Góc nhìn 365: 'Hồi sức' cho văn hóa

15/02/2022 18:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, những rạp chiếu phim tại Hà Nội vừa trải qua chuỗi ba ngày nhộn nhịp sau nhiều tháng tạm dừng hoạt động vì bệnh dịch.

Hà Nội sẽ mở lại rạp chiếu phim, sân khấu biểu diễn từ 10/2

Hà Nội sẽ mở lại rạp chiếu phim, sân khấu biểu diễn từ 10/2

Rạp chiếu phim, các cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hoá nghệ thuật ở Hà Nội được mở cửa đón khách trở lại từ ngày 10/2.

Như những gì được ghi nhận, ngay từ ngày chính thức mở cửa đầu tiên (10/2), nhiều cụm rạp lớn trên thành phố đã lập tức chứng kiến cảnh tấp nập từ những dòng người đổ tới mua vé cho mọi suất chiếu trong ngày, chứ không chỉ “giờ vàng”.

Sau một chuỗi thời gian chờ đợi, khán giả Thủ đô đang “đói” nhu cầu giải trí - đó là điều có thật. Bởi thế, dù thời tiết Hà Nội mấy ngày qua khá lạnh và có mưa phùn, cảnh “tan băng” ở các rạp chiếu phim vẫn diễn ra như từng được dự đoán.

Và ở hướng ngược lại, là thị trường chiếm 30% doanh thu phòng vé Việt Nam, các cụm rạp tại Hà Nội - cũng như các nhà sản xuất - đã rất kỳ vọng và chờ đợi thời điểm này sau nhiều tháng ảm đạm kéo dài. Với những gì được chia sẻ, việc mở cửa các rạp chiếu tại miền Bắc được trông đợi sẽ dần tạo ra sự ổn định để giúp thị trường phim Việt dần phục hồi sau nửa năm, và trở lại thời điểm như trước khi dịch bệnh bùng phát sau khoảng 1 năm, kể từ lúc này.

Chú thích ảnh
Khán giả tại rạp chiếu phim

Như thế, việc mở cửa các rạp chiếu không chỉ là câu chuyện của riêng… giới nghiền phim. Đó là sự tái khởi động của một phần quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, vốn đang được chúng ta trông đợi như một ngành kinh tế của tương lai tại các đô thị lớn.

Nhìn từ cách ấy, sẽ không có gì khó hiểu khi ít ngày trước Tết Nhâm Dần 2022, sau kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp hoạt động chiếu phim tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, chỉ đạo xử lý việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim trên toàn quốc, bảo đảm thống nhất, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Và xa hơn, bên cạnh điện ảnh, nhiều lĩnh vực khác trong đời sống văn hóa phía Bắc cũng đã và đang lên kế hoạch “phá băng” khi dịch bệnh dần bị đẩy lùi. Đơn cử, ở mảng sân khấu, Liên đoàn Xiếc và Nhà hát Cải lương Việt Nam từ mùng 6 Tết đã công diễn vở kịch - xiếc tổng hợp “Thượng thiên thánh Mẫu” sau gần 1 năm yên ắng vì bệnh dịch. Rồi, từ ngày mai 16/2, lễ hội chùa Hương sẽ chính thức mở cửa, với lượng khách dự kiến đạt tới con số 10.000 lượt ngay trong ngày đầu. Rồi, tuần trước, thành phố Hà Nội cũng vừa ban hành kế hoạch khôi phục tất cả các hoạt động du lịch của thành phố từ giữa năm 2022…

Rõ ràng, sau những chuỗi ngày u ám vì bệnh dịch, dòng chảy văn hóa các tỉnh phía Bắc đang dần hồi sức trở lại, cả từ nhu cầu tự thân và cả từ nỗ lực của những người trong cuộc. Nó gắn với một thực tế mà nhiều chuyên gia từng khẳng định, rằng văn hóa luôn là lĩnh vực chịu ảnh hưởng đầu tiên và phục hồi sau cùng trong mỗi cuộc khủng hoảng. Trong quãng thời gian tưởng như “ẩn mình” ấy, dòng chảy ngầm văn hóa vẫn sẽ được tích tụ, chờ dịp xuất hiện với những màu sắc mới để lấy lại vai trò là động lực phát triển xã hội của mình.

Sẽ còn nhiều bài toán cần được tính đến. Về cách mà văn hóa thích nghi với một trật tự “hậu Covid-19”. Về những thay đổi của con người trong cách tiếp nhận nó, sau một thời gian đã hình thành những thói quen và suy nghĩ mới từ việc sống chung cùng dịch bệnh. Về những chiến lược ngắn hạn, cũng như dài hạn, để hỗ trợ văn hóa trong một giai đoạn đặc biệt trước mắt. Nhưng, hãy cứ giữ cho mình sự hào hứng và lạc quan, khi chúng ta đã có những ngày dài trông chờ cuộc “hồi sức” đang bắt đầu ấy.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm