02/08/2023 18:51 GMT+7 | Văn hoá
Gần đây, nhiều câu chuyện về bảo tồn kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội đã trở thành điểm nóng được dư luận quan tâm. Bởi những công trình này đã dựng lên một phần diện mạo của Hà Nội trong thế kỷ 20 đầy biến động. Đến nay, những công trình ấy chính là "những viên ngọc quý", làm nên nét đặc trưng của thành phố hơn ngàn năm tuổi.
Nối dài mối quan tâm này, tọa đàm Kiến trúc Pháp - Đông Dương: Từ góc nhìn di sản đã được tổ chức gần đây tại Hà Nội. Tọa đàm có sự tham gia của nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến (TP.HCM), TS-KTS Lê Phước Anh (Đại học Quốc gia Hà Nội), thạc sĩ Bùi Thị Hệ (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I).
Từ kiến trúc Pháp cho tới Đông Dương
Theo nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, chủ biên cuốn sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội, thì những công trình tại Hà Nội có cả một lịch sử biến đổi. Đơn cử, Viện Đại học Đông Dương (19 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm) ở bản thiết kế đầu tiên hoàn toàn khác so với công trình hiện có.
Theo thiết kế ban đầu, cả khối nhà hoàn toàn mang phong cách tân cổ điển (néo-classic). Trong đó, tòa nhà chính giữa có một mái vòm cung như kiểu học viện quân sự và Đại học Sorbonne ở Paris.
Tuy nhiên, từ giữa những năm 1920, các kiến trúc sư Pháp đã quyết định sửa đổi thiết kế để có thêm các nét bản địa đặc sắc. Trong đó, tầng lầu bên trên tòa nhà được thiết kế thành một tòa tháp vuông với 3 tầng mái úp, mang hình dáng của một ngôi đền Á Đông, đầy vẻ trầm mặc.
Từ trường hợp của Viện Đại học Đông Dương, cũng như nhiều công trình khác, tác giả Phúc Tiến cho rằng nếu chỉ nói kiến trúc Pháp ở Hà Nội là chưa đủ. Bởi những công trình này không phải 100% là kiến trúc Pháp. Vẫn có thể thấy dấu ấn của phong cách néo-classic, Gothic… với những đường nét riêng để phù hợp với khí hậu và văn hóa bản địa. Mặc khác, chủ thể thiết kế các công trình cũng có sự thay đổi, để tạo ra dấu ấn kiến trúc Đông Dương tại Hà Nội.
"Thời kỳ đầu thuộc địa, công trình người Pháp xây dựng chủ yếu bởi những kỹ sư công binh, hải quân. Từ những năm 1920 trở đi, kiến trúc Pháp và kiến trúc Đông Dương đã có sự thay đổi bởi một tầng lớp văn hóa mới" - Trần Hữu Phúc Tiến dẫn chứng - "Như trường hợp của Ernest Hébrard là Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương, nhưng đồng thời cũng là một nhà Đông phương học. Ông từng được Hy Lạp mời để cải tạo thành phố cổ Thessaloniki".
Cũng theo nhà nghiên cứu Phúc Tiến cho biết: "Các nước thực dân, đặc biệt là Pháp, khi ra nước ngoài, không chỉ kiến thiết thuộc địa giống với các thành phố ở chính quốc. Họ còn muốn tạo ra những công trình mới. Thậm chí, họ còn tự hào những công trình đó đẹp hơn ở chính quốc".
Như Paul Doumer trong hồi ký của mình từng bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy dinh Toàn quyền Đông Dương. Đó là công trình làm nên ấn tượng hoành tráng, vĩ đại của một cung điện bậc nhất quốc gia. Trong khi ở Paris, điện Élysée (dinh Tổng thống Pháp), hoặc dinh thự Matignon (dinh Thủ tướng Pháp) tuy bề thế, nhưng không có được một dáng vẻ của một tòa lâu đài đồ sộ như vậy.
Hoặc trường hợp của Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là một ví dụ tiêu biểu cho câu ngạn ngữ: "Khi chiếm một vùng đất mới, người Tây Ban Nha xây nhà tù, người Italy xây nhà thờ, người Anh xây ngân hàng, còn người Pháp xây nhà hát". Đây là tòa lâu đài mang hình ảnh Paris thu nhỏ, đặt vào trung tâm của một Hà Nội tân tiến, trung tâm của Liên bang Đông Dương. Kích thước của công trình khá đồ sộ, với diện tích hơn 2.600m2, cao 34m, dài 87m và rộng 30m.
Hà Nội vẫn đang hiện hữu những kiến trúc Pháp nhưng pha nét kiến trúc bản địa qua những kiệt tác độc đáo như "ngôi nhà trăm mái" - Nha Tài chính Đông Dương (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao), Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng Lịch sử quốc gia), hoặc Viện Pasteur, nhà thờ Cửa Bắc… Đây đều là những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương, do các kiến trúc sư Pháp và cộng sự Việt sáng tạo, từ đầu những năm 1920.
"Tinh thần Hà Nội"
Với việc sở hữu những công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương độc đáo này, theo nhà nghiên cứu Phúc Tiến, đây không chỉ là những di sản quý báu về kiến trúc, mà còn về văn hóa và lịch sử của thời kỳ thuộc địa Pháp và khởi đầu hội nhập Đông - Tây của Việt Nam. "Nếu như Đông Dương từng được coi là chuỗi hạt trai lấp lánh của nước Pháp ở hải ngoại, thì các kiến trúc do người Pháp và Việt Nam cùng tạo dựng ở Hà Nội chính là hiện thân của vẻ đẹp ấy".
Tiếp cận với cuốn sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội, nhưng ở một góc nhìn khác, TS-KTS Lê Phước Anh cho rằng bên cạnh những công trình đồ sộ, kiến trúc Pháp ở Hà Nội còn để lại dấu ấn ở những biệt thự, thậm chí là những mảng tường, chi tiết trang trí nhỏ như chấn song sắt…
Theo ông Phước Anh, những chi tiết kiến trúc nhỏ mang nét Pháp ở Hà Nội có sức nặng không kém những công trình to tát khác. Bởi những chi tiết kiến trúc này đã len lỏi vào cuộc sống hằng ngày, trở thành dấu ấn với những người đã sống lâu năm và yêu thành phố này.
"Đó là những dấu ấn kiến trúc nhỏ có thể không thuộc các trào lưu cổ điển, tân cổ điển, nhưng chúng lại làm nên một phần diện mạo kiến trúc Pháp ở Hà Nội, như phong cách trang trí (art deco) chẳng hạn. Những phong cách giao thoa này đôi khi mang tinh thần Hà Nội còn nhiều hơn cả những công trình lớn. Chúng mang tới những kiểu kiến trúc dung dị, nhẹ nhàng, phản ánh đúng cốt cách của người dân Hà Nội một thời" - ông Phước Anh nói.
Thực tế, trong một vài năm trở lại đây, có rất nhiều công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội bị mai một. Những công trình này có thể không có quá nhiều những chi tiết trang trí, nhưng công bằng mà nói, chúng vẫn đại diện cho những trào lưu rất điển hình của kiến trúc Pháp ở Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Thực tế trên cho thấy những công trình lớn có giá trị của nó, nhưng những kiến trúc nhỏ cũng có vai trò riêng của mình. Từ nhận thức này, tọa đàm gợi mở ra những vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ để bảo vệ di sản kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội. Đây cũng là những bổ túc vào việc cải tạo kiến trúc, quy hoạch cảnh quan, quản lý đô thị… của Hà Nội ngày nay.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất