14/11/2024 07:15 GMT+7 | Văn hoá
Một thông tin đáng chú ý từ Ban tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Ngay trong ngày đầu tiên hoạt động, tổ hợp triển lãm "Cảm thức Đông Dương" tại tòa nhà Đại học Đông Dương cũ (phố Lê Thánh Tông) đã đón hơn 10 ngàn lượt khách tham quan. Và, trong những ngày tiếp theo, "điểm nóng" này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt - khi lượng khách liên tục đổ về đây xếp hàng để thưởng thức triển lãm, cũng như khám phá vẻ đẹp của công trình…
… Đáng nói, trong gần 100 năm tồn tại, đây cũng là lần hiếm hoi công trình này “rộng cửa” đón mọi đối tượng du khách.
Với 22 tác phẩm sắp đặt, triển lãm “Cảm thức Đông Dương” đã sử dụng nhiều yếu tố của điêu khắc, hình ảnh, ánh sáng, âm thanh… để tạo ra sự tương tác và tôn vinh di sản kiến trúc- nghệ thuật lâu đời này, theo những cách tiếp cận đa dạng và đầy sáng tạo.
Đơn cử, ở tầng 1, đó là một bức tượng mới, tái hiện chân dung họa sĩ Victor Tardieu, được bố trí kề bên 2 bức tượng cũ vốn có của các nhà khoa học Lê Văn Thiêm và Ngụy Như Kon Tum như để tạo nên cuộc “hội ngộ” giữa những gương mặt có đóng góp lớn cho văn hóa, giáo dục Việt Nam. Rồi, các tác phẩm “Mạch nguồn” và “Cội nguồn tri thức” sử dụng chất liệu voan lụa, giấy bóng kính bao trùm lên các cửa sổ, đèn chùm cũ, tạo liên tưởng về phong cách mỹ thuật Đông Dương bấy giờ.
Hoặc ở tầng 2, cầu thang nối được trang trí bằng 13.000 miếng sơn mài giả gốm, dẫn người xem đến với nhiều tác phẩm bằng tranh lụa, giấy dó, đèn… đang tạo ra sự tương tác với các mẫu vật vốn có sẵn của Bảo tàng Sinh học tại đây. Tiếp đó, lên tầng 3 là các tác phẩm sắp đặt mượn cảm hứng từ bia tiến sĩ Văn Miếu. Lên tầng 4 là tác phẩm “Tiêu bản” mượn cảm hứng từ các mẫu lọ thuỷ tinh cũng tại Bảo tàng Sinh học.
Bên cạnh các tác phẩm có sự tương tác trực tiếp với kiến trúc và các chi tiết của tòa nhà, nhiều tác phẩm trưng bày cũng mở ra cho người xem những liên tưởng về văn hóa Đông Dương trong giai đoạn cũ, với chất liệu từ tranh thêu, sơn mài và cả những bức ảnh chụp Việt Nam vốn rất nổi tiếng của Albert Kahn…
***
Cần nhắc lại, được xây dựng từ 1926 bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Ernest Hébrard, Viện Đại học Đông Dương (từ năm 1956 là trụ sở Đại học Tổng hợp Hà Nội) mang đầy đủ những nét đặc trưng và độc đáo nhất của kiến trúc Pháp thuộc địa, với sảnh chính lát đá, mái vòm cao, hệ thống cửa có hoa sắt, các cột trang trí, phù điêu và đặc biệt là bức tranh tường nổi tiếng của họa sĩ Victor Tardieu.
Ở một góc độ khác, gắn liền với sự xuất hiện của Viện Đại học Đông Dương - và sau đó là Đại học Tổng hợp, không gian này cũng là một công trình mang nặng tính biểu tượng của nền giáo dục Việt Nam, với vai trò “vườn ươm” của rất nhiều trí thức lớn trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Và như thế, bên cạnh khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ, sức hút từ triển lãm “Cảm thức Đông Dương”trong những ngày này chắc chắn còn đến từ những lớp “trầm tích” về văn hóa và giáo dục của công trình lịch sử này.
Có thể, sau Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, việc thường xuyên mở cửa đón khách thăm quan là điều không dễ với công trình này - khi nó hiện vẫn còn đảm vai trò của môt cơ sở đào tạo đại học. Nhưng, với những gì vừa diễn ra, có lẽ tòa nhà “Đại học Đông Dương” cũng nên từng bước được “phân tải” các công năng cho các cơ sở đào tạo hiện đại khác, để tập trung khai thác vào các hoạt động mang tính văn hóa, giáo dục và nghệ thuật của Hà Nội, cũng như cả nước.
Một “thánh đường tri thức” hoàn toàn có thể trở thành“thánh đường” của nghệ thuật và sáng tạo - khi mà theo lời nhiều chuyên gia, thư viện, bảo tàng và trường học luôn là những công trình đặc thù, mang tính biểu tượng và gắn với chiều sâu văn hóa của mọi thành phố trên thế giới.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất