơ Thanh Thảo - Xuân Quý Mão 2023

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm