12/08/2012 07:08 GMT+7 | Phim
(TT&VH Cuối tuần) - Tại sao cả bố lẫn mẹ, đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, làm việc rất nhiều trong ngành điện ảnh, có công ty riêng hẳn hoi, mà vẫn không có tiền? Câu hỏi ấy đã thôi thúc Hà Thục Vân quyết định thôi một công việc ổn định ở Hà Nội, một mình khăn gói sang London tìm cho được câu trả lời.
Tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế Đại học Queen Mary (Anh) với luận văn về Nguồn nhân lực trong điện ảnh, thành lập công ty cung cấp dịch vụ làm phim quốc tế, Hà Thục Vân gần như là người khai phá mảnh đất hợp tác đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều thử thách giữa các nhà làm phim Việt Nam với các kênh truyền hình tên tuổi như Discovery Channel, BBC, CNN… mà sự xuất hiện của 4 bộ phim tài liệu Việt Nam lần đầu tiên phát sóng trên kênh Discovery vào tháng 5 năm ngoái chỉ là một khởi đầu.
Điện ảnh Việt Nam sẽ “nóng” nguồn nhân lực
* Từng chứng kiến chị vùi đầu trong các khóa học tiếng Anh ở Hội đồng Anh, quyết đi học thạc sĩ ở tuổi 28 khi đang có một công việc ổn định, lại vừa có người yêu, tôi đã tự hỏi: Điều gì khiến cô tiểu thư Hà Nội này có một quyết tâm mạnh mẽ như vậy?
- Lúc đó đúng là tôi đang có một công việc rất tốt ở Bộ Giáo dục & Đào tạo, vả lại, đã 28 tuổi rồi, bạn bè cùng lứa hầu hết đã lấy chồng, tôi cũng đã có thể nghĩ đến một cuộc sống ổn định, lấy chồng sinh con. Song, ở một suy nghĩ khác, tôi lại thấy mình đang không còn nhiều thời gian nữa để có thể làm công việc mà mình yêu thích. Lúc bấy giờ mẹ tôi (NSƯT Tú Mai, Nhà hát Kịch Việt Nam) đã có một công ty làm dịch vụ cho các đoàn phim nước ngoài, các phim của đạo diễn Trần Anh Hùng, phim Bulgaria khi quay ở Việt Nam thời đó đều do công ty của mẹ (MTK) làm dịch vụ. Nhưng mẹ làm rất nhiều mà vẫn không có tiền, hay nói đúng hơn, kiếm được rất ít tiền từ công việc làm dịch vụ vất vả như vậy. Tôi tự hỏi: Tại sao lại như vậy? Có cách gì thay đổi điều đó? Và nghĩ tới việc phải đi học một cách bài bản về việc quản lý trong ngành điện ảnh, để giữ lại được công ty, bởi dẫu sao điện ảnh cũng là nghề truyền thống của gia đình.
Khi còn là sinh viên tại Anh
Tôi may mắn được mẹ rất ủng hộ việc này. Mẹ quyết định dành một nửa số tiền bán ngôi nhà của ông ngoại ở Sài Gòn cho tôi làm lộ phí du học. Nhưng chân ướt chân ráo tới London tôi mới biết mọi thứ không tuyệt vời như mình nghĩ khi ở nhà.
* Chị đã gặp chuyện gì?
- Số tiền mà mẹ cho tôi làm lộ phí là 25 ngàn USD, lúc đó tương đương 12 ngàn bảng Anh, vừa đủ đóng tiền học. Còn tiền ăn, tiền ở chưa nghĩ tới. Nhưng do xin được 50% học bổng vào trường Uni- versity East of London nên tôi cũng rất tự tin khi lên đường. Song tới nơi mới biết trường này hoàn toàn không như mình tưởng tượng về nước Anh: trường nằm trong khu vực đạo Hồi, cơ sở vật chất cho việc học sơ sài, gần như không có gì. Quá thất vọng và… tiếc tiền, tôi xin rút hồ sơ ra, bỏ cả học bổng. Lúc đó may có một người bạn Anh cho ở nhờ, và trong thời gian chờ nộp hồ sơ vào trường mới, tôi đi bán hàng ở các shop để kiếm tiền chi trả cho sinh hoạt, không dám đụng vào số tiền dành để học. Cuối cùng thì hồ sơ của tôi vào trường Queen Mary University of London, một trong Top 5 trường đại học ở London, được chấp nhận. Không có học bổng, toàn bộ số tiền có trong tay chỉ vừa đủ đóng tiền học, thời gian học thạc sĩ ở Anh lại ngắn hơn ở Mỹ, chỉ 1 năm, do đó thời gian 1 năm học này với tôi vô cùng căng thẳng, trong khi vẫn phải đi làm thêm để có tiền sinh hoạt. Tôi đã đến hầu hết các nhà tù ở Anh đấy, do được thuê làm phiên dịch cho những vụ người Việt liên quan tới ma túy ở Anh…
* Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của chị viết về nguồn nhân lực trong điện ảnh. Tại sao chị lại chọn đề tài này?
- Vì theo suy nghĩ của tôi, đây là một vấn đề rất đặc thù của ngành kinh tế điện ảnh, một ngành công nghiệp sử dụng rất nhiều lao động tự do - “freelance”, sử dụng rất nhiều các công ty vệ tinh. Hollywwod chẳng hạn, đó không phải là một công ty, mà là một thành phố với hàng trăm công ty khác nhau phục vụ cho ngành công nghiệp điện ảnh, trong đó có rất nhiều những công ty con mà bình thường chỉ duy trì 1 giám đốc và 1 thư ký, khi có dự án, công ty sẽ thuê rất nhiều người tham gia, hết dự án, mọi người lại giải tán. Không giống với các ngành nghề khác, nguồn nhân lực trong điện ảnh dao động liên tục. Nói cách khác, điện ảnh là một ngành công nghiệp mềm dẻo. Và đây cũng là ngành có xu hướng toàn cầu hóa nguồn nhân lực rất nhanh. Trước đây, khi mới đi học, tôi không hình dung được rằng mình sản xuất phim ở Việt Nam nhưng có thể thuê dựng phim ở Singapore chẳng hạn. Chuyện ấy bây giờ rất phổ biến.
Vấn đề nguồn nhân lực của điện ảnh Việt Nam hiện nay là không được đào tạo bài bản và mới chủ yếu tập trung vào những cái nào có liên quan tới kỹ năng điện ảnh, như là đạo diễn, biên kịch, diễn viên…, những nguồn nhân lực khác phục vụ cho công nghiệp điện ảnh, thì rất phân tán, không ổn định. Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, sẽ có những công ty chuyên đóng tàu cho các đoàn làm phim hay chuyên lo trang phục cho đoàn phim chẳng hạn. Hiện tại, nguồn nhân lực điện ảnh còn chưa được quan tâm mấy ở ta, nhưng chắc chắn, trong tương lai, khi ngành công nghiệp điện ảnh phát triển, sẽ “đụng” tới vấn đề này. Hiện nay, chúng ta mới đang tập trung vào chuyện làm thế nào bán vé ra rạp, nhưng khi ngành điện ảnh Việt Nam vượt qua giai đoạn lo “miếng cơm manh áo” thì chuyện phải có nguồn nhân lực tốt, những con người giỏi cho các dự án sản xuất phim và các hệ thống làm việc đúng chuẩn sẽ là vấn đề nóng.
Tốt nghiệp thạc sĩ đại học Queen Mary University, London
Muốn vào được Discovery phải có câu chuyện hay
* Sau khi từ Anh trở về, chị từng làm Giám đốc nhân sự cho công ty BHD. Lý do nào khiến chị quyết định thành lập công ty chuyên cung cấp dịch vụ làm phim?
- Khi tôi làm việc tại BHD, công ty đang phát triển tốt, và cũng như một số tên tuổi khác trong giới này, như Thiên Ngân, họ tập trung vào lĩnh vực phân phối phim, phần sản xuất có nhưng không nhiều. Tôi thấy có một “khe hở” trên thị trường điện ảnh lúc đó, chính là dịch vụ làm phim. Khi thị trường điện ảnh nội địa phát triển, những công ty lớn như vậy sẽ cần kết nối với các công ty cung cấp dịch vụ. Vì thế mà tôi quyết định đi chuyên vào mảng này với Red Bridge.
* Năm 2011, công ty Red Bridge rất đình đám trong vai trò quản lý dự án trình chiếu 4 bộ phim tài liệu Việt Nam trên kênh Discovery. Đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất hiện nay phim tài liệu Việt Nam được phát sóng trên kênh truyền hình nổi tiếng thế giới này. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, Red Bridge nắm được cơ hội vàng trên bởi chồng chị khi đó là cán bộ phụ trách chương trình của Quỹ Ford (Ford Foundation), nhà tài trợ cho dự án nói trên.
- Với những ai đã từng làm việc với các dự án hay tổ chức quốc tế, sẽ hiểu rằng sự quen biết sẽ không thể giúp bạn có được dự án nếu bạn không chứng tỏ được khả năng của mình. Khi kênh Discovery thông báo về việc sẽ phát sóng 4 bộ phim Việt Nam đầu tiên thì nhiều người mới biết tới dự án cũng như công ty Red Bridge, nhưng trên thực tế, bản thân tôi và Red Bridge đã từng làm nhiều dự án tương tự, và từng làm cho chính Discovery. Năm 2006, chúng tôi đã làm dịch vụ tại Việt Nam cho nhà sản xuất Singapore Pilot Productions làm chương trình TV show khá nổi tiếng là World Café Asia (show khám phá văn hóa ẩm thực của châu Á với đầu bếp Bobby Chinn, chủ nhà hàng Bobby Chinn ở Hà Nội và TP.HCM) và sau đó là một số dự án khác. Pilot Productions chính là người sản xuất nhiều chương trình cho Discovery Channel. Cùng năm này, khi Tổng thống Bush tới Việt Nam tham dự Hội nghị APEC, chúng tôi được thuê làm dịch vụ phục vụ cho việc tác nghiệp của 5 kênh truyền hình quốc tế tại Việt Nam trong sự kiện này mà người đại diện là kênh truyền hình Fox của Mỹ. Đây là thuận lợi rất lớn cho Red Bridge để được Discovery chọn là nhà sản xuất địa phương trong dự án series phim tài liệu Việt Nam lần đầu tiên được chiếu trên kênh này.
Cùng đoàn làm phim trên hiện trường
* Nhiều người kỳ vọng sự kiện lần đầu tiên 4 phim tài liệu Việt Nam được chiếu trên Discovery vào tháng 5/2011 sẽ mở được cánh cửa vào Discovery của phim tài liệu Việt Nam. Chị có nhìn thấy điều đó không? Cụ thể hơn, sau dự án đầu tiên này, đã có thêm dự án tương tự.
- Dự án làm phim với Discovery do Quỹ Ford tài trợ là chương trình đầu tiên trên Discovery do Việt Nam sản xuất, với những câu chuyện được đưa ra bởi chính các nhà làm phim Việt Nam. Trước đó, hình ảnh Việt Nam, câu chuyện Việt Nam nếu có xuất hiện trên kênh này đều là câu chuyện của Tây, của người nước ngoài. Hiện tại chưa có thêm dự án tương tự nhưng rõ ràng đã có một sự thay đổi sau sự kiện này. Thay vì chỉ đặt hàng mình sản xuất từ những câu chuyện của họ, Discovery đã chịu thảo luận với mình về câu chuyện của họ. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta vẫn chưa bán được thêm câu chuyện nào khác cho Discovery. Muốn vào được Discovery phải có câu chuyện hay. Và cái khó là, những kênh truyền hình quốc tế lớn như Discovery có những hệ thống khách hàng riêng của họ. Để quyết định lựa chọn một câu chuyện, một sự kiện làm phim họ có những điều kiện riêng. Chúng ta có thể cho rằng câu chuyện của mình hay nhưng họ lại cho rằng một câu chuyện khác của Indone- sia hấp dẫn hơn chẳng hạn. Mục đích của kênh Discovery là nhắm tới khán giả quốc tế chứ không phải chỉ cho khán giả Việt Nam. Dự án 5 phim tài liệu nói trên (về sau chỉ có 4 phim hoàn thành đúng yêu cầu và được phát sóng trên Discovery) may mắn có Quỹ Ford muốn đưa những câu chuyện Việt Nam như thế ra với thế giới.
* Như vậy có nghĩa, nếu không có một mạnh thường quân như kiểu Quỹ Ford thì cơ hội bán được phim Việt Nam cho Discovery là rất khó?
- Hiện tại việc bán trực tiếp phim cho Discovery theo tôi là rất khó. Kinh phí để làm một phim đủ điều kiện phát sóng khá cao, nếu được duyệt, Discovery sẽ phát sóng và sau 3 năm phát sóng, bản quyền phim được trả về cho đạo diễn, đạo diễn có quyền bán đi các kênh khác, Discovery cũng trả tiền bản quyền phát sóng, nhưng rất ít. Bởi vậy, khả năng chúng ta phối hợp sản xuất vẫn là chủ yếu và hy vọng tới một lúc nào đó chúng ta có thể trực tiếp kể những câu chuyện của mình trên các kênh truyền hình quốc tế.
Việc phối hợp sản xuất, đồng sản xuất thì Red Bridge đã và đang làm khá nhiều, ví như là nhà đồng sản xuất trong dự án làm phim của một đạo diễn người Đức về những đứa trẻ tới trường (100 ways to school) quay tại Việt Nam và Lào. Ý tưởng kịch bản ban đầu của đạo diễn Đức, nhưng được phát triển thêm ở Việt Nam; toàn bộ khâu sản xuất tại Việt Nam do công ty Red Bridge chi trả, phần ngoài Việt Nam do phía Đức chi trả; cả hai bên cùng sản xuất, cùng phát sóng và cùng được mang phim đi dự các LHP. Chúng tôi cũng đang có dự án làm phim độc lập của mình, hiện tại xin chưa tiết lộ cụ thể, nhưng đó sẽ là dạng phim tài liệu thực tế mang tính xã hội cao.
* Tìm đường ra quốc tế (các kênh, đài truyền hình nước ngoài, các liên hoan phim) đang được xem là một cửa mở ra cơ hội cho phim tài liệu vốn chưa thể có thị trường ở Việt Nam. Bên cạnh Red Bridge, tôi được biết có một số hãng phim tư nhân và cá nhân một số người làm phim trẻ tuổi đang khai phá thị trường mới mẻ này. Chị nhìn thấy khả năng phát triển của thị trường hợp tác và xuất khẩu phim tài liệu nói trên ra sao?
- Tôi không dám đánh giá chung về thị trường phim tài liệu Việt Nam, nhưng chỉ từ thực tế công việc ở Red Bridge có thể thấy phim tài liệu Việt Nam đang có cơ hội, từ từ thì có thể phát triển, nhưng không thể vội vàng được. Ở Red Bridge trước đây tôi không nuôi được nhân viên, 3 năm đầu thành lập khó khăn vật vã. Nay chúng tôi đã có 1 văn phòng ở Hà Nội, 1 văn phòng ở TP.HCM và 1 mới mở ở Lào. Các dự án nhiều hơn, có tháng làm tới 2-3 phim, đều do các đối tác nước ngoài chủ động liên hệ đặt hàng. Nhưng bây giờ vẫn khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là không tìm được dự án hay, hay được hiểu là theo mong muốn của mình. Tôi vẫn luôn muốn làm những chương trình mà qua đó khán giả học được cái gì. Nếu xem một chương trình chỉ để thấy cô người mẫu xinh, hay tò mò sao ăn mặc gì..., thì thô thiển quá, giống như người phụ nữ đẹp nhưng chả biết nói chuyện gì.
“Gia đình liên hợp quốc” vẫn sống ở Hà Nội theo văn hóa Việt Nam
Tôn trọng sự khác biệt văn hóa
* Tham gia làm một số chương trình truyền hình thực tế cho kênh giải trí nước ngoài, chị có gặp trường hợp “Quyền Linh bị công an bắt vì ma túy” không? Hay nói cách khác là những hậu quả khó lường xảy ra ngoài tầm kiểm soát của nhà sản xuất các chương trình truyền hình thực tế?
- Về “chuyện Quyền Linh”, theo tôi thì nhà sản xuất chưa cẩn trọng khi thực hiện chương trình này, họ chưa tính hết các khả năng xảy ra khi thực hiện. Chương trình nói là thực tế nhưng không phải là đưa ra những tình huống không có tính toán. Bản thân tôi chưa gặp tình huống “gay cấn” như anh Quyền Linh nhưng cũng phải nhiều lần góp ý với các nhà làm phim nước ngoài khi thực hiện những cảnh quay thực tế ở Việt Nam. Ví như có những phim, trong kịch bản có quay cảnh làm thịt chuột, hay giết thịt chó, nhưng chúng tôi có ý kiến là không nên quay những cảnh như vậy, nó man rợ quá và có tác động không tốt đến người xem, mặc dù thực tế vẫn diễn ra như vậy. Nhiều tình huống gây cười trong chương trình nổi tiếng Just For laugh chẳng hạn, theo tôi, không phù hợp với văn hóa của phương Đông. Vì vậy làm chương trình với những “format” nước ngoài, mình cần linh hoạt và sự khác biệt về văn hóa luôn phải được tôn trọng.
* Nhân việc nói về sự khác biệt văn hóa, chị học thạc sĩ ở Anh, lấy chồng người Mỹ, có nhà ở Hawaii và sống chủ yếu ở Hà Nội. Sự khác biệt văn hóa có là một vấn đề trong gia đình Đông - Tây của chị?
- Tôi thì không nghĩ cứ phương Đông, phương Tây mới có sự khác biệt văn hóa. Bản thân mỗi chúng ta, cùng là người Việt, cũng có sự khác biệt về văn hóa. Nhưng văn hóa ở đâu cũng có một điểm chung là tính con người. Khi tính con người cao hơn sự hiểu biết văn hóa thì mọi người sống với nhau đơn giản hơn nhiều. Gia đình tôi sống theo văn hóa Việt Nam. Bản thân tôi vẫn sống theo kiểu một người Hà Nội cũ, tức là vợ thì phải làm (cổ hủ thế!), đi chợ, cơm nước tôi đều làm tất.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất