08/01/2018 19:31 GMT+7 | ĐÀN ÔNG CHẤT
(Thethaovanhoa.vn) - Đàn ông chất là gì? Đàn ông muốn chất là đàn ông phải được sự công nhận của phái nữ trước đã.
Giống như cao thì cần phải có thấp để biết là mình cao. Mọi so sánh chỉ mang tính tương đối, một giới cần có giới còn lại để nhận ra mình khác biệt. Vì vậy, bản thân đàn ông từ khi sinh ra, từ khi biết mình là đàn ông thì tự bản thân đã chất. Hoặc khác đi so với phái nữ về độ “chất”.
Hãy nhìn vào sự khác biệt trong ngôn ngữ để thấy:
Trong tiếng Anh, những công việc lớn, những điều vĩ đại, được xã hội tôn trọng thường sẽ có gốc từ man như: Policeman (cảnh sát) (Ở Việt Nam, khi nói chuyện với con nhỏ, đôi khi người lớn cũng thường vô tình gọi “chú cảnh sát”, “ông công an” mà ít khi gọi “cô cảnh sát”, “Cô/bà công an”), human (con người nói chung), mankind (nhân loại) hay statesman (chính trị gia), superman (siêu nhân), businessman (doanh nhân), gunman (người bắn súng/sát thủ)… gần như là một loại “ám thị” về vai trò to lớn của đàn ông trong xã hội.
Chúng ta không thể phủ nhận những định kiến và một phần đặc tính giới đã đưa hình ảnh của đàn ông luôn gắn với những vai trò lớn lao, mang tính mở rộng, chinh phục hoặc âm thầm chịu đựng những khó khăn, hiểm nguy.
Ấy vậy mà phụ nữ cũng lạ. Khi đàn ông mở cửa giúp họ, đi chợ hay mua hoa mua quà cho họ thì họ gọi đó là “chất”, là “nhất”, là “ga lăng”, là đủ những danh từ mỹ miều nhưng khi đàn ông ngoại tình, vô tâm và phản bội thì đàn ông lại là “khốn nạn”, là “sở khanh”... Gần như “ga lăng” và “lịch thiệp” là cụm từ để ngầm ám chỉ rằng “đàn ông phải thế” mà quên đi sự bình đẳng, quên đi những hy sinh và yếu đuối trong lòng người đàn ông. Quên luôn rằng phụ nữ cũng có những phút giây phản bội hay nhậu nhẹt bê tha với bạn.
Phải chăng đàn ông đang phải chịu nhiều thiệt thòi?
Trong những diễn đàn dành cho phái nữ, thường dễ bắt gặp những chủ đề như đàn ông ngoại tình, đàn ông vô tâm, làm sao để giữ chồng... Rất nhiều lời ca thán, rất nhiều những bí kíp từ dân gian đến khoa học để giữ chồng nhưng lại có một sự thật khá thú vị: Đàn ông không bao giờ ca thán về vợ mình nhưng sẽ tìm nhân tình để giải tỏa những bí bách trong lòng, phụ nữ dù ca thán nhưng vẫn chung thủy. (Hoặc chưa đến lúc phản bội!?)
Đàn ông dù theo chủ nghĩa nam quyền đến mấy thì cũng không tránh được ải “lấy vợ” hay dân gian còn có cách gọi khác là “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”, còn phụ nữ không lấy chồng vẫn có thể có con và tạo cho mình một mái ấm. Nhưng khi đàn ông đã lập gia đình, dù có ngoại tình, họ vẫn sẽ về với vợ con, chu cấp mọi thứ đàng hoàng còn khi phụ nữ đã có nhân tình bên ngoài thì bỏ chồng, bỏ con, bỏ cả xứ để theo nhân tình.
Và ngay cả trong những tình huống bĩ cực nhất khi bị đe dọa tính mạng, đàn ông thường không nghĩ đến bản thân mình hay lòng tự trọng cá nhân mà van xin: “Tôi còn có vợ con” nhưng khi phụ nữ gặp phải tình trạng tương tự, họ sẽ ít khi nói: “Xin đừng, tôi còn có chồng con” mà thường chỉ nói: “Tôi còn con nhỏ hoặc bố mẹ cần chăm sóc”.
Có thể thấy rằng, ưu tiên của đàn ông, đôi khi không phải là bản thân họ mà là những người xung quanh. Là vợ, là gia đình bé nhỏ cần che chở. Họ âm thầm chịu đựng và tận tụy cống hiến không cần một ai công nhận. Với những phê phán thường ngày như vô tâm, hay rượu bia tụ tập, tôi thường thấy đàn ông cười xòa. Không hẳn vì họ thích thế, không hẳn vì họ vô tâm thật mà đôi khi là một đối tác làm ăn khó lòng từ chối, là những rèm pha từ phía bạn bè nói rằng mình sợ vợ khi phải về nhà sớm, hay chỉ là những áp lực công việc căng thẳng quá khiến họ không muốn về nhà.
Và khi chúng ta cứ tranh cãi mãi về việc ai đúng ai sai, ai hơn ai thì cá nhân tôi luôn tin tưởng rằng ngay cả ác quỷ cũng sẽ là một thiên thần khi được yêu thương một cách phù hợp, và sẽ luôn luôn tồn tại một mặt tốt nào đó trong mỗi con người. Bởi lẽ chúng ta cũng là “con” như con voi, con cá, con chim,… nhưng chúng ta nhân văn và có ý thức hơn, một phần nào đó trong ta luôn hướng thiện nên chúng ta mới gọi nhau là con người.
Vậy nên sẽ có những lúc chúng ta đối xử làm người khác không mấy dễ chịu và hài lòng. Những hãy xem, khi hoạn nạn bạn sẽ gọi ai? Lính cứu hỏa? Cảnh sát? Bác sỹ? Những người đó có tốt không? Chúng ta liệu có chắc trong số đó không có những cảnh sát không đánh đập vợ con? Không có người lính cứu hỏa nào nghiện rượu? Chúng ta không thể chắc, càng không thể qui chụp rằng những người làm việc tốt thì không thể xấu. Cũng như đàn ông đối xử không tốt với vợ con thì là người bỏ đi.
Và hãy xem, để thế giới có một thiên tài, người sáng lập ra thuyết tương đối và rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, gia đình Albert Einstein đã phải hy sinh những gì? Một người chồng vô tâm và hời hợt, nhiều yêu sách và một người cha thường xuyên vắng mặt trong gia đình... Tôi gọi đó là sự hy sinh của riêng Einstein.
Và như một điển tích khá nổi tiếng: "Every coin has its two sides" (tạm dịch: Mỗi đồng xu đều có hai mặt của nó), mọi vấn đề xảy ra đều có mặt tốt và mặt không tốt. Chúng ta luôn nhìn Albert Einstein với con mắt khâm phục như thể một “thánh nhân” và coi trọng những điều ông nói và làm, nhưng nếu nhìn theo góc độ gia đình, phải chăng ông đã sai quá sai? Tôi thường giữ mình ở vị trí trung lập trong mọi chuyện và trong tình huống này, tôi cho đó là một sự hy sinh vĩ đại.
Có lẽ, đàn ông “chất” ở ngay những điều đó. Những sự lựa chọn khó hiểu và cả những sai lầm để hy sinh cho những thứ gì đó lớn lao. Để đưa nhân loại đến những vùng đất còn xa xôi hơn cả những điều phi thường để tìm thấy, để nhận ra những điều hết sức nhỏ bé.
Như trong bức ảnh này của nhà khoa học Carl Sagan, ông đã viết trong cuốn sách "Chấm xanh mờ" của mình như thế này: “Từ khoảng cách xa xôi như thế, Trái Đất dường như chẳng gợi nên chút hứng thú nào. Nhưng đối với chúng ta, đấy là sự khác biệt. Hãy nhìn cái chấm ấy. Đấy là nhà chúng ta, là chúng ta. Trên đó có tất cả những người bạn yêu, bạn biết, bạn đã từng nghe nói tới, những ai đã từng sống cuộc đời của mình. Đấy là tập hợp những niềm vui và nỗi đau của chúng ta, hàng nghìn những tôn giáo, ý thức hệ, học thuyết kinh tế, những người hùng và kẻ hèn nhát […] Tất cả trong một cái chấm nhỏ lơ lửng giữa tia sáng của Mặt Trời”.
Đàn ông đôi khi có những điều rất khó nói mà chỉ lặng lẽ cất giấu trong lòng. Họ không đôi co với phụ nữ xem ai đúng ai sai, ai vô tâm ai hay bội phản. Âu có lẽ cũng là một phần cái “chất” của đàn ông. và đàn ông, phải chăng cũng nên “chất” như thế?
Quay trở lại với câu hỏi đề tựa: Đàn ông chất là gì? Đàn ông muốn chất là đàn ông phải được sự công nhận của phái nữ trước đã. Vậy đàn ông không dạy phụ nữ cách trở thành phụ nữ, có lẽ phụ nữ cũng không nên áp đặt những tiêu chuẩn “thế nào là đàn ông”. Hãy để cho đàn ông là đàn ông và được “chất” theo cách riêng của mình.
Hạn cuối cùng nhận bài dự thi “Đàn ông Chất” sẽ là ngày 20/1/2018. BTC sẽ công bố bài đoạt giải trên fanpage của báo Thể thao & Văn hóa và trên báo điện tử Thể thao & Văn hóa (chuyên mục: Đàn ông "chất") vào ngày 24/1/2018 và sẽ trao thưởng cho tác giả đoạt giải vào ngày 26/1/2018. Bài dự thi “Đàn ông Chất” gửi về về BTC qua địa chỉ E-mail: ngaydanong1911@gmail.com kèm theo thông tin cá nhân, hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp tại Báo Thể thao & Văn hóa (11 Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Tác giải các bài viết cũng có thể đăng bài của mình trên Facebook cá nhân, với hashtag #danongchat và #ngaydanong1911 và kêu gọi bạn bè, người thân cùng share và comment. Các hạng mục giải thưởng như sau: - 1 Giải Nhất: 30.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 4.000.000 đồng. - 2 Giải Nhì: mỗi giải 20.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 3.000.000 đồng. - 3 Giải Ba: mỗi giải 10.000.000 VNĐ + Voucher Giovanni trị giá 2.000.000 đồng. - 3 Giải Khuyến khích: mỗi giải: 5.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 1.000.000 đồng. |
Vũ Ngọc Thảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất