Góc nhìn 365: 'Thử nghiệm' để tìm khán giả

10/11/2022 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Sau khá nhiều chờ đợi, cuối cùng thì Liên hoan sân khấu thử nghiệm Quốc tế lần thứ V sẽ chính thức được tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 11 này.

Nói "chờ đợi", không chỉ bởi đây là một sự kiện giao lưu nghệ thuật quốc tế lớn của ngành sân khấu. Xa hơn, nó gắn với một yếu tố vốn luôn được trông chờ để "làm mới" môn nghệ thuật này: Khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo gắn với mọi phương diện của vở diễn - cả ở nội dung và hình thức thể hiện.

Trong đời sống biểu diễn thường ngày, những tìm tòi sáng tạo ấy tất nhiên không dễ gặp.

Do áp lực về việc bán vé, và cả bởi điều kiện về kinh phí, kĩ thuật hay trình độ chuyên môn, những vở diễn "mạnh tay" tìm kiếm sự sáng tạo - thậm chí là tìm một cách tiếp cận, một hướng tư duy mới  - không phải lúc nào cũng có thể được triển khai và xuất hiện thường xuyên ở các đơn vị sân khấu.

Còn tại liên hoan này, khi yếu tố "thử nghiệm" được đề cao - thậm chí trở thành tiêu chí bắt buộc để các vở diễn có thể được lựa chọn tham gia - người trong nghề không khỏi phấn khởi trước việc nhiều đoàn nghệ thuật dám chấp nhận đầu tư cho sự tìm tòi, sáng tạo về nghệ thuật trong cảnh khó khăn chung hiện nay.

Nhìn lại, trong lịch sử sân khấu thế giới, nhiều thử nghiệm cũng từng xuất hiện, thành công và được áp dụng rộng rãi, khi đội ngũ sáng tạo không bằng lòng với các khuôn mẫu trước đó và muốn tìm tới những cách dàn dựng mới mẻ hơn.

Góc nhìn 365: 'Thử nghiệm' để tìm khán giả - Ảnh 2.

Vở cải lương kết hợp xiếc Thượng Thiên Thánh Mẫu sẽ tham dự liên hoan. Ảnh: Vietnam+

Riêng tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế, trong 4 lần tổ chức trước đó, chúng ta cũng từng chứng kiến nhiều sáng tạo độc đáo từ các đơn vị bạn về những cách tân trong nghệ thuật biểu diễn, về hướng xử lý nhân vật và đặc biệt là việc kết hợp công nghệ - cũng như những yếu tố của các loại hình nghệ thuật khác - vào sân khấu.

***

Với các đơn vị trong nước tại Liên hoan lần này, một tín hiệu vui đã xuất hiện - khi có tới phân nửa trong số 15 vở diễn là thuộc về các đoàn xã hội hóa. Và ít nhiều, trong quá trình chuẩn bị trước đó, người ta cũng thấy những dấu hiệu tích cực của sự tìm tòi, thể nghiệm khi dựng vở. Đó là việc áp dụng phương pháp biểu hiện ước lệ của nghệ thuật truyền thống trong "Antigone" của đoàn Lucteam, là sân khấu tối giản với những tấm pa nô đóng mở trong "Lá đơn thứ 72" của kịch Lệ Ngọc, là sự cách tân nghệ thuật rối truyền thống trong "Bản tình ca trên núi" của Nhà hát Múa rối Việt Nam hay việc tiếp tục kết hợp giữa cải lương và nghệ thuật xiếc trong "Thượng Thiên Thánh Mẫu" của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam…

Lao đao trong những năm gần đây, dường như sân khấu của chúng ta đang ở giai đoạn chuyển giao về đội ngũ sáng tạo - khi các gương mặt giàu kinh nghiệm đều đã lớn tuổi và phần nào khó thích ứng với những thử nghiệm táo bạo, còn những gương mặt kế tục cũng chưa có nhiều những cái tên thật sự nổi trội với phong cách riêng. Nhưng, đặt trong bối cảnh ấy, rõ ràng tiếp tục giải "bài toán" muôn thủa về sức hấp dẫn của sân khấu - qua từng giai đoạn, từng thế hệ khán giả - lại càng trở nên thời sự và khẩn thiết.

Như thế, dù thành dù bài, hãy cứ hi vọng những thử nghiệm và sáng tạo tại Liên hoan lần này đều gặp nhau ở một điểm chung: Đặt tính hấp dẫn và khả năng chạm tới cảm xúc của người xem lên vị trí ưu tiên cao nhất, thay vì chạy theo những thử nghiệm chỉ thỏa "cơn khát" thể hiện cá tính của người làm nghề, hoặc gắn với những điều cao siêu, phức tạp và không gần gũi với cách hiểu, cách cảm của người xem. Bởi thử nghiệm tới đâu, cái đích hiện tại của sân khấu vẫn là việc thu hút khán giả đến với mình.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm