Góc nhìn 365: Nghỉ lễ và khai giảng

05/09/2024 07:20 GMT+7 | Văn hoá

Chúng ta vừa trải qua kì nghỉ lễ 2/9 với độ dài 4 ngày. Để rồi, khi dư âm của nó dường như chưa biến mất, các trường học trên toàn quốc đã bước sang "cột mốc" khai giảng trong ngày hôm nay, 5/9.

Và khá thú vị, vài ngày trước, đề xuất kéo dài kỳ nghỉ lễ 2/9 thêm 2 ngày so với hiện trạng - cụ thể là diễn ra từ 2/9 tới 5/9 - cũng vừa được nhắc tới và thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng.

Như những gì được chia sẻ tới các cơ quan chức năng, cũng như trên mặt báo và các mạng xã hội, ngoài việc có thêm thời gian nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động, đề xuất kéo dài kì nghỉ tới hết ngày 5/9 còn giúp các gia đình có thể đưa con tới trường trong ngày khai giảng.

Góc nhìn 365: Nghỉ lễ và khai giảng - Ảnh 1.

Học sinh trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình, Hà Nội) thực hiện nghi thức chào cờ trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Cần nói thêm, việc "đưa con" tới trường này thường bao hàm cả quãng thời gian để phụ huynh được góp mặt trong lễ khai giảng của các em. Thực tế, dù là "ngày thường", nhiều người trong dịp này vẫn có tâm lý muốn thu xếp để vắng mặt vài giờ tại nơi làm việc và chứng kiến một phần - hoặc toàn bộ - lễ khai giảng của con mình.

Không có gì khó hiểu khi tâm nguyện muốn đồng hành cùng trẻ nhỏ trong lễ khai giảng xuất hiện ngày càng nhiều tại mỗi gia đình trong những năm gần đây. Về cơ bản, đó là sự phát triển tất yếu của xã hội, khi điều kiện để quan tâm tới giáo dục trong mỗi gia đình ngày càng tăng so với trước.

Nhưng xa hơn, dù thời điểm 5/9 không còn là ngày đầu tiên tới trường sau mùa Hè ở nhiều trường học, vẫn cần khẳng định: Lễ khai giảng truyền thống trong dịp này luôn là một sự kiện quan trọng - không chỉ với học sinh mà cả với phụ huynh và cộng đồng.

Góc nhìn 365: Nghỉ lễ và khai giảng - Ảnh 2.

Các em nhỏ háo hức trong ngày khai giảng tại trường mầm non Việt Triều hữu nghị. Ảnh: Khánh Hoà - TTXVN

Nhìn lại lịch sử, vào 5/9/1945, chỉ 3 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Thư gửi cho các học sinh" nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Để rồi, trong nhiều thập niên tồn tại, ngày truyền thống ấy đã dần mang theo nó những biểu trưng về sự khởi đầu và tinh thần học hỏi của những em nhỏ, cũng như việc cả nước chung tay, đồng lòng hướng tới một nền giáo dục tiến bộ cho thế hệ tương lai.

Và, trong khi từng có những ý kiến đề xuất nên bỏ ngày khai giảng, hoặc để các trường chủ động chọn ngày khai giảng một cách linh hoạt theo lịch học tập sau Hè, người viết tin rằng một cột mốc mang tính biểu tượng như vậy vẫn mang những giá trị khá quan trọng.

Ở đó, trong một chừng mực, những thay đổi đã và đang diễn ra vào ngày khai giảng 5/9 những năm qua chính là minh chứng cho ta thấy bước tiến về nhận thức của xã hội đối với giáo dục - khi mà những gì mang tính cứng nhắc và máy móc của quá khứ đang được lược bỏ dần, còn những sáng tạo trong cách tạo niềm hứng khởi của học sinh, cách tổ chức của nhà trường hay các bài diễn văn đầu năm học mới của thầy hiệu trưởng lại có xu hướng tăng thêm.

Giống như trong câu chuyện về đề xuất gắn với "ngày nghỉ 5/9" vừa qua. Có thể ý tưởng ấy còn cần được thảo luận thêm về tính khả thi, nhưng đó vẫn là một chỉ số cho thấy ngày khai giảng truyền thống sẽ khó có thể biến mất, trong nếp nghĩ mặc định của xã hội.

Trí Uẩn

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm