Truyện tranh Việt Nam và “mỏ vàng” cổ tích (Bài 2)

16/11/2010 07:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Hầu như các đơn vị xuất bản truyện tranh nào ở ta cũng khai thác “mỏ vàng” truyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Thế nhưng việc khai thác này có làm cho thị trường truyện tranh trong nước phát triển?

>> Chuyên đề: Toàn cảnh Manga

“Tranh hóa ” chuyện “ngày xửa… ngày xưa”: Không dễ!


Bồ câu không đưa thư, một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa được “truyện tranh hóa”

Bám vào các câu chuyện trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, như: Sự tích quả dưa hấu, Từ Thức gặp tiên, Trương Chi, Cây tre trăm đốt…, các nhà sản xuất truyện tranh trong nước “thi đua” nhau cho ra hàng loạt ấn phẩm. Có khác chăng là nét vẽ cũng như màu sắc của mỗi truyện, còn phần nội dung vẫn tuân theo nguyên tắc “ngày xửa… ngày xưa”.


NXB Kim Đồng là một đơn vị đứng đầu trong việc ấn hành sách dành cho thiếu nhi. Nghiễm nhiên, kho tàng truyện dân gian Việt Nam cũng được NXB này khai thác triệt để. Có điều, NXB Kim Đồng đã mời những họa sĩ có nghề để vẽ tranh và các nhà văn tên tuổi viết cho thiếu nhi soạn lời thoại. Chính điều này đã giúp việc “tranh hóa” các câu chuyện quen thuộc trong kho tàng cổ tích Việt Nam được bạn đọc đón nhận mà chưa có lời than phiền. Chẳng hạn như các truyện: Truyện trê cóc (Tranh: Ngô Mạnh Lân - Lời: Tô Hoài), Cất nhà giữa hồ (Tranh: Nguyễn Trung Dũng - Lời: Phạm Hổ), Chuyện Ông Gióng (Tranh: Mai Long - Lời: Tô Hoài)…

Thế nhưng không phải đơn vị làm truyện tranh nào cũng có được lợi thế hoặc “dám đầu tư” như NXB Kim Đồng. Trong thời gian qua, dư luận trên báo chí lên tiếng “Giật mình với truyện cổ tích Việt Nam” hay “Truyện cổ tích Việt Nam bị biến dạng”. Sự lên tiếng đó đều gắn liền với truyện tranh Việt Nam chuyển thể từ các câu chuyện “ngày xửa… ngày xưa”. Bởi vì những truyện tranh này đã được “soạn lời mới” và ít nhiều không “bê nguyên” bản gốc gây tâm lý “phản cảm” cho những người đọc quá yêu “vốn quý” của truyện cổ tích.

Trao đổi chuyện này, ông Vương Quốc Thịnh - Giám đốc Công ty truyện tranh Art Sign, cho rằng: “Đội ngũ làm truyện tranh ở Art Sign toàn là người trẻ. Nên chúng tôi muốn chuyển tải truyện cổ tích thành truyện tranh với góc nhìn trẻ, mang hơi thở của lời ăn tiếng nói hôm nay”. Tất nhiên, đây là ý tốt của những người trẻ ở Art Sign khi họ muốn làm mới những câu chuyện cũ. Nhưng làm mới như thế nào để được “chấp nhận” lại là một việc khác bởi truyện cổ tích đã đi sâu vào tiềm thức của người Việt rồi nên rất khó chấp nhận một câu chuyện không giống như “lời bà kể cháu nghe” thuở nào.

Có lẽ, người đọc ở ta rất khó tính trước những câu chuyện cổ tích được “tranh hóa” không đúng như nguyên bản. Nếu nhìn ở góc độ truyện tranh cổ tích Việt Nam như một tác phẩm “phái sinh” từ bản gốc thì mọi việc có lẽ nhẹ nhàng hơn. Vì cũng giống như một tác phẩm văn chương được biên kịch thành phim, ắt hẳn bộ phim đó không thể giống “nguyên văn” cái truyện ngắn nổi tiếng độc giả đã yêu mến. Tuy vậy, mọi sự phản ứng của người đọc đều có lý và việc “tranh hóa” các câu chuyện “ngày xửa… ngày xưa” thật không dễ chút nào.

“Mỏ vàng cổ tích ”: Đào đến bao giờ!?


Truyện Thần đồng Đất Việt

Tháng Bảy vừa qua, NXB Mỹ thuật và thương hiệu sách Nhã Nam tung ra chín tập truyện tranh cũng khai thác từ truyện dân gian Việt Nam. Trước đó, Art Sign cũng đã phát hành 60 tập truyện tranh cổ tích Việt Nam và 40 tập truyện tranh cổ tích thế giới. Công ty sách Đông A đang hướng đến thị trường sách hình ảnh, in chủ yếu là tranh ảnh, cũng không bỏ qua “kho tàng” này.

Để “đào mỏ vàng” truyện cổ Việt Nam hay thế giới có nhiều cách. Cách thông thường là “tranh hóa” các nội dung có sẵn của những câu chuyện mà gần như người Việt nào cũng biết. Cách “sáng tạo” hơn là mượn hình bóng của các nhân vật đã đi vào dân gian. Cách này công ty Phan Thị đã làm với bộ truyện tranh nổi đình nổi đám: Thần đồng đất Việt. Nói đến Thần đồng đất Việt, hẳn nhiên người Việt nào cũng liên tưởng đến các câu chuyện Trạng với các nhân vật rất thông minh và dí dỏm. Tất nhiên, những nhân vật Trạng trong truyện dân gian rất khác với nhân vật trong Thần đồng đất Việt và ngược lại. Nhưng “hình bóng” của các nhân vật Trạng trong chuyện xưa không hẳn là “biến mất” trong thần trí, tính cách của nhân vật Trạng “tuổi trẻ tài cao, hoạt náo, vui vẻ” của Thần đồng đất Việt.

Không dừng lại ở chuyện cổ tích, các đơn vị làm truyện tranh còn “khai thác” các nhân vật đã đi vào huyền thoại dân gian. Những nhân vật lịch sử như: Yết Kiêu - Dã Tượng, Hai Bà Trưng, Tô Hiến Thành, Lý Nam Đế, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… đều đã đi vào truyện tranh. NXB Kim Đồng đã “truyện tranh hóa” trong bộ truyện lịch sử Việt Nam 16 nhân vật mà cũng là 16 chân dung nhân vật lịch sử như thế. Cũng liên quan đến các nhân vật lịch sử, NXB Kim Đồng đã làm riêng một bộ sách gồm 15 tựa về các “hào kiệt đất phương Nam”. Những hào kiệt ấy gồm các dũng tướng uy vũ ngất trời; những thủ lĩnh nông dân vì nghĩa dấy binh dẹp loạn, đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi; những trang hảo hán, giàu lòng nghĩa hiệp, khí phách ngang tàng, những sĩ phu nổi tiếng tiết thảo và cương trực với tấm lòng sáng trong như nhật nguyệt; những học giả uyên bác, mẫn tiệp với tầm nhìn xa rộng làm điểm tựa vững chắc cho nhân dân trong công cuộc khai mở và tạo lập vùng đất trù phú, hưng thịnh hơn ba trăm năm qua.

Nếu các câu chuyện cổ tích cũng như các nhân vật lịch sử đều được các nhà sản xuất truyện tranh khai thác thì không biết đến bao giờ “mỏ vàng” này mới cạn kiệt đề tài?!

Hướng đi nào cho truyện tranh Việt?

Văn chương chờ… họa sĩ

Việc chuyển thể các tác phẩm của tôi sang truyện tranh đã được các NXB Trẻ, Kim Đồng gợi ý lâu rồi. Nhưng tôi vẫn sợ chưa đúng thời điểm để “tranh hóa” các tác phẩm của mình. Đúng hơn là tôi sợ tranh vẽ không đạt yêu cầu, không chuyển tải được các nội dung văn học mà tôi thể hiện. Từ khi tiếp xúc và làm việc với các bạn trẻ ở Art Sign, tôi thấy các bạn rất tâm huyết, hơn hết là vẽ rất đạt nên tôi rất yên tâm. Về nhuận bút nguyên tác của tôi, tôi không đặt nặng. Công lao làm nên các tác phẩm truyện tranh này thuộc về các họa sĩ của Art Sign -

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Câu hỏi này quả thật chỉ có các đơn vị xuất bản truyện tranh mới có câu trả lời. Ông Vương Quốc Thịnh ở Art Sign đang hướng đơn vị mình đến với các tác phẩm văn học đương đại có thể “vẽ tranh” được. Công ty này đã chuyển thể ba tác phẩm văn học dành cho tuổi mới lớn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, gồm: Bồ câu không đưa thư, Nữ sinh, Bong bóng lên trời (NXB Trẻ). Bảy tập tiếp theo của bộ truyện tranh Nguyễn Nhật Ánh sẽ được công ty này phát hành lần lượt trong năm 2011. Cũng trong năm tới, bộ truyện Ngũ quái Sài Gòn của Bùi Chí Vinh cũng được Art Sign “tranh hóa” phát hành với số lượng 2 tuần/tập cùng với bộ truyện tranh dài hơi mang tên Z-Men. Art Sign cũng đang thực hiện bộ truyện tranh Giáo dục giới tính hợp tác với công ty Diana. Sắp tới, Art Sign hợp tác với đài truyền hình chuyển truyện tranh của mình thành phim hoạt hình.

Nói đến mảng truyện tranh có tính “giáo dục”, không thể không nhắc đến loạt “truyện Bubu” của NXB Trẻ. Loạt truyện này hướng đến việc giáo dục các bé được các bậc phụ huynh trên các diễn đàn rất hoan nghênh. NXB Trẻ cho biết “truyện Bubu” đã in đều đặn 10 năm nay, hiện đã in hơn 60 tập, có tập in hơn 20 lần với toàn bộ có cả triệu bản in đã phát hành. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ tự hào rằng: “Ngoài truyện Doraemon của NXB Kim Đồng, truyện Bubu của NXB Trẻ đã làm được một cuộc ngoạn mục trong làng xuất bản truyện tranh suốt 10 năm qua”.

Như vậy, đâu chỉ có chuyện cổ tích hay chuyện danh nhân mới là “mỏ vàng” để những người làm truyện tranh khai thác. Những mảng đề tài khác cũng là một mỏ vàng vô tận đang đợi truyện tranh “nhảy vào”. Có khác chăng, những ai làm xuất bản truyện tranh sẽ “đi tìm” và “bắt gặp” những “mỏ vàng” truyện tranh như thế?!

Đón đọc Bài 3: "Hậu trường" truyện tranh Việt

Thanh Kiều

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm