GS-TS Lê Thị Hoài Phương: 'Mới' và 'lạ' ở đâu?

18/11/2021 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 tại thành phố Hải Phòng vừa kết thúc với Lễ bế mạc sáng 17/11/2021. Có mặt tận nơi và theo dõi khá sát sao Liên hoan, nhà phê bình, lý luận sân khấu, GS-TS Lê Thị Hoài Phương cho rằng “nhìn từ góc độ này, góc độ kia, đúng là Liên hoan đã đạt được những thành công đáng ghi nhận”.

'Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021' trao 102 huy chương cho vở diễn, nghệ sĩ

'Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021' trao 102 huy chương cho vở diễn, nghệ sĩ

Sáng 17/11, tại Nhà hát Tháng Tám, 117 Đinh Tiên Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, Thành phố Hải Phòng đã diễn ra Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc – 2021.

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, sau những cuộc liên hoan như thế này, nên tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, nơi những người làm nghề ngồi lại với nhau để có những trao đổi nghiêm túc về chuyên môn, mang tính học thuật.

Thể thao và Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với bà ngay sau Lễ bế mạc:

* Thưa GS.TS, được biết bà có theo dõi khá sát sao Liên hoan Sân khấu Kịch vừa diễn ra, xin bà cho biết một số cảm nghĩ xung quanh cuộc liên hoan vừa mới khép lại?

- Trước hết, về góc độ công tác tổ chức, cho đến giờ phút này, mọi việc đã diễn ra khá suôn sẻ, quan trọng nhất là giữ được an toàn cho tất cả mọi người tham gia. Đây là điều rất may mắn trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa hề giảm bớt căng thẳng. Chính vì Liên hoan diễn ra trong cơn dịch, nên BTC đã có những biện pháp rất phù hợp, không thể để khán giả đến rạp thưởng thức thì có hình thức phát trực tuyến cho tất cả mọi người có thể xem trên kênh Youtube. Tất nhiên với việc thưởng thức vở diễn sân khấu thì không có gì tốt bằng là xem trực tiếp tại nhà hát, nhưng trong bối cảnh cụ thể thì đây là cách làm sáng tạo của BTC, biết ứng dụng công nghệ của thời 4.0 vào hoạt động nghệ thuật như vậy là việc cần phát huy.

Chú thích ảnh
GS-TS Lê Thị Hoài Phương tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021

Về góc độ chuyên môn, trong bối cảnh toàn xã hội vừa trải qua mấy tháng ròng phải giãn cách, cách ly, “ai ở đâu thì ở yên đó”, thế nhưng khi có quyết định của trên cho tổ chức Liên hoan, lập tức các đơn vị nghệ thuật đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Chỉ riêng ở phía Bắc đã có 14 đoàn, nhà hát, câu lạc bộ tham gia, đem tới Liên hoan 20 vở diễn với 600 diễn viên tham gia, có Nhà hát mang tới 2 vở.

Điều đó nói lên rằng, dù trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp suốt gần 2 năm qua, hầu hết các nhà hát phải đóng cửa, nhưng điều đó không có nghĩa là các nghệ sĩ phải “bó tay”, án binh bất động, trái lại, họ vẫn bền bỉ và âm thầm làm việc, luyện tập, dàn dựng vở mới, chờ ngày được hoạt động trở lại trong điều kiện “bình thường mới” là có ngay vở diễn để tham gia Liên hoan và phục vụ nhân dân. Điều này thật đáng mừng, đáng trân trọng.

Điều đáng tiếc nhất là vì tình hình dịch bệnh đang phức tạp nên các đoàn không thể tập trung đông, chỉ đến diễn rồi về, cho nên không có dịp xem của các đơn vị khác, không thể trực tiếp trao đổi nghề nghiệp với nhau; khán giả cũng không được đến rạp, cho nên diễn viên diễn không có khán giả, điều này có tác động không nhỏ tới cảm hứng diễn xuất của các nghệ sĩ (tương tự như trong bóng đá cầu thủ thi đấu không có khán giả).

Tất nhiên, trong điều kiện làm việc khó khăn như thế, chất lượng nghệ thuật không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở “Làm vua”

*Nhưng, thưa GS, Liên hoan năm nay lại có đến 6 vở đạt Huy chương Vàng, nhiều hơn số vở đạt Huy chương Bạc là chỉ có 3 vở, bên cạnh đó có thêm giải Huy chương Đồng. Nhiều người nói rằng đây là hiện tượng chưa từng có từ trước tới nay của các kỳ Liên hoan Sân khấu. Bà nghĩ sao?

- Theo tôi, việc Liên hoan này có thêm giải Huy chương Đồng cũng tốt thôi, là một cách động viên tinh thần các nghệ sĩ, nhưng quả thật, việc một Liên hoan có đến 6 vở Vàng, 3 vở Bạc là điều chưa từng xảy ra ở các kỳ Liên hoan và các Cuộc thi sân khấu mà tôi từng được biết. Nếu nói một cách hài hước thì “Ồ, hóa ra sân khấu kịch Việt Nam đang đến kỳ nở rộ, thăng hoa hay sao?” Có người lại cho rằng, nhiều Vàng thế cho Ban Giám khảo bớt căng thẳng!... Nhưng nếu nói một cách nghiêm túc thì... rất khó hiểu! Bởi vì theo logic thì Vàng bao giờ cũng là cái tinh túy nhất, là “tóp” (top), là “đỉnh”, mà thế thì làm sao có nhiều cái “đỉnh” thế? Theo quy luật, kém hơn cái Vàng một bậc là Bạc, nhưng vì nhiều cái Vàng rồi thì Bạc lại phải ít đi, làm sao khi cộng tất cả các giải lại thì chỉ chiếm 35% trên tổng số các vở diễn các đơn vị tham gia, đúng như Quy chế Liên hoan năm nay quy định!

Suy cho cùng, nói đi nói lại cũng là câu chuyện của Quy chế. Đây vốn là vấn đề luôn gây tranh cãi nhiều rồi, nhưng theo tôi, Bộ VH,TT&DL vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để có các quy chế, quy định cho phù hợp với thực tiễn của ngành mình. Ai cũng hiểu rằng giải thưởng, huy chương là điều kiện thiết thực để đạt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, rồi danh hiệu thì liên quan tới chế độ lương thưởng và các quyền lợi khác...

Chú thích ảnh

* Vâng, đây là vấn đề lớn, cần được tiếp tục bàn luận nghiêm túc ở tầm vĩ mô. Quay lại với Liên hoan Sân khấu này, bà nghĩ sao về Bản tổng kết của Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật?

- Tôi hơi bị hụt hẫng. Trong Bản Tổng kết Liên hoan, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo NSND Minh Ngọc có điểm qua tất cả các thành phần sáng tạo sân khấu, có nêu một số ưu điểm và nhược điểm của các vở diễn (chủ yếu là vở có giải). Nhưng theo tôi còn quá sơ lược và tính học thuật không cao.

Tôi cho rằng, trong bất kỳ một Bài Tổng kết nào của cả một kỳ Liên hoan sân khấu ở tầm quốc gia như thế này thì cần phải có tính bao quát, cần có những đánh giá kỹ lưỡng hơn và mang tính học thuật, tốt hơn nữa là có những ý kiến mang tính gợi mở đường hướng cho các đơn vị trong hoạt động nghệ thuật tiếp theo. Tôi nghĩ, chắc chắn là các nghệ sĩ rất muốn được nghe những điều đó, ngoài việc đến để nhận giải.

* Vậy, theo đánh giá của cá nhân bà, bà có ý kiến gì về các vở diễn của Liên hoan lần này?

- Để trả lời câu hỏi này một cách thấu đáo thì cần nói rất dài. Và tôi rất mong rằng trong và sau mỗi cuộc Liên hoan thế này Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nên tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, nơi những người làm nghề ngồi lại với nhau để có những trao đổi nghiêm túc về chuyên môn, mang tính học thuật.

Còn ở đây, tôi chỉ có thể nói ngắn gọn thôi. Tôi không tán đồng lắm với nhận định của ông chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật rằng các vở diễn của Liên hoan lần này có “đề tài mới và có giá trị dự báo” và “có nhiều cái mới về nội dung và hình thức”... Tôi thấy hầu như tất cả đề tài của 20 vở diễn lần này đều cũ: chiến tranh, thời hậu chiến, hình tượng người phụ nữ Việt Nam, chống tiêu cực, phê phán cái xấu, cái ác, đề tài lịch sử hay chuyển thể từ tác phẩm văn học... Nhiều vở trong số này đã được diễn nhiều rồi, có kịch bản đã được mấy đoàn dựng rồi.

Chú thích ảnh

Thực ra, trong bối cảnh sân khấu chúng ta đang khủng hoảng thiếu kịch bản thì sự làm lại, dựng lại là không tránh khỏi và phải chấp nhận. Điều quan trọng là phải có cái gì mới? Nghệ thuật chỉ hấp dẫn khi có được hai yếu tố mới và lạ, còn nếu lặp lại thì xem sẽ không còn hấp dẫn nữa. Trong Liên hoan, này ở vở này vở kia, nhất là trong mấy vở được giải HCV, đúng là ở chỗ này chỗ kia có cái tìm tòi mới, nhất là trong nghệ thuật đạo diễn, nhưng không nhiều. Còn tính “dự báo” và dự báo cái gì thì tôi chưa thấy.

Điều đáng mừng là trong Liên hoan lần này, bên cạnh các đạo diễn thuộc thế hệ cũ đã được khẳng định (Lê Hùng, Trần Ngọc Giàu, Lê Quý Dương), có thêm một số gương mặt đạo diễn mới có tiềm năng, nhiều hứa hẹn như Kiều Minh Hiếu, Nguyễn Trung Hiếu, Lê Thúy Nga, Sĩ Tiến.

Nếu nói về ý thích cá nhân thì có vài vở đã gây cho tôi cảm xúc thú vị, mặc dù có vở không được giải cao. Ví dụ như vở Lau trắng của tác giả Chu Thơm, đạo diễn Lê Thúy Nga, vở chỉ được giải Đồng, nhưng tôi thích, mà thích nhất là ý đồ nghệ thuật và cách dàn dựng của đạo diễn, thích vì nó có cái mới và lạ, mới trong cách lý giải nhân vật và sự kiện lịch sử, lạ trong xử lý mizansen và không gian sân khấu, diễn viên chính hầu hết rất trẻ trung và có tiềm năng, nhiều hứa hẹn... Đây đúng là một vở diễn có tính thử nghiệm rõ rệt, đúng với cái tên của đơn vị dự thi là Câu lạc bộ Sân khấu Thử nghiệm (thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam).

Ngoài ra tôi cũng thích vở Làm Vua (tác giả Đăng Chương), do đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng cho Sân khấu Lệ Ngọc, vở có cái mới trong thiết kế mỹ thuật và xử lý sân khấu. Điều trùng lặp thú vị là cả hai vở đều lấy đề tài lịch sử, đều nói về triều đại nhà Đinh, xoay quanh số phận ba nhân vật là Vua Đinh Tiên Hoàng, Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn.

Điều cuối cùng, tôi muốn nói rằng, Liên hoan nào mà chẳng có người vui, kẻ buồn, chẳng có cái được và cái hạn chế... Để có được niềm vui thì chúng ta cần luôn nghĩ về cái tích cực để làm nghề, nếu cứ nghĩ về cái tiêu cực thì rất dễ chán nản. Điều đáng mừng nhất là qua những cuộc Liên hoan, càng thấy các nghệ sĩ chúng ta vẫn rất yêu nghề, rất yêu sân khấu và vẫn rất đam mê làm nghề. Đó là điều tốt đẹp nhất gắn kết chúng ta lại với nhau trong một gia đình lớn là sân khấu và tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình là một thành viên trong gia đình lớn ấy.

* Xin cảm ơn bà!

6 vở diễn giành HCV

6 vở diễn được trao HCV gồm: Làm vua (Sân khấu Lệ Ngọc), Con đò của mẹ (Nhà hát Công an nhân dân), Điều còn lại và Thiên Mệnh (Nhà hát Kịch Việt Nam), Làng song sinh (Nhà hát Kịch Hà Nội), Hố đen (Nhà hát Kịch nói Quân đội). Ngoài ra, có 3 HCB và 7 HCĐ được trao cho các vở diễn khác.

Về Giải cá nhân, Ban tổ chức trao tặng 28 Huy chương Vàng và 42 Huy chương Bạc và 16 Huy chương Đồng cho các nghệ sĩ, diễn viên xuất sắc.

Lan Ngọc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm