Góc nhìn 365: "Nhớ những con đê thành lối xe"

22/10/2024 06:41 GMT+7 | Văn hoá

Tháng 10 đang trôi qua khá nhanh với những chuỗi dài hoạt động gắn với kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Và trong dòng chảy ấy, có lẽ ít người để tâm tới một sự kiện diễn ra vài tuần trước: Tuyến đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm dài gần 4 km vừa thông xe.

Không chỉ là câu chuyện của một trục giao thông quan trọng vừa được nâng cấp và mở rộng, trục đường ấy còn gắn với những thay đổi tất yếu theo thời gian và theo trào lưu đô thị hóa của một đoạn đê sông Hồng, vốn đã tồn tại rất nhiều năm trong lịch sử Hà Nội.

Những tư liệu để lại cho thấy phần đê sông Hồng qua khu vực Nghi Tàm hiện nay chính là một trong những đoạn đê được đắp sớm nhất của Hà Nội, khi hình thành vào năm 1108 thời Lý Nhân Tông với tên gọi đê Cơ Xá. Trong suốt nhiều thế kỷ sau, phần đê này vẫn từng bước được đắp và tôn tạo thêm, đặc biệt là dưới thời Pháp thuộc, sau trận lụt lớn năm 1926.

Dù vậy, cho tới tận cuối thập niên 1980, giống như toàn bộ hệ thống đê điều của Hà Nội, phần đê này vẫn là đê đất, khá hoang vắng và cỏ mọc đầy. Phải sang thập niên 1990, việc "cứng hóa" đê bằng lớp bao bê tông, đồng thời trải nhựa để biến mặt đê thành đường giao thông theo tư duy mới, mới được hoàn thành.

Góc nhìn 365: "Nhớ những con đê thành lối xe" - Ảnh 1.

Dự án mở rộng tuyến đường Âu Cơ-Nghi Tàm (quận Tây Hồ) đoạn từ nút giao khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân dài 3,7 km. Ảnh: Trung Nguyên - TTXVN

Dài gần 5km, chạy giữa bãi sông Hồng và Hồ Tây, đoạn đê này tất nhiên cũng là một "chứng nhân" đặc biệt của lịch sử Hà Nội - khi mà chính những thay đổi gắn với nó cũng cho thấy các bước chuyển về nhận thức và nhu cầu của một thành phố.

Chưa cần nói tới câu chuyện của vài trăm năm trước, những người lớn tuổi bây giờ vẫn hay nhắc về đoạn đường đê Nghi Tàm thời bao cấp với những rặng ổi hoang, bể bơi Quảng Bá hay những làng hoa, làng quất ven đường. "Nhớ những con đê thành lối xe/ Bước chân năm tháng đi về". Hình ảnh trong câu hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (sáng tác đầu những năm 1980) hẳn cũng có thể khiến ta liên tưởng tới con đê này.

Rồi thời "hậu bao cấp", trục đường này trở thành nơi có chuỗi nhà hàng thịt chó đông nhất thành phố, đủ để đáp ứng nhu cầu liên hoan - kỷ niệm - gặp mặt của cả cộng đồng, khi mà "mốt" ăn thịt chó vẫn phổ biến, còn các dịch vụ nhà hàng khác thì chưa xuất hiện nhiều như hiện tại.

Thậm chí, vào giữa thập niên 1990, việc dẹp bỏ các dãy nhà tự ý lấn chiếm hành lang an toàn đê tại đây - mà báo giới gọi bằng "vụ án đê Yên Phụ" - đến giờ vẫn là câu chuyện được nhắc lại, như một cột mốc về việc nâng cao ý thức và lập lại kỷ cương đô thị của Hà Nội

***

Trở lại câu chuyện của tuyến đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm vừa khánh thành. Thực chất, trước công trình này, một đoạn đường đê liền kề dài hơn 1km (nối từ khách sạn Thắng Lợi tới nút giao An Dương) cũng từng được hoàn thành mở rộng vào năm 2018, dựa trên việc sử dụng kết cấu đê bê tông để thay thế một phần đê đất.

Để rồi bây giờ, trên cả tuyến đê vừa được mở rộng, Hà Nội đã có hẳn một trục đường rộng từ 4- 6 làn xe chạy ven sông Hồng để nối từ cầu Nhật Tân vào trung tâm thành phố. Đó là trục đường đã được rất nhiều người trông đợi những năm qua, khi trục đường Âu Cơ - Nghi Tàm cũ (chỉ rộng 2 làn) thường xuyên ở cảnh ô nhiễm và ùn tắc bởi tình trạng quá tải vào giờ tan tầm.

Có thể, với những người hoài cổ, một tuyến đường rộng, cho phép xe chạy với tốc độ cao, lại càng khiến cho những ký ức về tuyến đê cũ - với sự lãng mạn, yên bình của bãi sông, rặng tre và tâm lý thư thái để ngắm cảnh - càng trở nên xa vời. Nhưng rõ ràng, diện mạo mới - sạch hơn, đẹp hơn và… nhanh hơn - là sự thay đổi tất yếu và không thể khác của tuyến đê Âu Cơ - Nghi Tàm tại Hà Nội, sau những lần thay đổi trong quá khứ.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm