Góc nhìn 365: Ngày của áo dài

07/03/2024 08:28 GMT+7 | Văn hoá

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 của năm nay sẽ đến vào Cuối tuần. Như thông lệ, từ mấy ngày qua, nó đã được "khởi động" tại mỗi gia đình, mỗi công sở và cả... trên thị trường tiêu dùng, với những kế hoạch chuẩn bị đang được phác ra.

Nhưng, bên cạnh những hoa, quà tặng hay các bữa liên hoan, có một hình ảnh đang ngày trở nên quen thuộc vào dịp này: Sự phổ biến của những tà áo dài cho nữ giới.

Ít nhiều, câu chuyện ấy đến từ những Tuần lễ áo dài, vốn được Hội Phụ nữ Việt Nam phát động từ năm 2019 và duy trì đều đặn vào những dịp 8/3 hàng năm.

Trong 5 năm qua, những Tuần lễ áo dài ấy không chỉ gắn với việc vận động chị em mặc trang phục áo dài trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Đó còn ra rất nhiều hoạt động xã hội và nghệ thuật khác nhau, được triển khai rộng rãi trên cả nước, vào dịp này.

Góc nhìn 365: Ngày của áo dài - Ảnh 1.

Trình diễn áo dài nghệ thuật “Hương sắc Áo dài Việt”. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đơn cử, gần nhất, lễ phát động Tuần lễ áo dài năm 2024 giữa tuần qua đã được tổ chức gắn liền với chương trình nghệ thuật "Hương sắc Áo dài Việt" tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Ở đó, phần trình diễn các bộ sưu tập áo dài của hơn 50 nhà thiết kế lớn trên cả nước đã diễn ra khá hấp dẫn, với sự kết hợp cùng ca múa, nhạc kịch và công nghệ đặc biệt về ánh sáng, âm thanh…

***

Thực chất, những gì đang diễn ra cũng gắn với chiến lược của chính chúng ta, trong việc gìn giữ và tôn vinh tà áo dài Việt Nam - và xa hơn là ước vọng muốn xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận loại trang phục này (và những giá trị kèm theo nó) là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Vị trí, sự sáng tạo theo thời gian và tính biểu tượng của tà áo dài trong văn hóa Việt Nam là những điều đã được cộng đồng nhắc tới - và công nhận - từ khá lâu. Nhưng, trong những cuộc hội thảo lớn về trang phục này những năm qua, nhiều chuyên gia vẫn khẳng định: Để có thể thực sự tồn tại như một sản phẩm đậm tính văn hóa truyền thống theo đúng nghĩa, áo dài Việt Nam cần được phát triển thêm cả về chiều sâu và chiều rộng.

Ở đó, nếu chiều sâu là sự nghiên cứu và khám phá để nhận diện và hiểu rõ về những giá trị và đặc thù của áo dài thì chiều rộng lại là sự lan tỏa của trang phục này trong đời sống, để cộng đồng vừa có sự quen thuộc gần gũi, vừa biết trân trọng áo dài - thậm chí là biết thể hiện thái độ trước những mẫu áo dài cách tân chưa phù hợp hoặc sai lệch về bản sắc.

Cũng cần nhắc lại, trong nhịp sống bây giờ, việc sử dụng trang phục áo dài cũng mang về những nhược điểm nhất định so với một số trang phục hiện đại khác - đặc biệt là ở tâm lý ưa chuộng tính ứng dụng cao và sự thuận tiện. Chính vì vậy, đã có những đề xuất khá hợp lý rằng bên cạnh những dịp trọng đại, tà áo dài trước mắt được khuyến khích sử dụng phổ biến trong những ngày đặc biệt - mà tiêu biểu nhất là những "ngày Phụ nữ" như 20/10 hay 8/3.

Để rồi bây giờ, rõ ràng, chúng ta đã có được những bước đi quan trọng, khi việc mặc áo dài dần trở thành một trào lưu phổ biến trong ngày Quốc tế Phụ nữ. Và trong niềm vui từ thành công ấy, đã có những đề xuất hào hứng rằng, cộng đồng nên có sự chung sức để "làn sóng" áo dài trở nên cuốn hút và phát triển mạnh hơn trong dịp này.

Chẳng hạn, đã có những đề xuất đáng yêu về việc ưu tiên cho chị em mặc trang phục áo dài được sử dụng không gian tại các cảnh quan đẹp để chụp hình, được giảm giá vé tại các khu vui chơi, nhà hàng, quán cà phê, thậm chí được phiếu giảm giá để… may thêm áo dài mới trong thời gian tới.

Đó có thể là những câu chuyện của tương lai. Còn trước mắt, chúng ta hãy cứ động viên cho một sự hợp lý tất yếu: Trong ngày 8/3 vốn dành cho phụ nữ, áo dài cũng chính là trang phục nên được ưu ái nhất.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm