Góc nhìn 365: Lịch sử luôn cần sống động

16/07/2020 06:36 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, buổi sáng ngồi uống cà phê với một người anh quen biết từ thời đi học, tôi được nghe câu hỏi: cậu có đọc tin tức về những chiếc cổng mới được phát hiện ở Thượng thành Huế?

Những kết quả quan trọng trong công tác trùng tu, bảo tồn Cố đô Huế

Những kết quả quan trọng trong công tác trùng tu, bảo tồn Cố đô Huế

Quá trình đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích trong kinh thành Huế gắn liền với quá trình đổi mới, phát triển kinh tế xã hội của đất nước

Tôi cười. Anh không phải là người duy nhất hỏi tôi câu ấy. Cũng giống như tôi và những người bạn Huế khác, những ngày qua, hai chiếc cổng đặc biệt này luôn chiếm một dung lượng lớn trong câu chuyện của chúng tôi.

Khá thú vị, lịch sử nghiên cứu cố đô Huế đã có từ rất lâu, trước khi nó được UNESCO ghi danh là Di sản Thế giới vào năm 1993. Mọi công trình ở đây tưởng như đã được khám phá hết – để rồi bây giờ, chúng ta bỗng nhiên tìm ra hai chiếc cổng cổ xưa.

Hai chiếc cổng ấy được phát hiện khi thành phố Huế bắt đầu tiến hành giải tỏa dân cư sống tại khu vực Thượng thành. Hóa ra, trong bao nhiêu năm, chúng bị bịt kín bởi những hộ dân trong khi xây dựng.

Ngồi nói chuyện, tôi và anh bạn cùng nhau thử đoán xem chức năng của những chiếc cổng này là như thế nào? Vợ anh ngồi bên nghe vậy tỏ ra vô cùng hào hứng. Chị rủ anh: Hay là hai vợ chồng mình đến tận nơi xem cho biết?

Tưởng đùa, không ngờ hai anh chị làm thật, giữa sự ngạc nhiên của tôi.

Những gì diễn ra khiến tôi nhớ lại một lần có dịp trò chuyện với Hồ Mỹ Liên Hanh (SN 1992), ủy viên Ban Chấp hành Hội Hướng dẫn viên du lịch Thừa Thiên - Huế. Hanh không chỉ đơn thuần là một hướng dẫn viên du lịch năng động. Gặp cô, tôi mới hiểu thêm: Đam mê về lịch sử là một đam mê kiểu “bản năng gốc” nhưng cần phải được “đánh thức” đúng cách.

Chú thích ảnh
Cận cảnh cổng thành mới được phát hiện. Ảnh: N.DO/Pháp Luật TP.HCM

Hanh kể với tôi rằng: từ nhỏ, cô đã được chú ruột là nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh đọc cho nghe những bài vè, những bài thơ về danh lam thắng cảnh Huế. Những cuốn sách viết về văn hóa - lịch sử Huế của nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh như Giữ hồn cho Huế, Đôi nét miền Trung... cũng đã khiến cho Hanh thích thú trong từng trang viết. Từ đó, ước mơ trở thành một hướng dẫn viên du lịch để góp phần quảng bá văn hóa - lịch sử của Huế đến với du khách cứ ngày một lớn dần trong tâm trí cô gái trẻ này.

***

Những năm gần đây, chúng ta hay nói tới việc người trẻ không còn hào hứng với môn lịch sử. Thật ra, đó là một câu chuyện dài.

Thời xưa, để “công thành danh toại”, người học phải “thập niên đăng hỏa” (mười năm đèn sách). Trong đó, việc ôn luyện kiến thức lịch sử rất quan trọng. Bởi thế, ca dao có câu: “Sĩ thì nấu sử sôi kinh/ Làm nên khoa bảng công danh để truyền”.

Nhưng thời đó đã qua rồi. Bây giờ, thực tế cuộc sống khiến phần nào các em không còn coi trọng vai trò của môn lịch sử đối với sự phát triển của xã hội, không nghĩ tới chuyện “Ôn cố tri tân”, coi vốn hiểu biết lịch sử là chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa tương lai. Chẳng phải bỗng dưng, mà cố GS Phan Huy Lê từng có lần nhận xét rằng lịch sử là môn học bị coi thường nhất trong các trường phổ thông.

Nhưng nhìn vào những câu chuyện tôi vừa kể, không khó để nói rằng lịch sử vẫn có sức hút với những người trẻ, miễn là nó được truyền tải một cách gần gũi, sống động và hấp dẫn qua những gì diễn ra xung quanh mình.

Mọi thứ không nên chỉ dừng ở việc môn Lịch sử cần phải bỏ lối dạy học theo kiểu đọc - chép theo sách giáo khoa. Đó còn phải là việc các em học sinh cần được tiếp cận với kiến thức lịch sử theo phương pháp và hình thức sinh động hơn.

Tôi chợt nhơ đến buổi nói chuyện về “Di tích Kinh thành Huế qua nhật ký nghiên cứu Huế” của nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh vào đầu năm 2019. Ở đó, có một nhà nghiên cứu đề xuất tỉnh Thừa Thiên - Huế nên có một cuốn sách giáo khoa chuyên giảng dạy về lịch sử - văn hóa Huế dành cho các em học sinh. Đó là một đề xuất hay và cần sớm được nghiên cứu để đưa vào thực tiễn.

Hoặc 20 tập phim Nàng thơ xứ Huế với cảnh chùa chiền, đền đài, Làng cổ Phước Tích, Nhà vườn An Hiên… ở Huế đã được chiếu trên các chuyến bay nội địa, quốc tế của hãng hàng không Vietnam Airlines và cả kênh KBS World Hàn Quốc. Nếu được trình chiếu trong những giờ học bổ trợ, hẳn học sinh tại Huế sẽ không khó để hiểu thêm văn hóa, lịch sử của quê hương mình.

Nhiều khi, tình yêu với lịch sử nhiều khi được bắt đầu một cách tự nhiên và sinh động như thế.

Văn Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm