Góc nhìn 365: 'Khoảng cách' của bích họa

20/07/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá

"Rà soát lại các bức bích họa gây tranh cãi tại làng Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ). Hình ảnh nào chưa phù hợp cần trao đổi với phía họa sĩ để điều chỉnh, thậm chí vẽ lại nếu gây tác động không tốt" - đó là yêu cầu được Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam đưa ra đầu tuần qua.

Câu chuyện ấy gắn với những tác phẩm mới xuất hiện tại "làng bích họa Tam Thanh" từ 3 tháng qua. Và ít nhiều, đang tồn tại một khoảng cách ở đây, giữa góc nhìn của người dân và một số du khách so với quan điểm từ người sáng tác.

Vắn tắt, trong gần 150 bức tranh mới xuất hiện tại Tam Thanh (vẽ trên tường, thuyền thúng, chum vại…), một số trường hợp bị cho là kỳ quặc, xấu xí hoặc thiếu bản sắc của người dân vùng biển.

Góc nhìn 365: 'Khoảng cách' của bích họa - Ảnh 1.

Một trong những bức tranh người dân cho rằng khó hiểu, không hiểu vẽ bò hay trâu (?!). Nguồn: Báo Văn hoá

Hầu hết các bức bích họa này đã xuất hiện trên mạng xã hội. Xem qua, dễ nhận thấy, chúng có phần trừu tượng so với cách hiểu của khán giả bình thường. Như lời những người dân địa phương - và cả của cộng đồng mạng - đó là cảnh "bò không ra bò, thuyền không ra thuyền", là những nhân vật "không rõ đàn ông hay phụ nữ" và khiến nhiều du khách phải… căng óc ra suy nghĩ trước khi chụp ảnh check-in.

Như chia sẻ từ tác giả của một bức bích họa bị phản ứng, anh vẽ vậy vì muốn tạo sự khác biệt so với nhiều bức bích họa na ná nhau tại đây, đồng thời còn hướng tới những du khách quốc tế, vốn có thể quen với phong cách này.

Góc nhìn 365: 'Khoảng cách' của bích họa - Ảnh 2.

Những bức tranh bích họa tô điểm cho làng, nhưng chính người dân lại thấy xa lạ. Nguồn: Báo Văn hoá

Nhưng cần nói thêm: Những bức bích họa này đều được thực hiện miễn phí và tự nguyện - khi các họa sĩ tự nguyện tới đây bỏ thời gian và họa phẩm để sáng tác theo lời mời của địa phương (được hỗ trợ đi lại và ăn nghỉ). Bởi thế, ở mức độ nhất định, sự đón nhận thiếu tích cực từ người xem không chỉ gây ảnh hưởng tới tự ái nghề nghiệp, mà còn khiến họ buồn vì nhiệt tình của mình chưa mang lại kết quả.

***

"Làng bích họa Tam Thanh" xuất hiện từ năm 2016 theo một dự án của Hàn Quốc và lập tức trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, sau khi những bức bích họa đã mang lại một gam màu mới cho làng chài ven biển này. Để rồi rất nhanh, trào lưu "làng bích họa" cũng nở rộ tại nhiều vùng quê khác, như các trường hợp tại làng Cảnh Dương (Quảng Bình), Thanh Thủy (Quảng Ngãi), Tam Hải (Quảng Nam), Hải Châu (Đà Nẵng)…

Nhưng phải nhắc lại, từ xu thế ấy, các chuyên gia cũng từng cảnh báo về sự thiếu hoàn thiện ở một số trường hợp - khi bích họa có chất lượng chưa đủ tốt, hoặc xa lạ với không gian và bối cảnh nơi chúng được đặt vào. Bởi, đặc trưng của bích họa là sự dung dị, phóng khoáng và giàu màu sắc, ít nặng về hàn lâm học thuật, có thể truyền thông điệp, cảm xúc đến người xem một cách nhanh chóng.

Đặc biệt, là loại hình mỹ thuật gắn với cộng đồng, bích họa cũng luôn cần có sự kết nối với văn hóa bản địa, với vùng đất và con người nơi nó đang tồn tại, để từ đó tạo ra sự tương tác về nghệ thuật.

Câu chuyện ở làng bích họa Tam Thanh nên được nhìn như một sự cố đáng tiếc, khi nhiệt tình của những người sáng tạo chưa gặp được điểm chung từ phía tiếp nhận. Xa hơn, nó đặt ra một vấn đề nghiêm túc: Đã đến lúc, trong dòng chảy của mình, tranh bích họa nên được nghiên cứu và "chuẩn hóa" về những gợi ý sáng tạo cho từng không gian đặc thù. Đồng thời, sự tương tác, chia sẻ giữa các bên trước khi sáng tạo cũng cần được chú ý như một điều kiện để tìm tới sự cộng hưởng về hiệu quả.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm