Hai sự kiện giao thông "chấn động" 1 ngày

11/11/2012 07:16 GMT+7


1. Có hai sự kiện cùng một chủ đề được quan tâm nhất trong ngày hôm qua. Sự kiện thứ nhất, các bạn có thể đọc ở trên, chính là Đại lễ cầu siêu cho những người bị tai nạn giao thông (TNGT) trên toàn quốc. Nội trong 10 năm qua, có 100 ngàn người chết, điều đó có nghĩa là, chúng ta không chỉ phải cầu cúng cho 100 ngàn linh hồn được siêu thoát mà còn phải an ủi, sẻ chia với hàng trăm ngàn, hàng triệu người đang phải sống mất cha, mẹ, con cái, anh chị em… vì TNGT.

Cũng về chủ đề giao thông, nhưng sự kiện thứ hai – thông tin về việc bắt đầu xử phạt những người đi xe không chính chủ tại Hà Nội với mức phạt gấp 6 lần bình thường cũng gây một cơn địa chấn trong dư luận. Thay vì xót xa, an ủi, sẻ chia, thông tin trên lại gây bức xúc, thậm chí phẫn nộ ghê gớm.


Ngày đầu xử phạt xe không chính chủ (Ảnh: infonet)

Thật ra, trừ mức phạt nặng hơn, còn hành vi vi phạm thì đã được quy định từ trước trong luật. Nghĩa là nó không bỗng dưng mà có. Trong ngày hôm qua, mặc dù, cư dân mạng đã kể ra hàng trăm, hàng ngàn tình huống để chứng minh rằng việc xử phạt xe không chính chủ là vô lý, hoặc khó khả thi. Và tình huống nào kể ra cũng… chí lý.

Tuy nhiên, vì quy định này không bỗng dưng mà có, nên nếu nhìn nhận một cách bình tĩnh thì rõ ràng việc sang tên đổi chủ khi mua bán xe là cần thiết về mọi mặt, nó không những giúp cho Nhà nước thu được thuế, mà còn giúp cho việc quản lý phương tiện giao thông được tốt hơn. Cỗ xe, bản chất là thứ "động" nhất, nếu cứ để chúng "mất gia phả" (không chính chủ) thì việc truy tìm dấu vết của chúng khi sự cố xảy ra sẽ vô cùng khó khăn. Biết bao nhiêu kế hoạch "phạt nguội" xe vi phạm giao thông đi vào bế tắc chỉ vì không thể tìm được chủ phương tiện nếu chỉ căn cứ vào biển kiểm soát.

2. Nhưng có một câu hỏi không thể không đặt ra: Vì sao khi luật được siết lại thì người ta mới bàng hoàng, thậm chí ngã bổ ngửa ra, như lần đầu tiên biết được quy định này? Lỗi có phải chỉ do người dân "nhờn" với quy định này? Hay còn vì quy định này xưa nay, "có cũng như không" và chỉ được thực hiện chiếu lệ? Có lẽ là cả hai.

Một quy định có thể không sai, nhưng nếu không đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, thì cũng chưa chắc đã đúng. Hàng chục năm nay, việc mua bán xe máy đã qua sử dụng hầu như chỉ có giấy tờ viết tay, nhất là khi các loại xe máy kém chất lượng bùng nổ (Tham khảo con số: 45% chủ phương tiên hiện nay đi xe không chính chủ). Người ta coi những chiếc xe máy Tàu cũ chỉ hơn chiếc xe đạp một tí. Ấy là chưa kể, cả một giai đoạn rất dài hạn chế đăng ký xe máy, khiến người dân phải lách luật bằng cách nhờ người khác đứng tên hộ chiếc xe của chính mình.

Cơ quan chức năng nói rằng, đã thông báo việc phạt xe không sang tên đổi chủ từ cả tháng nay. Chưa nói đến việc thông báo đến được bao nhiêu người, nhưng có thể chắc chắn một điều rằng để siết lại cái quy định trên, không chỉ là thông báo… suông. Lẽ ra phải mất ít nhất 6 tháng hay 1 năm kêu gọi, tạo điều kiện, hỗ trợ, hướng dẫn cho 45% số người đi xe không chính chủ nói trên hoàn thiện việc sang tên đổi chủ các phương tiện của chính mình. Phải giải quyết những "tồn đọng lịch sử" trước khi phạt. Chứ không phải là vừa ra thông báo phạt xe không chính chủ, đã "dọa", ai quá thời gian 30 ngày, kể từ khi mua xe cũ, mới đi sang tên, thì cũng… phạt nốt. Như vậy thì người ta dễ có tâm lý, đằng nào cũng bị phạt, thì thôi, bị bắt thì xin, xin không được thì… bỏ luôn xe.

3. Trở lại với "2 sự kiện nóng" cùng chủ đề về giao thông trong ngày. Ai nghe thông tin về Đại lễ cầu siêu cho những người bị tai nạn giao thông cũng dấy lên niềm đau, muốn tìm ra những giải pháp khẩn thiết nhất để ngăn chặn những cái chết tức tưởi vì quốc nạn này. Nhưng trong các biện pháp khẩn thiết ấy, có lẽ việc phạt xe không sang tên đổi chủ là ít khẩn thiết nhất, nếu không muốn nói là làm rối bời bời 45% số chủ phương tiện không có tên mình trong giấy đăng ký xe.

Đông Kinh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm