Guardiola và sơ đồ 2-3-5 ở Bayern: Khi sự sáng tạo là vô tận

27/04/2016 18:47 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Pep Guardiola đã nổi tiếng lâu nay với những thí nghiệm chiến thuật của ông, và mùa giải này không phải là ngoại lệ, với những sự thay đổi ngày càng trở nên cấp tiến. Sau đây là bài viết trên trang Sportskeeda:

Không phải mọi thay đổi của Pep đều tốt. Ông đã nhận nhiều chỉ trích, chẳng hạn như từ cựu HLV Bayern Munich Ottmar Hitzfeld, người cho rằng Guardiola “cuồng si chiến thuật” thay vì tìm kiếm hiệu quả và những kết quả mà đội bóng cần.

Tuy nhiên, công bằng mà nói với HLV người Catalunya, những “sáng tạo” chiến thuật của ông đôi khi cũng chỉ là để đối phó với tình thế, như một cuộc khủng hoảng chấn thương, hay lối chơi quá tiêu cực của đối thủ. Bayern của Pep mùa này không vì thế mà thiếu những chiến thắng hoành tráng, cả trước các đối thủ mạnh như Borussia Dortmund, Wolfsburg và Arsenal, với một đội hình đầy tính khám phá: 2-3-5.

Ưu thế của số lượng

Có thêm một hoặc 2 người trên hàng công để cầm bóng, xây dựng lối chơi và gây sức ép lên đối phương là cực kỳ quan trọng với thứ bóng đá tổng lực của Pep. Những người dôi ra trên hàng công không chỉ là sự tăng cường thuấn túy về số lượng, mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc Bayern chuyển đổi thật nhanh từ phòng ngự sang tấn công, điều đã trở thành điển hình trong lối chơi của Pep.

Người dư ra đó còn có nhiệm vụ kéo giãn hàng thủ đối phương và gây khó dễ cho các tiền đạo khi đối thủ phản công. Về mặt cấu trúc, Bayern giữ vững cự ly đội hình cho tới khi đưa được bóng tới 1/3 sân đối phương. Từ đó, các cầu thủ tấn công của họ sẽ được toàn quyết quyết định làm thế nào để tạo ra cơ hội và ghi bàn, cách làm từng được Thierry Henry nhắc đến thời Pep còn ở Barcelona.

Atletico Madrid - Bayern Munich: Lời tạ từ nào cho Pep?

Atletico Madrid - Bayern Munich: Lời tạ từ nào cho Pep?

Có thể dễ dàng nhận định rằng, nếu vượt qua được Atletico Madrid ở bán kết, Bayern sẽ rất rộng cửa vô địch Champions League. Đơn giản, Atletico mới chính là rào cản khó chịu nhất đối với Bayern Munich.

Như với mọi đội bóng của Guardiola, ưu tiên là giữ bóng càng nhiều càng tốt, nhưng riêng ở Bayern, tấn công ở cánh trở nên cực kỳ quan trọng, một phần vì đội bóng mà Pep thừa hưởng từ Jupp Heynckes vốn đã đá như thế (với Arjen Robben và Franck Ribery), nhưng phần khác vì chính Guardiola cũng thấy rằng Bayern phải chơi đa dạng hơn.

Với 5 người trên hàng công hoán đổi linh hoạt, Bayern có thể tận dụng tối đa những khoảng trống cực kỳ nguy hiểm giữa các hậu vệ đối phương. Chơi ở một giải đấu mà họ áp đảo hoàn toàn (và thực ra, phần lớn các trận đấu của Bayern ở Champions League, họ cũng là đội cửa trên), Pep đã nhận ra một cơ hội để ông thử nghiệm điều thoạt tiên có vẻ là không tưởng với bóng đá hiện đại.

Tức là, 2-3-5 có thể là quá mạo hiểm với nhiều đội, nhưng đôi khi lại là tối ưu với Bayern. Các cầu thủ đá cánh của họ sẽ hỗ trợ cho hàng thủ đủ để đối thủ không thể tạo ra những pha phản công nguy hiểm (bởi hầu hết các đội bóng mà Bayern gặp sẽ chỉ hy vọng ghi bàn bằng phản công). Nhưng cũng chính vì thế, đòi hỏi với những người chạy cánh trong chiến thuật của Guardiola là cực kỳ lớn, cả về thể lực, tư duy, lẫn khả năng phản xạ.

Tất nhiên, với 11 người trên sân cũng như đối thủ, sự đánh đổi là không thể tránh khỏi. Và sự đánh đổi của hệ thống chiến thuật này là một hàng thủ dâng cao. Tuyến phòng ngự cuối cùng của Bayern sẽ chỉ bao gồm 2 trung vệ và một “regista” (một tiền vệ trung tâm đôi khi đá như một trung vệ) ngay trước họ. Nhưng cũng vì thế, bẫy việt vị là một lựa chọn phòng ngự thú vị khác cho đội bóng xứ Bavaria.


Phân tích 2-3-5

Bayern đã sử dụng sơ đồ kỳ lạ này trong một vài trận ở chiến dịch 2015-16 và nó tỏ ra đặc biệt hiệu quả trước các đối thủ chơi phòng ngự quá chặt chẽ (như Atletico Madrid ở bán kết Champions League tối nay?) Thật ra, không thể nói đó là một sáng tạo hoàn toàn mới. Guardiola, cho tới thời điểm này của sự nghiệp, đã dẫn dắt 2 đội bóng gần như lúc nào cũng chơi áp đảo trước mọi đối thủ, và Barcelona thời Pep thực ra từng không ít lần đá với 5 cầu thủ tấn công dâng cao.

Ở Bayern, về cơ bản tuyến phòng ngự cuối cùng sẽ bao gồm 2 trung vệ. Các lựa chọn ưu tiên là Jerome Boateng, Medhi Benatia, và Javi Martinez (với Manuel Neuer, khi còn lành lặn, cũng góp phần quan trọng như một thủ môn kiêm hậu vệ quét). Nhưng đôi khi vì chấn thương hay để thay đổi, Pep cũng sử dụng Rafinha, hay thậm chí là David Alaba. Thật ra với Guardiola, các kỹ năng thông thường của một trung vệ: Sức mạnh, cản phá tốt, chơi bóng bổng giỏi… lại chỉ có vai trò thứ yếu trong hệ thống này, nơi cảm nhận vị trí, khả năng cắt bóng và phát động tấn công mới là ưu tiên.

Trên cơ sở một hàng thủ như thế, hệ thống 2-3-5 được xây dựng với tiêu chuẩn là không cầu thủ nào đứng thành một đường thẳng với một đồng đội của mình (theo hướng đường biên ngang). Điều này quan trọng bởi nó sẽ tạo ra rất nhiều lựa chọn chuyền bóng cho người có bóng, đồng thời trải đều những hình tam giác phối hợp nhóm khắp mặt sân, cho tới 1/3 sân đối phương.

Lấy ví dụ, Arturo Vidal, một trong 3 tiền vệ của Bayern và là người chơi lệch phải, nếu anh có bóng và bị một đối thủ gây áp lực, anh có thể lựa chọn đưa bóng sang cánh phải (Kingsley Coman) hoặc cho tiền đạo bó vào trong cũng ở nửa sân bên phải (Robben). Tương tự, Vidal còn có lựa chọn giữa Robben và tiền đạo trung tâm (Thomas Mueller) để chuyền bóng nếu muốn. Những tam giác như thế, nhờ sự bố trí của Guardiola, được rải đều khắp sân.

Ngay bên cạnh Mueller sẽ là một số 9 truyền thống, Robert Lewandowski (họ cũng có thể dễ dàng hoán đổi vị trí), và như thế, tạo ra những kiểu đe dọa rất khác và rất đa dạng lên khung thành đối phương. Những hàng thủ không quen rất dễ rơi vào choáng ngợp và vỡ trận trước một sức mạnh tấn công như thế.

Để đảm bảo điều đó, các cầu thủ chạy cánh của Pep dâng cao và bám biên trong gần như mọi tình huống. Họ cũng là những nhân tố tạo đột biến chủ lực. Douglas Costa đã đặc biệt thành công ở vị trí đó mùa này. Ở trong, Mueller vừa có khả năng chiếm lĩnh vị trí trong vòng cấm địa, vừa có thể lùi lại để kết nối lối chơi, hay hỗ trợ phòng ngự. Với việc mỗi cầu thủ của Guardiola đều đá đa dạng như thế, sơ đồ 2-3-5 của ông không trở nên lộn xộn và những vị trí khác nhau không giẫm chân lên nhau.

Mục tiêu của việc sở hữu bóng nhiều còn là tạo ra những tình huống một đối một ở cả hai cánh, khi những tiền đạo cánh rất tốc độ và khéo léo của Bayern có thể đi bóng qua đối thủ rồi tạt vào trong cho Lewandowski hay Mueller, hoặc phối hợp dễ dàng với các đồng đội cả bên cạnh, phía trước và phía sau.

Với 5 cầu thủ tấn công, những tiền vệ trung tâm của Bayern cũng sẽ rảnh chân hơn nhiều. Philipp Lahm chẳng hạn, đã từ một hậu vệ cánh giờ đá như một người tổ chức thực thụ, có thể hoàn toàn thoải mái tìm người chuyền bóng khi các hậu vệ đối phương phải bám riết lấy những Robben và Coman phía trên. Từ vị trí của anh, Lahm trở thành một mũi kỳ binh quan trọng với rất nhiều lựa chọn. Anh có thể phối hợp với Coman-Robben, có thể tạt bóng cho Lewandowski và Mueller trong vòng cấm địa, hay có thể chuyển cánh sang cho Costa…

Thật lạ lùng khi vào đầu thế kỷ 21, chúng ta lại được thấy lại sơ đồ kim tự tháp ngược từng thịnh hành… một thế kỷ trước. Hitzfeld có thể đã đúng khi nói Guardiola quá cuồng chiến thuật, nhưng cũng cần những người hoàn toàn ngẫu hứng và dám làm như HLV người Catalunya để thấy rằng mọi biên giới của bóng đá, và chiến thuật bóng đá, cần được khám phá ra sao.

1 Lewandowski dẫn đầu Bundesliga mùa này trong cả 3 hạng mục: Số bàn thắng (27), số cú sút (145), và số cú sút trúng khung thành (67).

18,9 Tính cả 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, Bayern là đội có số pha dứt điểm trung bình trận nhiều thứ 2 với 18,9.

0,45 Tính cả 5 giải hàng đầu châu Âu, họ cũng là đội để thủng lưới trung bình mỗi trận ít nhất: 0,45.


Trần Trọng (dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm