06/06/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Mùa Hè, mùa của những chuyến du lịch. Trở về từ Phuket (Thái Lan) sau vài ngày, tôi vui vì được đi chơi mà ngẫm lại cũng có chút chạnh lòng.
Mang tiếng đi nước ngoài, nhưng đến đâu tôi cũng thấy hình bóng Việt Nam: Chỗ này sao giống vịnh ở nước mình, bãi biển này với bãi biển nước mình cũng đâu thua kém nhau… Hỏi mới biết, những người cùng đi cũng có cảm nhận giống như tôi.
Cảm giác "giống Việt Nam" đó càng tăng thêm, khi trên đất Thái mà tiếng Việt vẫn văng vẳng bên tay vì có không ít du khách Việt Nam đến Phuket nghỉ Hè.
Trong khi đó, mở mạng xã hội lên, nhiều đồng bào Việt mình "tẩy chay" một điểm du lịch nổi tiếng trong nước. Có nhiều lý do du khách đưa ra cho điều này, trong đó có chuyện chi phí đắt đỏ từ ăn uống đến ngủ nghỉ. Chưa kể tới tốc độ bê tông hóa, rồi những "cảnh giả" Âu không ra Âu, Á chẳng ra Á mà nếu chỉ dựa vào có biển đẹp thì cũng không ăn thua.
Dĩ nhiên, chi phí đắt - rẻ là tùy điều kiện của mỗi người và nếu được cho là đắt cũng có nhiều nguyên do khách quan lẫn chủ quan, như những gánh nặng đè lên vai người làm dịch vụ du lịch. Nhưng đứng dưới góc độ một du khách có nhiều điểm đến để lựa chọn thì dĩ nhiên, chi phí sẽ là một yếu tố đặt lên bàn cân so sánh.
Hỏi một người bạn cùng chuyến đi, anh nói theo quan điểm cá nhân: Việt Nam có nhiều chỗ đẹp hơn, rẻ hơn, nhưng đi ra khỏi đất nước thì được ít nhất cái tiếng là du lịch nước ngoài. Vả lại, tuy phong cảnh không quá khác biệt, nhưng trải nghiệm văn hóa mang chất địa phương (đơn giản như các phương tiện di chuyển, món ăn…) cũng đem lại sự lý thú cho du khách.
Vậy thì, thay vì cố đem một trời Tây nào đó đến Việt Nam, chúng ta nên kiến tạo những không gian mang đậm bản sắc của mình, nhấn mạnh vào tính địa phương để thu hút du khách, nhất là những du khách quốc tế. Chúng ta đã có cái "vốn trời cho" là thiên nhiên ưu đãi, ít chịu thiên tai, thì hãy sử dụng tốt cái vốn ấy để sinh lời.
Góp ý thêm, dịch vụ của ta cũng đang thiếu vắng nụ cười, dù nụ cười xã giao. Nhiều khi sau một chuyến đi, thứ làm ta nhớ, níu giữ chúng ta là những điều nhỏ bé, đôi khi chỉ là nụ cười của một cô bán hàng rong, thái độ thân thiện của nhân viên sân bay, hay sự chu đáo trên một chuyến tàu với thuốc chống nôn, một vài loại thức uống, bánh kẹo miễn phí, nhân viên đem trái cây đi mời từng khách…
Lúc chuẩn bị rời đất Thái, ở sân bay, những cô nhân viên tại quầy thủ tục khi biết chúng tôi là người Việt Nam đã cố nói vài câu tiếng Việt đơn giản, rồi đồng nghiệp bên cạnh của cô cũng hỏi han, và học ngay tại chỗ những câu ấy từ bạn của mình. Chuyện có thể không to tát, nhưng cũng lấy làm ấm áp đối với những lữ khách phương xa.
Về lại Việt Nam, chuyến bay không dài, nhưng chờ nhập cảnh mới làm chúng tôi mệt mỏi vì phải xếp hàng lâu. Nhiều người thắc mắc, sao không dành riêng một lối cho hành khách người Việt Nam, những người mới ra khỏi đất nước chỉ vài ngày trước, để tiết kiệm thời gian?
Đó là mấy nỗi băn khoăn của một người trở về nhà sau kỳ nghỉ. Sinh trưởng ở một địa điểm du lịch, tôi đã chứng kiến thời hoàng kim của các quán ăn khách sạn nơi ấy, cũng chứng kiến cả một con đường ẩm thực mua sắm biến mất, và có lẽ ai cũng hiểu vì sao chúng biến mất.
Một địa điểm du lịch có thể đạt cực thịnh nhờ một xu hướng. Nhưng qua thời gian, để du khách trở lại cần những nỗ lực rất lớn. Đôi khi, để chán ghét một điểm du lịch thật ra rất dễ, đó có thể chỉ vì một tiểu tiết, như cuốc taxi bị chặt chém cũng đủ làm nản lòng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất