14/09/2019 07:59 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của họa sĩ Bùi Xuân Phái, tuần lễ trưng bày phần lớn bộ ký họa Ông Phái vẽ ông Đạm của nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont (Thái Lan) đã diễn ra tại Nhà đấu giá Chọn (63 Hàm Long, Hà Nội). Triển lãm đã khép lại, nhưng dư âm của nó còn đọng lại. Dư âm ấy với họa sĩ Đỗ Đức, là gương mặt ông Nguyễn Bá Đạm mà trong tranh Phái hầu như không đổi trong hơn 30 năm, rất giống với hình ảnh Phố cổ Hà Nội trong tranh Phái. Đó là một cách bộc lộ tình cảm của Phái.
1. Xem trên 200 ký họa của ông Phái vẽ ông Đạm trong hơn ba thập kỷ thấy thật thú vị. Bức đầu tiên trong bộ sưu tập ký năm 1966. Năm ấy tôi mới bắt đầu đi học vẽ, nghĩa là đã 53 năm trôi qua. Nửa thế kỷ đâu có ngắn ngủi gì…
Những ký họa sau, theo biên niên thì năm nhiều năm ít cộng lại trên 200 bức to nhỏ trên giấy sổ tay được nhà sưu tập Thái Lan Tira Vanictheeranont lần mò tập hợp lại. Người vẽ gương mặt một nhân vật chừng 30 năm đã là chuyện ít có, mà người sưu tập chọn được hơn 200 bức lẻ tẻ đủ khuôn khổ thành một bộ trọn vẹn kể cũng kỳ công và kỳ tài! Chỉ có tình yêu với công việc và tác giả mới có thể có hoàn thành một việc làm đòi hỏi sự kiên nhẫn lần mò, tỉ mỉ như thế.
Trên 200 ký họa một nhân vật ở nhiều thời gian khác nhau, với nhiều trạng thái tình cảm, tĩnh động đủ cảcũng khá đa dạng. Vài nét chấm phá có, vẽ kỹcũng có. Chủ yếu là bút mực đi nét trên giấy sổ tay, đôi ba bức dùng chì, mấy bức bút bi, một bức màu bột. Có lẽ ông Đạm là người duy nhất có nhiều ký họa chân dung nhất do một người bạn vẽ trong thời gian cũng dài nhất -hơn ba thập kỷ.
Lướt qua những ký họa nhanh tôi bâng khuâng về một tình bạn lâu bền rất hiếm gặp trong xã hội. Ông Phái là một họa sĩ, ông Đạm là một giáo học, hai người chơi với nhau sao bền lâu, thân thiết thế. Bản thân những đánh dấu năm tháng ở những bức vẽ đã nói lên điều đó.
2. Trong trưng bày của nhà sưu tập Thái Lan Tira Vanictheeranont tại trung tâm đấu giá Chọn, bên cạnh chân dung ông Đạm, có cả các ký họa về nhà văn Đoàn Phú Tứ, họa sĩ Năng Hiển. Chắc còn nhiều chân dung người khác nữa mà không có mặt ở đây. Chẳng hạn nữ họa sĩ Văn Dương Thành cũng từng ngồi mẫu cho ông Phái vẽ rất nhiều.
Nghề vẽ thì ngồi đâu cũng có việc. Cứ rỗi, ngồi chờ hay họp hành hội nghị có một số họa sĩ không thể ngồi yên. Thầy dạy tôi, họa sĩ Trần Quốc Tiến có lần kể: “Cậu biết không, ông Cẩn (họa sĩ Trần Văn Cẩn) đi họp Quốc hội, cũng không rời cuốn sổ tay ký họa”. Thực tế, ký họa sổ tay là một chiêu đặc biệt của một số ít họa sĩ, vừa luyện tay luyện bút, ghi nhận cảm xúc, duy trì cảm xúc vẽ, nhận biết sâu hơn những biểu cảm hỉ, nộ, ái, ố trên gương mặt nhân vật mà trong sáng tác, khi làm tác phẩm rất cần. Những họa sĩ sáng tác, thường cũng là những người ký họa giỏi. Tuy vậy ký họa giỏi chưa chắc đã sáng tác tốt. Bởi ký họa là trực giác, tay mắt cùng cảm xúc kết hợp để ghi nhận một hiện tượng, một nhân vật đang ở trước mặt mình.
Người có kỹ năng cao, cảm xúc tốt đều có thể có những ký họa hay. Nhưng làm tranh thì đòi hỏi mức độ cao hơn nhiều, đó là phông văn hóa phải dày, hiểu biết nhiều để có thể có một cấu trúc tốt cho một tác phẩm mà họa sĩ gửi gắm tình cảm của mình. Nó hoàn toàn là sự chủ động của tác giả.
3. Bùi Xuân Phái vẽ nhiều. Ký họa để nuôi dưỡng cảm xúc, với ông, luôn là công việc thường trực.
Những chân dung ông Đạm được vẽ trong mấy chục năm giữ lại các cảm xúc của nhân vật ở những thời điểm đó. Nhưng nhìn kỹ thì thấy không có ông Đạm già đi sau mấy chục năm trôi qua. Ông Đạm không thay đổi như ống kính máy ảnh. Để thấy rằng ký họa của ông Phái vẽ ông Đạm về hình thể như đã thuộc, chỉ còn lưu ý đến sắc thái tình cảm trên gương mặt bạn mình thôi. Nó có gì giống vớiông Phái trải cảm xúc trên phố cổ, có cái gì đó định hình từ vỏ ngoài, chỉ lưu ý đến bộc lộ trạng thái cảm xúc của người vẽ với mẫu, giống như ông vẽ phố cổ Hà Nội.
Một ông Đạm hiền hậu, vui vẻ với mái tóc dày vuốt ngược, có cái mũi to trái đào và hơi khoằm được ông Phái đưa sang hình ảnh Hộ pháp dữ dằn, lúc thì trông thư sinh, khi thì là dáng dấp người thầy mực thước nghiêm cẩn. Kìa ông Đạm đang vui đùa kể chuyện. Đây một ông Đạm đang khó tính đăm chiêu. Một chân dung vẽ ông Đạm đến chơi tối, gương mặt nhạt nhòa trong ánh sáng điện không đủ áp. Một ông Đạm đang suy tư điều gì khiến vẻ mặt đăm chiêu.
Nhưng trên tất cả là nét cười trên gương mặt ông Đạm được ông Phái ghi lại nhiều nhất. Cũng phải thôi, khi các ông tìm đến nhau là lúc thư giãn, mọi lo lắng, tính toán đều bỏ lại sau lưng. Cuộc sống dù gian nan gì thì con người vẫn giữ được cân bằng, nét cười bao giờ cũng nhiều hơn sự cau có, bực dọc. Cuộc sống Hà thành lịch lãm, bạn bè khi gặp nhau thì sau lời chào luôn là nụ cười để đi vào câu chuyện, dù sau đó bất kể là chuyện vui hay buồn…
Phố Phái cũng vậy, bao nhiêu phố ông từng vẽ. Dù có tên phố này phố nọ, nhưng đố ai mang tranh của ông ấy căn hình cho khớp với tên phố Phái trong tranh. Phố của ông Phái chỉ bộc lộ cảm xúc vui buồn yêu thương trân trọng với một quá khứ hào hoa, lịch lãm của Thăng Long- Hà Nội một thời mà đến giờ chỉ không còn nhiềudấu ấn. Tôi có sự liên tưởng về Phố Phái với những ký họa ông Đạm là như vậy. Nó hơi khập khiễng nhưng lại có cùng đồng điệu…
4.Tôi còn nhớ mãi lần Bùi Xuân Phái vào triển lãm đầu tiên của tôi năm 1986 ở Hà Nội xem tranh. Ông chậm rãi ngắm, nghĩ rồi chỉ tay bảo tranh này hay, tranh kia kém hay!Kém hay chứ không phải tranh xấu.Thời nay họa sĩ nói về nhau có lúc phán văng mạng, chứ đâu có lịch lãm, nền nã như cốt cách của Phái.
Tôi hiểu tình bạn giữa ông Đạm nhà giáo và ông Phái họa sĩ luôn thân tình và trọng thị nên mới chơi với nhau dầy đến 30 - 40 năm. Ngay họa sĩ cùng nghề cũng ít có trường hợp nào như thế.
“Khuôn mặt” Nguyễn Bá Đạm Nhà giáo Nguyễn Bá Đạm, sinh năm 1922, và là người được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ nhiều chân dung nhất - tới 242 ký họa. Một điều thú vị là năm 2018, ông đã vinh dự được trao Giải thưởng Lớn của giải thưởng mang tên người họa sĩ đã vẽ ông - Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Sinh ra ở Làng Mọc, Giáp Nhất (Hà Nội) nguyên là giáo viên dạy sử trường Phan Đình Phùng, ông đam mê sưu tầm cổ vật, nhiều nhất là tiền cổ nên được mệnh danh là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành”. Nhưng ngoài tiền cổ, cụ Đạm còn sưu tầm những kỷ vật về các văn nghệ sĩ.Đến nay, mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Nguyễn Bá Đạm vẫn mẫn tiệp, sáng 5h thức dậy tập thể dục, đọc báo rồi viết. Đến nay, cụ đã in được 2 cuốn sách, được bạn đọc và giới khảo cứu về Hà Nội rất thích vì lối viết đơn giản, ngắn gọn nhưng lại rất nhiều chuyện về Thủ đô ít người được biết. Đó là những cuốn sách đã dựng lại bộ "phim ký sự" về Hà Nội thế kỷ 20 với một tình cảm thân thiết trìu mến. Ở đó, có những việc nhỏ nhặt nhưng thú vị như cách quảng cáo một tối hát tuồng, lối bán dầu Tây, bán nước mắm rong... Rồi chuyện về những người từng một thời là nhân vật nổi tiếng của Hà Nội như: Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Bạch Thái Bưởi, Cô Tư Hồng... Đó là những trang ghi lại khá sinh động, cảm động về các sự kiện mà tác giả từng tham gia như đám cưới, đám ma Vũ Trọng Phụng, kỷ niệm sâu sắc với nhà văn Nguyễn Tuân, với danh họa Bùi Xuân Phái... Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng trong Lời giới thiệu triển lãm Ông Phái vẽ ông Đạm viết: "Ông Đạm không nằm trong bộ tứ thân thiết của Bùi Xuân Phái, gồm họa sĩ, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, nhà thơ Vũ Đình Liên và ông Lê Chính. Nhưng ông Đạm là một trí thức, nhà giáo xưa, được Phái quý trọng, người có khuôn mặt cá tính, như một khắc họa sân khấu và có lẽ rất hợp với sự tìm tòi nội tâm nào đó về một con người Hà Nội mà Phái đi tìm". "Không chỉ thân thiết với Bùi Xuân Phái, ông Đạm còn quen biết nhiều họa sĩ và được họ vẽ chân dung, như Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng. Mỗi người nhìn ông Đạm theo cách của mình, xây dựng nhân vật này vượt ra khỏi người mẫu, trở thành nhân vật xã hội trong hội họa. Đó là người đàn ông nghiêm trang, mà hơi hài ước, mũi gồ khoằm, mặt vuông vức, thẳng thắn, đôi khi khắc nghiệt, nhưng cẩn trọng với bè bạn". |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất