29/04/2021 07:04 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Rất nhiều tỉnh, thành đã dừng bắn pháo hoa trong dịp nghỉ lễ 30/04 và 01/05 tới đây. Đà Nẵng, địa phương liên quan mật thiết đến “từ khóa” pháo hoa, vừa qua cũng đã ra thông báo dừng Lễ hội pháo hoa quốc tế, vốn là thương hiệu ấn tượng của thành phố trong nhiều năm qua. Có nghĩa, sẽ không có những chùm pháo hoa đẹp miên man, bất tận bên sông Hàn trong dịp này.
Còn Chủ tịch UBND TP.HCM, Nguyễn Thành Phong thì biểu đạt về quyết định dứt khoát dừng bắn pháo hoa bằng câu nói: “lỡ có chuyện gì thì ân hận không kịp!”.
Không có gì khó hiểu vì sự thay đổi ấy, khi tất cả gắn với sứ mệnh: Phòng chống dịch Covid-19.
Thực ra, từ dịp Tết nguyên đán 2021, người dân cả nước đã quen với những đêm vui không cần đến pháo hoa, sau khi có Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 ngày 8/2/2021, trong đó có nội dung yêu cầu các tỉnh "dừng bắn pháo hoa chào mừng năm mới".
Thông báo đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong dịp đón năm mới Tân Sửu, bởi trong bối cảnh dịch dã khó lường, người dân tụ tập xem pháo hoa rất dễ làm dịch bệnh lây lan, chưa kể còn rất tốn kém. Chính sự bình yên của cả nước giữa "đêm trường" đại dịch đang lăm le nhấn chìm cả thế giới mới là những chùm pháo hoa đẹp nhất.
Ai cũng cảm thấy tự hào khi một đất nước còn nhiều khó khăn như Việt Nam lại “chiến đấu” với Covid-19 cừ như thế. Đấy chính là “đề tài” rất đáng được nghiên cứu để tìm ra được những bài học lớn nhằm thúc đẩy các lĩnh vực khác vượt giới hạn, sánh vai cùng bạn bè năm châu. Muốn thế, trước hết chúng ta phải duy trì được “phong độ” tốt trong cuộc trường chinh chống dịch.
Sở dĩ nói vậy bởi diễn biến của dịch Covid-19 là “không biết đâu mà lần”. Minh chứng: Một số nước trên thế giới, những tưởng đã ngăn cản được đại dịch, ai ngờ chỉ trong nháy mắt, dịch bệnh lại hoành hành trở lại.
Ngăn ngừa sự lây lan dịch từ nước ngoài vào Việt Nam là một nhiệm vụ không đơn giản. Và ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ý thức của người dân cũng có vai trò quyết định trong câu chuyện này. Không thể phủ nhận khá nhiều người còn rất chủ quan, phải nói là “liều mạng” giữa mùa dịch, như ta đã thấy.
Cũng phải nói thêm, Việt Nam là đất nước của lễ hội, lại đứng trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, và chuẩn bị bước vào Hè, nên các địa phương cũng có rất nhiều chương trình chờ triển khai để kích cầu du lịch. Trước nguy cơ dịch bệnh, khá nhiều chương trình lễ hội đã bị tạm hoãn, nhưng nhu cầu “xách ba lô lên và đi” vẫn rất cao. Hôm rồi tôi đi tắm biển, thấy mấy chị em bàn tán rằng: “bên Ấn Độ họ liều thật, chết nhiều thế mà dân tình vẫn đi hành hương”. Tôi tủm tỉm cười vì nghĩ dân ta tụ tập đi lễ cũng ngang phè, báo chí tốn không biết bao nhiều giấy mực.
Tôi vẫn tin Việt Nam sẽ tiếp tục kế thừa những thành quả đạt được trong cuộc trường chinh chống dịch Covid-19. Dịp lễ này, tôi sẽ lại đưa vợ con về thôn quê để tất cả tham gia gặt lúa, trải nghiệm vẻ đẹp thanh bình, an toàn của ruộng nương yêu dấu. Không chỉ dịp nghỉ lễ mà bất cứ lúc nào chúng ta cũng đừng quên rằng, cuộc sống vẫn đang ở trạng thái "bình thường mới". Do đó đừng quên thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế, để phòng chống dịch Covid-19.
Tôi cũng rất mong được đón tiếp bạn bè đến với thành phố của tôi - Đà Nẵng vào một ngày gần nhất để xem trình diễn pháo hoa quốc tế, nhưng phải là khi Việt Nam và thế giới đã an toàn, đã kiểm soát được dịch bệnh. Ngày đó chắc chắn thật rực rỡ.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất