HAGL: Từ thế lực đến bờ vực…

02/02/2023 05:44 GMT+7 | Bóng đá Việt

Kể từ năm 2002, HAGL luôn được coi là thế lực đáng gờm của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, đội bóng phố Núi lại đứng trước nguy cơ "nghỉ chơi" V-League 2023 vì không có tiền.

Câu chuyện tranh chấp về quyền tài trợ giữa VPF và CLB HAGL vẫn chưa đi đến hồi kết dù 2 bên đã có cuộc làm việc vào ngày 28/1 vừa qua. Mới đây nhất, VPF và nhà tài trợ Sâm Ngọc Linh tiếp tục có văn bản khuyến cáo CLB HAGL về việc sử dụng thương hiệu Carabao trong mùa giải 2023.

Ngay sau đó, CLB HAGL cũng đáp trả bằng công văn gửi tới VPF với nội dung sẽ "nghỉ chơi" V-League 2023 do không có đủ kinh phí vì vi phạm hợp đồng với nhà tài trợ nước tăng lực của Thái Lan này. Câu chuyện chưa rõ đúng sai nhưng giải VĐQG năm nay chỉ còn đúng 1 ngày nữa là sẽ khởi tranh.

Công ty VPF với CLB HAGL đều là cổ đông và đại diện đội bóng phố Núi nếu cần thiết có thể giải quyết tranh chấp dựa trên phân xử của toà án thương mại. Đây là điều không bên nào mong muốn, nhưng nếu kịch bản này diễn ra chưa chắc đã bị các bên phản đối và V-League có thể có những thay đổi bước ngoặt đầy tích cực.

Dưới một góc độ khác có thể thấy, sau khi lứa cầu thủ khoá 1 HAGL JMG tan rã, đội bóng của bầu Đức không còn là cái tên sẵn sàng "hô mưa gọi gió" tại giải quốc nội. Điều này đến từ nhiều yếu tố khác nhau như nhiệt tâm của bầu Đức với bóng đá, HAGL không thể kiếm tiền bằng việc xuất khẩu cầu thủ, các hoạt động bên ngoài, kiếm tiền từ bóng đá không đem lại lợi nhuận đáng kể…

Sau khi bầu Đức tiếp quản CLB HAGL vào năm 2002 đã đem đến một vị thế hoàn toàn khác cho bóng đá Gia Lai kể từ khi đội bóng này được thành lập năm 1976. Liên tiếp các bản hợp đồng bom tấn như Kiatisuk, Dusit, Mạnh Dũng, Việt Thắng… được đưa về phố Núi nhằm chinh phục giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam.

Thành quả đến vào năm 2003 và 2004 với 2 chức vô địch V-League liên tiếp. Đi kèm đó là 2 Siêu Cúp Việt Nam và vị trí hạng Ba tại giải vô địch CLB Đông Nam Á năm 2005. Dẫu vậy, kể từ đó đến nay, HAGL dù đầu tư rất nhiều cũng không thể một lần trở lại ngôi vương bóng đá Việt.

Có thời điểm bầu Đức đã quyết định đi tiên phong với việc mua giáo án đào tạo từ Arsenal JMG để cho ra lò những lứa cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Đông Triều…cùng tham vọng "xuất khẩu" cầu thủ.

HAGL: Từ thế lực đến bờ vực… - Ảnh 1.

Nếu HAGL quyết tâm không đá V-League 2023 thì có thể 2022 sẽ là mùa giải chuyên nghiệp cuối cùng của HAGL. Ảnh: Hoàng Linh

Thực tế chứng minh điều ngược lại, HAGL chưa bán được bất kỳ cầu thủ nào ra nước ngoài để thu hồi kinh phí đào tạo lứa cầu thủ khóa 1 HAGL Arsenal JMG. Cùng với đó, việc vội vàng đưa lứa cầu thủ này lên chơi tại V-League năm 2015 khiến giấc mộng của bầu Đức tan vỡ.

Suốt 8 năm xuất hiện tại V-League, danh hiệu lớn nhất lứa cầu thủ này có được là tấm HCĐ Cúp QG 2022. Kinh phí để nuôi đội bóng chuyên nghiệp và duy trì lò đào tạo trẻ được ước tính rơi vào khoảng 60 tỷ đồng/năm. Số tiền quá lớn kết hợp cùng việc tình hình tài chính không mấy khả quan khiến HAGL phải chi tiêu "dè xẻn" để duy trì trong suốt nhiều năm qua.

Việc tìm kiếm nhà tài trợ bên ngoài là điều bắt buộc để HAGL tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, lựa chọn mang tên Carabao đang khiến đội bóng phố Núi phải đau đầu. Nó cũng cho thấy rằng, thương hiệu của HAGL hiện tại không còn quá hấp dẫn khiến các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau để giành quyền tài trợ.

Bên cạnh đó, các hoạt động như bán áo đấu, tổ chức tour du lịch dù đang rất phát triển nhưng vẫn chưa thực sự đem lại cho HAGL một nguồn tài chính đủ lớn duy trì đội bóng.

Câu chuyện HAGL cũng đang là bài toán cho nhiều đội bóng tại V-League, khi vấn đề bản quyền hình ảnh, khai thác thương mại và kiếm tiền từ bóng đá vẫn chưa thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu. Các đội bóng sẽ rất khó hoạt động khi không tự tạo dựng cho mình một nguồn tài chính đủ tốt để vận hành bộ máy cơ bản trước khi tính đến chuyện thu hút nhà tài trợ. 


Minh Dân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm