“Hậu trường” truyện tranh Việt (Bài 3)

17/11/2010 07:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Giữa "thiên la địa võng" truyện tranh ngoại, những tưởng truyện tranh Việt không "ngóc" lên được. Nhưng có một thực tế kỳ lạ là dù bị lép vế nhưng những bộ truyện tranh được in nhiều nhất vẫn là truyện tranh Việt.

>> Chuyên đề: Toàn cảnh Manga

Dũng sĩ Hesman, “siêu anh hùng” đầu tiên của truyện tranh Việt Nam


Mặc dù không được “thuần Việt” cho lắm khi lấy ý tưởng từ một bộ phim hoạt hình Nhật Bản nhưng Dũng sĩ Hesman xứng đáng được liệt vào hàng những tác phẩm “kinh điển” của nền truyện tranh Việt (nếu có) khi đã một thời khiến các cô cậu học trò mất ăn mất ngủ vì công cuộc bảo vệ công lý của anh chàng người máy được ghép nên từ 5 con mãnh sư robot. Từ một tập phim, họa sĩ Hùng Lân, người thể hiện bộ truyện, đã “kéo” được 4 tập và nhanh chóng gặt hái thành công. Trước nhu cầu của đông đảo độc giả, bộ truyện được “kéo” tiếp đến… 2 năm sau với gần… 200 tập. Kể từ tập 4 trở đi, có thể khẳng định đây đã là một bộ truyện “thuần Việt” khi họa sĩ Hùng Lân vừa vẽ vừa sáng tác luôn cả cốt truyện. Họa sĩ Hùng Lân rất vui và tự hào về tài “vẽ hộp” của mình (tạo hình của Hesman chủ yếu là những khối hộp) khi đến hôm nay sau gần 20 năm vẫn còn được nghe nhiều bạn trẻ nhắc đến Dũng sĩ Hesman như một phần ký ức tuổi thơ của mình.

Những người mang Doraemon đến Việt Nam

20 năm qua, Doraemon đã là người bạn thân thiết của thiếu nhi Việt Nam. Doraemon cũng là bộ truyện tranh đưa manga lên vị trí thống soái ở thị trường Việt Nam và hiện vẫn giữ kỷ lục bán chạy nhất với hơn 50 triệu bản. Nhắc đến Doraemon dĩ nhiên phải nói đến ông Nguyễn Thắng Vu, nguyên giám đốc NXB Kim Đồng (qua đời vào tháng Mười vừa qua), người đầu tiên đưa Doraemon đến với thiếu nhi Việt Nam. Chính ông cũng đã khôn khéo thương lượng với tác giả bộ truyện chuyển phần tác quyền từ năm 1992 - 1996 vào Quỹ học bổng Doraemon hỗ trợ trẻ em nghèo Việt Nam.


Truyện tranh Doraemon có mặt tại Việt Nam cũng là công sức rất lớn của nhiều người Việt

Người thứ hai, tuy lặng lẽ âm thầm nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của Doraemon ở Việt Nam, là họa sĩ Đức Lâm, biên soạn chính của bộ truyện. Với những nét văn hóa, phong tục tập quán, văn phong hoàn toàn xa lạ với người Việt, bản dịch Doraemon thực sự là bài toán hóc búa về ngữ nghĩa và câu chữ. 4 biên tập viên có tiếng của NXB Kim Đồng đã phải “chào thua” sau một thời gian “vật lộn” với bản dịch. Đến khi họa sĩ Đức Lâm vào cuộc quyết định Việt hóa toàn bộ bản dịch, viết lại lời thoại theo văn phong phù hợp với phong cách từng vùng miền thì Doraemon mới thực sự được đón nhận nồng nhiệt. Bạn bè vẫn thường gọi ngôi nhà được xây nên từ tiền nhuận bút biên soạn Doraemon của ông là ngôi nhà Doraemon.

“Giải an ủi” cho truyện tranh Việt

Có một nghịch lý rất lạ và cũng khiến truyện tranh Việt Nam cảm thấy an ủi phần nào là mặc dù bị truyện tranh ngoại chèn ép nhưng những bộ truyện tranh được in nhiều nhất, được độc giả hâm mộ nhất vẫn là… truyện tranh Việt. Tuy truyện tranh nước ngoài, nhất là manga, gần như chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng điểm lại thật sự ăn khách, được tái bản nhiều lần chỉ có DoraemonThám tử lừng danh Conan. Các bộ truyện đình đám khác như Bảy viên ngọc rồng, Dấu ấn rồng thiêng, Đường dẫn tới khung thành, Thám tử Kindaichi, Quyển sổ thiên mệnh... số bản in không nhiều và ít được tái bản (các em nhỏ chủ yếu tiếp cận ở các cửa hàng cho thuê truyện). Ngược lại tuy ít ỏi nhưng truyện tranh Việt Nam khá chất lượng khi Dũng sĩ Heman (dài 159 tập, có thời điểm phát hành lên đến 160.000 - 180.000 bản/tập) và Thần đồng đất Việt (đã ra 127 tập, với số phát hành trung bình 20.000 bản/tập) đều “vượt mặt” các bộ truyện tranh nước ngoài về độ ăn khách. Một người gắn bó lâu năm với ngành truyện tranh khẳng định: “Chúng ta đừng nên tự ti về nền truyện tranh Việt vì người đọc Việt Nam bao giờ cũng ủng hộ truyện tranh Việt Nam”.

Những nỗ lực vì truyện tranh “thuần Việt”

Công ty Phan Thị đã nổ phát súng đầu tiên “mở đường” cho truyện tranh Việt giữa “thiên la địa võng” truyện tranh nước ngoài. Sản phẩm đầu tay bộ truyện tranh sử Dấu ấn Lạc Hồng (sau được NXB Trẻ đổi lại là Danh nhân lịch sử Việt Nam) thất bại thảm hại. Không nản chí, “nữ tướng” Phan Thị, bà Mỹ Hạnh nung nấu ý tưởng “phục hận” với bộ truyện tranh dã sử Thần đồng đất Việt (họa sĩ Lê Linh thực hiện). Rút “kinh nghiệm” từ lần hợp tác thất bại trước, NXB Trẻ từ chối tác phẩm mới này. Bà Mỹ Hạnh lại… làm liều khi bán nhà lấy tiền in truyện. Và đến nay Thần đồng đất Việt không chỉ là bộ truyện tranh Việt ăn khách nhất mà số bản in còn vượt xa nhiều bộ manga đình đám.

Công ty Art Sign là tập hợp toàn những người trẻ nặng lòng với truyện tranh Việt. Art Sign đang đi từng bước trên con đường tìm bản sắc cho truyện tranh Việt, vốn còn nhiều chông gai, với những tác phẩm tạo được ấn tượng tốt với độc giả như: bộ Truyện cổ tích Việt Nam, Truyện cổ tích thế giới, chuyển thể truyện tranh những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như Nữ sinh, Trước vòng chung kết, Bồ câu không đưa thư, Bong bóng lên trời…

TVComics chưa chính thức góp mặt trên thị trường nhưng TVComics đã tập hợp được một đội ngũ họa sĩ và tác giả sáng tác mà nghe tên phải giật mình vì toàn những cây bút truyện tranh đã khẳng định được tên tuổi và quen thuộc với các thế hệ từng say mê truyện tranh Việt: họa sĩ Chinh Phong, Văn Minh, Hùng Lân, Đức Lâm, Ngọc Linh, Lê Linh…, tác giả Lâm Hà, Nguyễn Trí Công, Thượng Hồng, Ngô Thị Hạnh… TVComics sẽ đồng loạt tung ra thị trường các ấn phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện tranh châm biếm, kinh dị, dã sử, lịch sử… trong thời gian tới.

Đón đọc Bài kết - Ông Nguyễn Trí Công: Biên tập viên truyện tranh không chỉ là... sửa morasse

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm