13/11/2014 08:31 GMT+7 | Đọc - Xem
Nhiều hệ thống máy tính với khả năng... viết văn đã được nghiên cứu chế tạo ở Anh trong thời gian gần đây và chúng không ngừng được nâng cấp. “Cha đẻ” của chúng là các nhà khoa học máy tính, những người muốn kiểm tra khả năng viết sáng tạo của máy móc.
Tiểu thuyết toàn tiếng mèo kêu
Trên Guardian hôm 11/11, nhà báo Tom Meltzer đã khảo sát chất lượng các tác phẩm văn học của máy tính. Đầu tiên ông xem xét hệ thống máy được trang bị chương trình National Novel Generating Month (Tháng sản xuất tiểu thuyết toàn quốc) hay NaNoGenMo. Chương trình này được quảng bá là sẽ dạy cách viết tiểu thuyết cho máy tính.
Mặc dù vậy, NaNoGenMo cho ra những tác phẩm khá kỳ quặc từ cơ sở dữ liệu mà người ta nạp cho nó. Tiểu thuyết Mobi-Dick của nhà văn Herman Melville khi cho vào chương trình bị biến thành một tác phẩm toàn tiếng mèo kêu, và một bản khác toàn hình họa cảm xúc. Một tiểu thuyết khác của cỗ máy chỉ đơn thuần là sự tổng hợp những trích đoạn rời rạc, dựa trên dữ liệu về giấc mơ của các cô gái tuổi teen trên mạng.
“Tôi không nghĩ sẽ có ai đó coi trọng những tác phẩm này” - Mark Riedl, giảng viên cộng tác với Viện Công nghệ Georgia, nhận định. Riedl và đồng nghiệp của ông không tham gia dự án trên, nhưng họ đang ở trong một đội nghiên cứu khác tạo ra “nhà văn máy” khác.
Trong 2 năm qua, ông và cộng sự đã nghiên cứu chế tạo chương trình mang tên Scheherazade. Chương trình này tổng hợp và phân tích dữ liệu về viết văn, do một nhóm nhiều nhà văn cung cấp. Nó đã cho ra sản phẩm là những truyện ngắn ở mức đọc được, chẳng hạn truyện về chủ đề đi xem phim hay ăn nhà hàng
Scheherazade cho ra tác phẩm với những câu văn kể đúng trình tự giống tư duy con người như: “Bạn vào rạp chiếu phim. Bạn tìm được ghế ngồi đúng với số ghi trên vé. Bạn ngồi thoải mái trên chiếc ghế của mình”.
“Nhà văn máy” này sử dụng toàn câu văn kể chuyện đơn giản và chẳng có gì đặc sắc. Nhưng theo Riedl, viết như thế đã được coi là thành công lớn, vì “người đọc đã có thể hiểu hành động cỗ máy mô tả và không tìm thấy lỗi cơ học nào”.
Hẳn nhiên viết được tiểu thuyết ra trò đòi hỏi nhiều hơn thế. Thách thức đối với chương trình dạy máy tính viết tiểu thuyết là người ta phải dạy chúng cách tưởng tượng, chứ không chỉ kể và mô tả.
Theo đuổi nhiệm vụ phức tạp này là chương trình What-If Machine (Chiếc máy Nếu như), viết tắt là Whim, do 5 trường đại học ở châu Âu cùng thực hiện. Whim có cơ chế giống với Scheherazade, nhưng sử dụng cơ sở dữ liệu lớn hơn nhiều, trong đó chứa những ý tưởng có thể làm tiền đề cho một câu chuyện.
Tuy nhiên kết quả của Whim vẫn chỉ dừng lại ở những câu văn nghe như lời tựa trong truyện thiếu nhi: “Sẽ ra sao nếu như một chú cá voi nhỏ quên cách bơi? Sẽ ra sao nếu một chú mèo tập viết?”
Khó như dạy máy tính biết về văn hay
Ban đầu, khi đọc một tác phẩm của máy tính viết, nhà phê bình văn học Nicholas Lezard nghĩ đó là tiểu thuyết mới của Dan Brown. Sau đó, ông nhận ra thứ văn này còn vụng về hơn cả Brown, người mà ông cho là “bậc thầy của việc biến rác rưởi thành tiền”. Nhưng ông thấy mức độ hơn kém không quá cách biệt. Ông cho rằng, có thể máy tính đã được lập trình để viết theo lối của Brown.
Với các quy tắc viết ngày càng được bổ sung nhiều hơn, liệu trong tương lai, nhà văn máy tính có thể cho ra những tác phẩm “ngửi được” hay không? Tờ Guardian để ngỏ câu hỏi này, nhưng bình luận rằng nếu điều này diễn ra thì “độc giả có thể thở phào, trừ khi độc giả đó là Dan Brown”, bởi nhà văn Mỹ sẽ có đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Có thể thấy các chương trình máy tính viết văn đều đang ở dạng thử nghiệm và còn rất nhiều thách thức ở trước mặt. Chất lượng câu văn mới chỉ là thách thức ban đầu, phía sau nó còn có cốt truyện và hình tượng nhân vật. “Không khó để sản xuất một câu chuyện. Không khó để kể được một câu chuyện hay. Cái khó là làm sao để máy tính hiểu thế nào là hay” - Riedl chia sẻ.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất