Chuyên gia Lê Thế Thọ: “Không thể đổ hết trách nhiệm cho HLV Falko Goetz”

25/11/2011 11:16 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Với sự am tường về nền bóng đá của nước Đức, trước SEA Games 26, trên TT&VH, chuyên gia Lê Thế Thọ đã có những phân tích về ĐT U23 và triết lý bóng đá của HLV Falko Goetz. Sau thất bại thảm hại của đội bóng ấy, khi tất cả đang như một mớ hỗn độn, một lần nữa chủ nhân của danh hiệu “Cầu thủ vàng” của bóng đá VN cảm thấy mình có trách nhiệm phải đóng góp ý kiến để làm rõ nhiều vấn đề đang gây bức xúc.

HLV Falko Goetz không phải là thánh

Trước hết, cần phải sòng phẳng rằng khi đặt bút ký vào bản hợp đồng với VFF, HLV Goetz hiểu rất rõ nhiệm vụ của ông. Nay, đối chiếu với thất bại thảm hại của U23 VN tại SEA Games 26, rõ ràng HLV Goetz đã không hoàn thành nhiệm vụ nên nếu ông có phải ra đi thì đó cũng là điều hết sức bình thường trong bóng đá, bởi điều khoản trong hợp đồng như thế nào thì cứ đối chiếu như vậy mà làm.

Nhưng tôi vẫn cứ cảm thấy tiếc cho HLV người Đức. Để tôi giải thích cho các bạn nghe nhé, ở nước Đức, không hề đơn giản chút nào nếu một HLV đạt tới trình độ và bằng cấp để làm việc tại Bundesliga. Các bạn cũng thấy sự nghiêm túc, tính chuẩn mực trong công việc của người Đức ra sao,  nên có thể khẳng định rằng Falko Goetz là một HLV được đào tạo rất bài bản cả về lý luận và thực tiễn, có năng lực thực thụ qua việc ông từng dẫn dắt các CLB tại Bundesliga và đạt được những thành công đáng kể (hạng 4 mùa giải 2004-2005, hạng 6 mùa giải 2005-2006 cùng CLB Hertha Berlin-PV). Chưa có một HLV nào tới VN làm việc sở hữu bảng thành tích ấn tượng như vậy nên ngay cả khi ĐT U23 đã thất bại, theo tôi cũng không nên cho rằng thất bại ấy chỉ là bởi chúng ta thuê một vị HLV “không biết gì về bóng đá” tới làm việc.


Theo chuyên gia Lê Thế Thọ, vấn đề mà HLV Goetz phải đối mặt không chỉ là những câu chuyện xoay quanh một tập thể chừng 30 con người, nó còn là sức ì, là sự yếu kém của cả một nền bóng đá. Ảnh: Quốc Khánh

Thật kỳ lạ với việc có khá nhiều ý kiến phê phán cách HLV Goetz đề ra những quy tắc nghiêm ngặt trong đội bóng của mình hoặc đơn giản nhất là chuyện cho các cầu thủ tập kín... Tôi buộc phải nói rằng những chuyện như vậy ở bóng đá thế giới, nhất là bóng đá Đức, là hết sức bình thường. Bóng đá chuyên nghiệp đòi hỏi tất cả các bộ phận tham gia phải thực hiện một sự chuyên môn hóa cao độ. Các bạn có tin là ở nước Đức, nếu không có việc gì, thậm chí người ta còn cấm cả các cán bộ thuộc những bộ phận khác của CLB tới xem tập không?

Phân tích về thất bại của U23 VN, tôi nghiêng theo chiều ngược lại. Hãy thử nhìn xem nền bóng đá của chúng ta đang ở đâu? Cầu thủ thì trình độ yếu quá, ngay cả những động tác kỹ thuật cơ bản nhất cũng không thực hiện chuẩn thì làm sao đòi hỏi những điều to tát hơn được. Tư cách đạo đức của cầu thủ chúng ta hiện tại cũng đang có vấn đề trầm trọng, không đá bóng được thì phạm lỗi thô bạo, nếu có “giải” kém fair-play nhất tại SEA Games 26 thì tôi nghĩ U23 VN sẽ là ứng cử viên sáng giá. Tinh thần thi đấu thì quá bạc nhược, thua hẳn các thế hệ cha anh ngày trước. Những ngày này, dư luận đang hồ nghi về “bóng ma Bacolod” sau màn thể hiện của U23 VN tại SEA Games 26, là người đã từng nếm trải không ít thất bại và thất vọng cùng bóng đá VN, tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng sớm nhập cuộc để làm rõ vấn đề bởi hình ảnh của một ĐT cấp QG còn mang theo hình ảnh của dân tộc.

Chỉ nói vài điều sơ sơ thế thôi đã thấy rằng nền bóng đá của chúng ta đang có những dấu hiệu tụt hậu và lệch lạc trầm trọng. Vấn đề mà HLV Goetz phải đối đầu khi bắt tay vào công việc của mình không chỉ là những câu chuyện xoay quanh một tập thể chừng 30 con người, nó còn là sức ì, là sự yếu kém của cả một nền bóng đá. Trước khi HLV người Đức tới VN, bóng đá VN đã bắt đầu xuống dốc. Falko Goetz không phải là thánh để thay đổi cả một nền bóng đá.

Cách mạng, và như thế nào?

Không cần nói chắc nhiều người cũng đồng tình rằng nền bóng đá của chúng ta cần phải được đại phẫu.

Tôi xin bắt đầu bằng một ví dụ nhỏ nhất như sau. Chúng ta có Hội đồng HLV QG và không thiếu những “bộ não” bóng đá thực thụ. Nhưng thử hỏi trong suốt quá trình ĐT U23 VN chuẩn bị cho SEA Games 26, những người được gọi là chuyên gia ấy có bao giờ nhận được một lời đề nghị từ phía VFF, rằng VFF cần có sự tham mưu, tư vấn của những người có chuyên môn? Tôi và các đồng nghiệp của mình rất đau lòng trước thực tại, các ban bệ được lập ra và những người như chúng tôi chỉ ngồi đó giống như làm cảnh, dù nhiệt tình đóng góp chưa bao giờ phai nhạt. Đó quả là một cách làm việc có phần quan liêu và hậu quả là bây giờ, tất cả giống như một mớ hỗn độn với hàng tá câu hỏi không có lời đáp.

Phàm đã là bóng đá chuyên nghiệp, chuyện thưởng phạt phải nghiêm minh. Anh có công thì được khen thưởng, anh không hoàn thành trách nhiệm hoặc sai phạm thì phải bị xử lý, kỷ luật. Tôi còn nhớ tại SEA Games 2007, U23 VN cũng ở trong một tình cảnh giống như bây giờ, nhưng sau đó đâu lại hoàn đấy. Trách nhiệm của những người đứng đầu ở đâu? Anh là trưởng đoàn một ĐT cấp QG chẳng nhẽ lại vô can sau bao lần U23 VN thi đấu như thế? Dư luận cũng đã lên tiếng quá nhiều rồi, tâm lý cào bằng, né tránh, sợ trách nhiệm đã làm hại bóng đá VN.   

Sau những thất bại liên tiếp và một quá trình đi xuống có hệ thống của bóng đá VN vài năm qua, vấn đề có lẽ đã vượt khỏi phạm vi công việc của VFF và theo tôi cũng không nên để tự bản thân VFF tìm cách giải quyết nữa.  Phải có thêm tiếng nói và sự tham gia chỉ đạo quyết liệt hơn từ Bộ VH-TT&DL, thậm chí là từ Chính phủ mới mong tạo ra một bước đột phá đối với bóng đá VN.

Đức Hoàng(ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm