27/08/2019 06:49 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Ai cũng biết, trong hội họa, có lẽ người thành công và gắn bó nhất với Hà Nội là Bùi Xuân Phái. Trong tranh của ông, Hà Nội mang đầy vẻ xưa cũ với những ngôi nhà mái nâu, những con phố nhỏ… - tới mức, cụm từ “phố Phái” đã trở thành một biểu trưng văn hóa của thành phố này.
Và đến thời điểm này, dành cho những “tình yêu Hà Nội”, giải thưởng mang tên ông đã bước sang năm thứ 12. Trong hành trình ấy, đã từng có người đặt ra câu hỏi: phải chăng, như tên gọi, đó là giải thưởng dành cho tình yêu của một thành phố, hướng về một cộng đồng – nghĩa là... bó hẹp trong câu chuyện nội bộ của riêng một đô thị có tên Hà Nội?
Quả thực, với bề dày ngàn năm tuổi của mình, Hà Nội cũng có những bản sắc riêng, với những đặc trưng riêng. Và ở đó, theo thời gian, luôn có những con người đủ mọi lứa tuổi vẫn dành tình cảm và vun đắp cho mảnh đất mình đang sống, với những cống hiến muôn màu muôn vẻ.
Nhưng, nhìn rộng hơn câu chuyện của một đô thị, chúng ta cũng sẽ không khó để đồng ý với nhau: về bản chất, điểm hẹn của “những tình yêu Hà Nội” ấy chính là những câu chuyện mà tất cả mọi thành phố đang trải qua trong quá trình đô thị hóa của mình.
Câu chuyện của sông Tô Lịch ở mùa giải năm nay là một minh chứng. Con sông ấy từng là một trong những tuyến giao thương đường thủy quan trọng nhất để hình thành nên vùng Kẻ Chợ sầm uất – giống như cách mà nhiều đô thị cổ khác đã được hình thành trong lịch sử. Và, không chỉ của riêng Hà Nội, ý tưởng giảm tải ô nhiễm, trả lại cảnh quan xứng đáng cho con sông từng gắn với lịch sử của một thành phố hẳn cũng là câu chuyện mà nhiều đô thị khác quan tâm.
Rồi, ở trường hợp của những ngôi chợ truyền thống, dự án mà KTS Steven Davies và các cộng sự xây dựng, tất nhiên, cũng không chỉ có giá trị riêng với Hà Nội. Bởi, từ thiết kế (và khuyến nghị kèm theo) của 3 ngôi chợ tiêu biểu, bài toán đặt ra suốt nhiều năm qua với hàng ngàn ngôi chợ trên cả nước dường như cũng đã có lời giải bước đầu: chợ truyền thống hoàn toàn có thể “sống chung” với hệ thống siêu thị đang bùng nổ – nếu người ta tôn trọng thuộc tính “chợ” và chức năng của một không gian phục vụ cộng đồng như vốn có.
Hoặc, những cuốn sách Tập thể cũ Hà Nội – Ký họa và hồi ức hay Kim Liên một thuở chắc chắn cũng không chỉ là chuyện riêng của những khu tập thể Kim Liên, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Thành Công... Ở đó, hồi ức của cộng đồng về một mô hình tưởng như hết thời lại khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về một vấn đề không mới: khi là “chứng nhân lịch sử” của một thành phố, những kiến trúc cũ chỉ là lớp vỏ bề ngoài, để mang theo nó những giá trị phi vật thể đã được thời gian tạo dựng. Để rồi, trong cơn lốc đô thị hóa đang diễn ra ở rất nhiều nơi, thay vì vội vàng xóa bỏ, những kiến trúc ấy có lẽ cũng nên được tiếp cận bằng những giải pháp phù hợp, để trở thành cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Và còn nhiều ví dụ khác nữa...
Bề dày lịch sử, và vị trí là “cái nôi” của văn hóa cả nước, khiến cho những tình yêu dành cho Hà Nội luôn có sức lan tỏa, và vượt ra khỏi giới hạn về không gian như thế. Bởi, xét cho cùng, những giá trị cơ bản nhất của Hà Nội cũng chính là những giá trị văn hóa căn cốt và sâu rộng, mà chúng ta muốn lưu giữ cho cộng đồng.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất