GS Trần Lâm Biền: Đừng vội phán xét tục đâm trâu, chém lợn

30/01/2015 14:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tranh cãi quanh lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh lại một lần nữa bùng phát. Đây là câu chuyện không mới. Hãy cùng đọc lại quan điểm của GS Trần Lâm Biền cách đây 1 năm, mà tới nay vẫn... như mới.

Việc tổ chức lễ chém lợn tại làng Ném Thượng (Bắc Ninh) vào ngày mùng 6 Tết hằng năm một lần nữa khuấy lên cuộc tranh luận về đâm trâu, chém lợn, chọi trâu... - những nghi thức truyền thống đang bị một bộ phận dư luận coi là dã man, kém văn minh và cần được xóa bỏ trong xã hội Việt Nam hiện đại.

Dù diễn ra ở Tây Nguyên (đâm trâu), đồng bằng sông Hồng (chém lợn) hay vùng duyên hải Bắc Bộ (chọi trâu), điểm chung khiến những nghi thức này bị phản ứng là hình ảnh “bạo lực”, “máu me”, “phản cảm” khi trực tiếp đâm chết các con vật trước sự chứng kiến của người xem. Xa hơn, một số ý kiến còn cho rằng những phong tục trên có thể kích thích  tính hiếu sát của người xem, gây tác động gián tiếp tới việc hình thành những đối tượng biến thái về nhân cách trong xã hội mới.

Nhiều năm nghiên cứu về tín ngưỡng, GS Trần Lâm Biền chia sẻ với TT&VH quan điểm của mình. Ông nói:


GS Trần Lâm Biền

- Trong tín ngưỡng của rất nhiều dân tộc, tiết của súc vật với màu đỏ đặc thù luôn là biểu hiện cho sinh khí. Cư dân Việt Nam chém lợn để lấy tiết cúng thành hoàng có ngầm ý xin đất đai cũng được trù phú, màu mỡ như bát tiết ấy vậy. Con lợn bị chém, tiết bắn ra thấm đầy xuống vùng đất bản địa cũng với hàm ý ấy.

Đâm trâu cũng vậy. Đâm trâu phát triển mạnh ở mọi tộc người thuộc vùng Tây Nguyên. Nhưng khởi thủy, họ có nguồn gốc gắn với tộc người Malayo cư trú ở ven biển và có đời sống gắn liền với thủy triều nên thờ Mặt trăng. Trâu được chọn làm vật dẫn linh bởi có màu đen tượng trưng cho nước biển và mây trời, cặp sừng dài mang hình trăng lưỡi liềm, những xoáy lông tròn tượng trưng cho sấm chớp. Khi đâm trâu, một cây nêu được dựng lên để làm trục thông linh giữa trời đất, con trâu hiến tế có nhiệm vụ cõng “linh hồn” của thầy mo lên các tầng trời...

Như vậy, xuất phát điểm của những nghi thức này là tín ngưỡng cũ của những dân tộc Việt Nam. Đến giờ, trong xu hướng phát triển chung của nhân loại, người ta phần nào đã quên mất bản chất tâm linh, quên mất vẻ đẹp về tư duy của những nghi thức này. Còn chúng ta nếu đứng ngoài và coi đó chỉ là lễ hội để giết súc vật làm vui thì méo mó và bất công vô cùng.


Lễ hội đâm trâu tại Tây Giang (Quảng Nam)

* Nhưng, theo quan điểm của một số cá nhân, cách thực hiện những nghi thức này có phần dã man và không phù hợp với xã hội hiện đại.

- Tôi muốn hỏi ngược lại, có bao nhiêu trong số những người phản đối nghi thức ấy đã bỏ công tìm hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa, hay chỉ a dua để chỉ trỏ, hiếu kỳ và nhìn mọi thứ bằng con mắt dung tục? Rõ ràng, tục đâm trâu, chém lợn tồn tại đến giờ bởi nó có ý nghĩa quan trọng về tinh thần và tín ngưỡng đối với cộng đồng bản địa. Và, khi chủ nhân của những nghi thức ấy thấy nó vẫn còn có sự hợp lý, thì chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của họ để cùng suy nghĩ, chứ đừng vội tự cho mình cái quyền phán xét gọn lỏn bằng hai chữ “dã man” một cách võ đoán.


Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn với những pha đánh kinh hồn của các "ông trâu"

Sự thật, những vấn đề liên quan tới tín ngưỡng và đời sống tinh thần vô cùng nhạy cảm. Chúng ta rất khó cấm đoán, bởi đó là điều đã được lặp đi lặp lại theo thời gian và ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng bản địa. Và cứ cho là cấm được một cách đầy khiên cưỡng đi, thì câu chuyện lại diễn biến theo một chiều hướng phức tạp vô cùng. Bởi, sự hụt hẫng trong đời sống tinh thần rất dễ khiến người ta tìm đến với những hệ giá trị khác.Việc xuất hiện một cách vô lối, thật giả lẫn lộn, của các nhà ngoại cảm tại đô thị là một minh chứng điển hình.

* Có nghĩa, GS cho rằng nên bảo tồn những nghi thức này?

- Đúng hơn, chúng ta chưa nên đặt vấn đề bảo tồn hay xóa bỏ vào lúc này. Bởi, ngoài cộng đồng bản địa, những người hiểu về bản chất văn hóa của tục đâm trâu, chém lợn vẫn còn quá ít. Điều cần thiết trước mắt là lý giải và cung cấp đầy đủ thông tin về những nghi thức ấy cho người đến xem, để họ nhìn nhận từ góc độ của chính cộng đồng bản địa, chứ không nhân danh bất cứ điều gì khác để áp đặt, gán ghép các ý nghĩa, cảm xúc từ bên ngoài.

Phong tục tồn tại nhưng có thể mất đi, khi nhận thức của những người trong cuộc thay đổi. Nếu một ngày nào đó, những thế hệ trẻ tại Tây Nguyên, Đồ Sơn hay làng Ném Thượng cảm thấy chém lợn, đâm trâu, chọi trâu không còn phù hợp nữa, thì tự họ sẽ chấm dứt, hoặc tìm sang một hình thức biểu đạt khác phù hợp hơn. Còn chúng ta hãy tôn trọng văn hóa của của các cộng đồng, và đừng vội thay họ để đứng ra giải quyết câu chuyện (cười).

* Xin cám ơn GS!

Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm