04/07/2023 17:30 GMT+7 | Văn hoá
Ngày đầu tuần này, khán giả nhận tin buồn: nhà báo, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn qua đời sau thời gian bạo bệnh. Ông sinh năm 1941, quê ở Nam Định. Nhưng tên tuổi ông gắn liền với một dòng sông mà hạ nguồn của nó là máu thịt miền Tây Nam bộ: dòng Mê Kông.
Trên vai trò biên kịch và viết lời bình, sự nghiệp của nhà báo Trần Đức Tuấn có thể kể đến những bộ phim tài liệu như Trung Hoa du ký (23 tập), Ký sự hỏa xa (75 tập), Hành trình theo chân Bác (110 tập), Huyền bí sông Hằng (50 tập)… Nhưng nổi tiếng nhất là 80 tập Mê Kông ký sự.
Trong ký ức của nhiều khán giả xem truyền hình, Mê Kông ký sự là một bộ phim huyền thoại. Vào cái thời mà mạng xã hội lẫn các kênh truyền hình chưa đa dạng, một bộ phim đi đến những nơi thâm sơn cùng cốc, khám phá những địa danh mà đa phần khán giả cả đời chưa đặt chân tới… quả xứng đáng gọi là hiện tượng.
Nhất là khi hiện tượng đó sau khi trình chiếu trên truyền hình, thì bán được hàng chục ngàn bản đĩa. Với định kiến tồn tại ở Việt Nam, phim tài liệu chủ yếu phục vụ mục đích tuyên truyền, quảng bá, việc một bộ phim có yếu tố thương mại tốt, được đông đảo khán giả yêu thích, quả là hiếm có. Cho đến nay, e rằng chưa có bộ phim tài liệu dài tập nào đạt được thành tích như vậy.
Nhưng nếu diễn ra thường xuyên thì chẳng gọi là kỳ tích. Những bộ phim tài liệu chiếu trên truyền hình vắng bóng dần. Ngày nay, chủ yếu là các "ký sự" du lịch do những YouTuber, TikToker… thực hiện, phát trên các nền tảng mạng xã hội, có lượt xem, theo dõi rất đáng nể.
Sự ra đi của nhà biên kịch Trần Đức Tuấn nhắc nhở khán giả về một thời mà nhiều người được đi du lịch qua… ti vi với những bộ phim tài liệu kỳ công và phần lời bình đậm chất văn chương. Dẫu ngày nay, các thước phim du lịch do cá nhân thực hiện có màu phim đẹp hơn, trải nghiệm mang tính cá nhân hơn, sản xuất nhanh hơn, nhưng dễ thấy nhất là hàm lượng kiến thức còn nông, thi thoảng vẫn có những ý kiến bình luận chưa thật sự khách quan và nhất là việc dùng ngôn ngữ để diễn tả còn hạn chế.
Những lúc như thế, lại nhớ đến những bộ phim tài liệu dài tập công phu, nghiêm chỉnh nhưng vẫn mang tinh thần tài tử của những lữ khách lên đường khám phá. Những bộ phim tài liệu nhiều năm sau ta vẫn có thể xem lại, dẫu địa điểm xuất hiện trên phim ta đã đi qua, dẫu vật đổi sao dời nhiều thứ không còn nguyên như trên phim nữa.
Có thể ở thời đại mới, những phim tài liệu ký sự dài hàng chục tập không còn phù hợp nữa. Nhưng nhìn số lượt xem, theo dõi cũng như sức ảnh hưởng nhất định của những người sáng tạo nội dung mảng du lịch, tại sao ta không nghĩ đến những bộ phim tài liệu ký sự chỉn chu, chuyên nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện đại nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp tinh thần của những thước phim xưa?
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất