Góc nhìn 365: Để không còn những 'nấm mồ tư liệu'

30/11/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đến khi nào, thay vì qua các trung tâm lưu trữ tìm kiếm dữ liệu, cộng đồng có thể ngồi nhà, sử dụng công nghệ để tiếp cận thông qua các dịch vụ cung cấp? Câu hỏi ấy được đặt ra trong cuộc tọa đàm “Chuyển đổi số trong lưu trữ: Không còn khoảng cách” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức vào tuần trước.

Triển lãm 3D tài liệu lưu trữ 'Giáo dục triều Nguyễn - vang vọng còn lại'

Triển lãm 3D tài liệu lưu trữ 'Giáo dục triều Nguyễn - vang vọng còn lại'

"Giáo dục triều Nguyễn – vang vọng còn lại”, đây là chủ đề của Triển lãm 3D tài liệu lưu trữ khai mạc sáng 3/9, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ) phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Cần nhắc lại, trong quá khứ, việc tiếp cận các tư liệu đặc thù của ngành lưu trữ không hề dễ. Như cách nói vui của nhà sử học Dương Trung Quốc tại tọa đàm, đã có lúc ông và đồng nghiệp dùng khái niệm “nấm mồ tư liệu” để nói về sự khép kín diễn ra suốt nhiều năm ấy.

Thực chất, ý thức được nhu cầu của cộng đồng, ngành lưu trữ trong những năm trở lại đây đã mở khá nhiều cuộc triển lãm để giới thiệu những tư liệu quý từ thời Pháp thuộc hoặc thời Nguyễn và được hưởng ứng rất tích cực.

Nhưng, phải tới 2 cuộc triển lãm trực tuyến gần nhất Giáo dục triều Nguyễn - Vang vọng còn lạiHồ Gươm - Giao lộ Đông Tây, sự hỗ trợ từ mạng internet và công nghệ mới thật sự mở ra cho người xem những “chân trời mới”, khi từ mọi địa điểm tại Việt Nam, người ta đều có thể thoải mái tiếp cận những tư liệu đặc biệt này.

Chú thích ảnh
Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Và, nếu nhìn vào một kho tư liệu khổng lồ mà các trung tâm lưu trữ, cũng như các thư viện chuyên ngành trên cả nước đang lưu giữ, rõ ràng những gì được khai thác rộng rãi mới chỉ là một phần rất nhỏ của nguồn tài nguyên ấy.

Bởi thế, ngoại trừ những tư liệu đặc thù (chẳng hạn liên quan tới bí mật quốc gia), sẽ là lý tưởng nếu kho dữ liệu đặc biệt này từng bước được số hóa và chia sẻ miễn phí, hoặc qua các dịch vụ cung cấp có thu phí, tới cộng đồng. Không chỉ để thỏa mãn trí tò mò, hay phục vụ những độc giả có nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu hoặc tự nâng cao kiên thức, bản thân nguồn dữ liệu ấy cũng có thể được khai thác theo vô vàn cách khác nhau để tạo ra những sản phẩm văn hóa phục vụ công nghiệp sáng tạo...

Thực tế, câu chuyện này đã được thực hiện khá nhiều tại các nước phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng nổ, những không gian nghiên cứu - hưởng thụ văn hóa này lại càng có xu hướng phát triển, thay vì việc phụ thuộc vào không gian truyền thống của các bảo tàng, thư viện… như từng có.

Nhưng, công nghệ mới chỉ là bước đi đầu tiên trong lĩnh vực này. Như phân tích của nhiều chuyên gia, phần còn lại của câu chuyện sẽ phụ thuộc vào các bài toán về nhân lực, kinh phí và đặc biệt là hướng đi hợp lý trong việc chia sẻ, kết nối và thống nhất một nguồn dữ liệu khổng lồ.

Không phải ngẫu nhiên, mà nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo: Nếu vì những lý do nhất định như thiếu kinh phí, thiếu chuyên môn (hoặc thậm chí là sự nhiệt tình), nhiều tư liệu đặc biệt có thể bị số hóa một cách... sơ sài và cứng nhắc, từ đó giảm đi rất nhiều ý nghĩa và giá trị đặc thù. Hoặc, ở một góc độ khác, việc nắm giữ bản quyền của các tư liệu số hóa cũng cần được tính toán hợp lý, để vừa có thể thu hút được nguồn lực và nhiệt huyết của các đơn vị có chuyên môn, vừa không trở thành rào cản lớn với cộng đồng có nhu cầu sử dụng.

Nhưng, với tiềm năng - cũng như nhu cầu hiện có, chúng ta hãy cứ tin rằng theo thời gian, những kho tư liệu lưu trữ khổng lồ ấy rồi cũng sẽ tới lúc được khai thác đúng với giá trị của mình.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm