Góc nhìn 365: Chờ gì ở "kiến trúc thời bao cấp"?

15/10/2024 07:26 GMT+7 | Văn hoá

Diễn ra cuối tuần qua, cuộc tọa đàm Hà Nội thời bao cấp: Ký ức qua di sản kiến trúc chia sẻ một thông tin đáng chú ý: Trong khi nội dung về kiến trúc Pháp cũ được"phủ sóng" dày đặc trong các sách lịch sử kiến trúc xuất hiện gần đây, kiến trúc của các tỉnh miền Bắc giai đoạn 1954 - 1986 lại gần như ít được đề cập.

Ở góc độ khác, trong một khảo sát về sự yêu thích giữa kiến trúc Pháp cũ và kiến trúc Hà Nội từ 1954 - 1986, chỉ có 17% người được hỏi lựa chọn phần "kiến trúc thời bao cấp" này.

Như tên gọi, khái niệm "kiến trúc thời bao cấp" ở Hà Nội gắn với hàng loạt công trình được xây dựng trong giai đoạn 1954 - 1986.

Nó tất nhiên phải là những khu nhà tập thể cũ vốn rất quen thuộc với nhiều người, là những công trình lớn như Cung Văn hóa Hữu nghị, một số trường đại học hoặc trụ sở làm việc của nhiều bộ ngành - hoặc có cả những trường hợp được xây bổ sung, đan xen cùng kiến trúc Pháp cũ như cổng ga Hà Nội…

Thực tế, cũng không khó để lý giải việc những kiến trúc này chưa được cộng đồng quan tâm so với những công trình người Pháp để lại: "Tuổi đời" chưa thật cao, thiên về những kết cấu hình khối lớn - và quan trọng nhất, gắn cùng một giai đoạn vất vả, khó khăn của toàn xã hội.

Góc nhìn 365: Chờ gì ở "kiến trúc thời bao cấp"? - Ảnh 1.

Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội (thường được gọi là Cung Việt Xô). Ảnh: Đặng Thực/Báo Tuổi trẻ

Nhưng, với những gì được các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm vừa qua (Tạp chí Tia Sáng tổ chức), có nhiều câu chuyện thú vị gắn với hệ giá trị của những công trình này - điều mà ít người để ý trừ giới chuyên môn.

Đơn cử, theo KTS Vũ Hiệp, do đặc điểm lịch sử, Hà Nội là thành phố lớn duy nhất ở Đông Nam Á có hệ thống di sản kiến trúc xã hội chủ nghĩa một cách đầy đủ nhất với các khu nhà ở tập thể, các nhà máy - và đặc biệt là các công trình công cộng phục vụ quần chúng nhân dân lao động (như Cung Văn hóa Lao động) hay Cung Thiếu nhi.

Hoặc, theo KTS lão thành Trần Thanh Bình - người trực tiếp thiết kế trụ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm đặc thù của miền Bắc cộng cùng việc… máy lạnh (và cả điện) chưa phổ biến thời điểm đó, những vấn đề về hướng công trình, sự thông thoáng để đón gió trời, các khoảng hở trong tòa nhà… luôn được đặt ra như một ưu tiên hàng đầu. Và, đến tận bây giờ, các công trình này vẫn được đánh giá cao ở góc độ văn hóa sinh thái, cũng như thích ứng với khí hậu địa phương.

Còn với lời kể của học giả PGS-TS Nguyễn Văn Huy, để có được những căn hộ tập thể cũ riêng biệt về công trình phụ, KTS Trương Tùng khi đó đã phải nghiên cứu 21 mẫu căn hộ của phương Tây để đưa ra thiết kế đảm bảo khu vực "bếp - xí - tắm" có tổng diện tích 6 mét vuông, nhằm thuyết phục các lãnh đạo trong bối cảnh hạn chế về điều kiện xây dựng lúc đó.

Và quan trọng nhất, các công trình "kiến trúc thời bao cấp" ấy phản ánh một thời đại mới của đất nước, với những nguyên tắc định hình hiện đại, tiến bộ, có giá trị khoa học, xã hội và kinh tế. Chúng là một phần lịch sử của các đô thị.

Nhìn lại, khi xã hội phát triển, những năm gần đây, nhiều kiến trúc bao cấp cũng đã dần được cộng đồng chú ý và bước đầu cho thấy những giá trị khác biệt của mình. Đó là câu chuyện của những ký ức về các khu nhà tập thể cũ, những hệ thống cà phê, dịch vụ được trang trí đậm chất "bao cấp" - và nhất là những khu vực nhà máy, cơ sở công nghiệp cũ đang từng bước "lột xác" trở thành không gian sáng tạo.

Nhưng để đi xa hơn, rõ ràng đó phải là câu chuyện của việc xóa bỏ "điểm mờ" trong sự quan tâm của cộng đồng về những di sản này, thậm chí là việc dành cho chúng một vị trí hợp lý trong chiến lược xây dựng thương hiệu của thành phố.

Bởi trước hết, những kiến trúc ấy là một phần lịch sử của các đô thị, và gắn liền với khát vọng, mơ ước, và đời sống của xã hội trong một thời kỳ chưa xa…

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm