11/12/2024 07:22 GMT+7 | Tin tức 24h
Ngày 10/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập, đặt tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.
Theo Nghị quyết, HĐND thành phố Hà Nội thông qua việc thành lập, đặt tên 20 thôn, tổ dân phố mới thuộc 6 quận, huyện. Cụ thể, quận Cầu Giấy thành lập 1 tổ dân phố mới; quận Long Biên thành lập 1 tổ dân phố mới; quận Nam Từ Liêm thành lập 8 tổ dân phố mới; huyện Chương Mỹ thành lập 3 thôn mới; huyện Phúc Thọ thành lập 5 thôn mới; huyện Thanh Oai thành lập 2 thôn mới. Nghị quyết cũng thông qua việc đổi tên 5 thôn thuộc huyện Phúc Thọ.
Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, HĐND thành phố Hà Nội đã giao UBND thành phố căn cứ Nghị quyết và các quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức triển khai thực hiện; đảm bảo tổ chức, hoạt động các thôn, tổ dân phố mới hiệu quả. UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính nhanh, kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân nơi có thôn, tổ dân phố mới được sáp nhập, đặt tên, đổi tên;...
UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo UBND các cấp căn cứ trên cơ sở phân cấp kinh tế - xã hội, phân cấp ngân sách và nguồn lực, quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, các trang thiết bị nhà văn hóa, phòng sinh hoạt cộng đồng dân cư của các thôn, tổ dân phố mới được thành lập, đặt tên đảm bảo hoạt động có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích. Trước khi Nghị quyết được thông qua, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh đã trình bày tờ trình về việc đề nghị thành lập, đặt tên thôn, tổ dân phố mới và đổi tên thôn hiện có thuộc các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Theo tờ trình, toàn thành phố Hà Nội hiện có 5.438 thôn, tổ dân phố (2.407 thôn, 3.031 tổ dân phố).
Các thôn, tổ dân phố sau khi được kiện toàn về cơ bản có quy mô hợp lý, phù hợp với đặc điểm của địa phương; hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của chính quyền và hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư tại địa phương. Một số khu dân cư mới hình thành có nhu cầu thành lập mới; một số tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình quá lớn có nhu cầu chia tách; một số tổ dân phố có quy mô nhỏ có nhu cầu sắp xếp hợp lý.
Chiều cùng ngày, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham quan tại Bảo tàng Hà Nội và di tích số 22 Hàng Buồm, Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây.
Đối tượng miễn thu phí gồm người khuyết tật nặng và trẻ em dưới 16 tuổi. Đối tượng giảm 50% phí gồm người khuyết tật, người cao tuổi, học sinh, học viên, sinh viên từ 16 tuổi trở lên và các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa. Thời gian không thu phí gồm: Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, riêng Bảo tàng Hà Nội thực hiện không thu phí Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5.
Mức thu phí tại Bảo tàng Hà Nội được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 1/1/2025 đến khi dự án trưng bày hoàn thành, mức thu phí 30.000 đồng/lượt/khách; giai đoạn 2, sau khi dự án trưng bày hoàn thành, mức thu phí 50.000 đồng/lượt/khách. Các di tích 22 Hàng Buồm và Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây: 20.000 đồng/lượt/khách. Các đơn vị tổ chức thu phí trực tiếp là Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội; Bảo tàng Hà Nội. Tỷ lệ để lại cho đơn vị thu là 90%. 10% còn lại nộp ngân sách nhà nước.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất