Góc nhìn 365: 'Thuốc thử' đầu đời

15/09/2022 06:39 GMT+7

Một cột mốc rất được mong chờ sẽ diễn ra vào ngày hôm nay 15/9 - khi nhiều trường đại học chính thức công bố điểm chuẩn đầu vào. Xa hơn, trong vòng một vài ngày tới, toàn bộ các trường đại học trên toàn quốc đều có điểm chuẩn.

Góc nhìn 365: Văn Miếu - đến hẹn lại lên

Góc nhìn 365: Văn Miếu - đến hẹn lại lên

2 ngày cuối tuần vừa qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại trở thành điểm đến đặc biệt tại Hà Nội, trước những dòng người nườm nượp. Chẳng có gì lạ: Vài ngày nữa, hơn 1 triệu thí sinh trên toàn quốc sẽ bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Chắc hẳn, trông chờ giây phút này nhất vẫn là các sĩ tử vừa tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 7 vừa qua. Thấp thỏm, hồi hộp, lo lắng rồi lại tự tìm cách trấn an mình - dường như đó là cái vòng tâm lý luẩn quẩn mà đa phần các thí sinh nào cũng phải đi qua trong vài tháng chờ kết quả.

Nhưng, với nhiều trường hợp, đó mới chỉ là “thử thách tâm lý”đầu tiên.

“Thử thách tâm lý” thực sự sẽ đến, khi một phần không nhỏ trong số các sĩ tử phải đối diện với một thực tế buồn: Trượt đại học.

Người viết dùng chữ “buồn” - dù trong vài năm gần đây, trên mặt báo và mạng xã hội đã có vô vàn câu chuyện, vô vàn lời khuyên về sự lạc quan và tích cực cần có với những người trượt đại học. Và, phần lớn những câu chuyện ấy hay lời khuyên ấy đều gắn với ví dụ về những người thành công và lập thân bởi những con đường “ngoài đại học”, sau lần thi trượt từng có trong quá khứ.

Chú thích ảnh
Hôm nay 15/9 - nhiều trường đại học chính thức công bố điểm chuẩn đầu vào

Đó có thể là sự nhân văn cần thiết và đang có xu hướng được đẩy lên cao, sau những gì chúng ta từng bức xúc về mọi bất cập trong kỳ thi đại học, hay những áp lực vô hình đang đè lên vai các em từ một xã hội trọng bằng cấp. Nhưng, cũng cần có sự rạch ròi giữa 2 vấn đề tuy gần nhau, nhưng đủ khác biệt: Bên cạnh đại học vẫn còn những con đường khác để lập thân - và việc thi trượt đại học.

Ở đó, nếu vấn đề thứ nhất là câu chuyện về sự cân nhắc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và nên được tính toán từ rất sớm thì vấn đề thứ hai lại là cách mà các sĩ tử phải đối diện với thất bại từ lựa chọn của bản thân mình.

Có thể, nếp nghĩ truyền thống của chúng ta đang quá đề cao tấm bằng đại học. Có thể, một cơ số những người thi trượt đại học - thậm chí là bỏ đại học giữa chừng - đã thành công rất sớm và và được xã hội thừa nhận. Nhưng, đừng vội đánh đồng điều ấy với câu chuyện của những sĩ tử đã thất bại sau khi vạch ra mục tiêu về cánh cửa đại học - và dành thời gian, công sức, tâm lực để hướng về nó, với sự đồng hành của gia đình và thầy cô.

Ở tuổi 18, để tiếp tục trưởng thành, những chàng trai cô gái ấy cần sự thông cảm chia sẻ - nhưng chắc chắn không phải là những dỗ dành, ve vuốt để đưa câu chuyện sang sự cần thiết hay không cần thiết của một tấm bằng đại học.

Với sự quan tâm động viên từ người lớn, hãy cứ để các em chấp nhận rằng mình đã thua ở cuộc thi lớn đầu tiên trong cuộc đời. Hãy nhẹ nhàng giúp các em rút ra những những bài học quan trọng về định hướng phát triển cho bản thân, về đặt mục tiêu, xây dựng kế hoạch và thực thi kế hoạch.

Hãy để các em bình tĩnh và sáng suốt cân nhắc: Nếu đại học là con đường tương lai mà mình đã chọn, cần tiếp tục không nhụt chí để theo đuổi nó. Nếu thấy cái đích ấy viển vông xa vời, cần chọn một con đường khác phù hợp với bản thân. Và, tất nhiên, cả 2 con đường ấy đều cần nghị lực, ý chí.

Thi đại học là cuộc thi lớn đầu tiên, nhưng không phải duy nhất trong cuộc đời mỗi người. Hãy coi đó là “liều thuốc thử” quan trọng cho tuổi mới lớn để tìm kiếm sự trưởng thành trong nhận thức, thậm chí là trưởng thành sau thất bại đầu tiên.

Đừng quên, với các em, có thể cánh cửa đại học chưa mở, nhưng một năm của tuổi thanh xuân vẫn còn nguyên trước mặt.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm