Góc Hồng Ngọc: Luật chơi và tầng văn hóa

11/04/2013 11:03 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Phản đối trọng tài một cách thiếu văn hóa, dọa bỏ cuộc hay bỏ cuộc vì không hài lòng với một quyết định nào đó đã trở thành phổ biến trong bóng đá Việt Nam. Bình luận của cây bút Hồng Ngọc.

Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! V-League lại dậy sóng vì sự cố trọng tài, và đội Thanh Hóa đang dọa bỏ cuộc sau khi từ Ban tổ chức giải tới VPF và VFF đều đưa ra kết luận trọng tài đúng sau khi mổ băng, trái với quan điểm của lãnh đạo đội Thanh Hóa. Phải chăng trọng tài đang là vấn đề nghiêm trọng của bóng đá Việt Nam?

Hồng Ngọc: Xã hội nào thì nền bóng đá ấy. Nền bóng đá nào thì trọng tài ấy. Nên không có vấn đề riêng nào là nghiêm trọng ở đây, mà những thứ còn lại là không nghiêm trọng cả. Tôi không cho rằng trọng tài có thể phát triển trình độ một cách lành mạnh trong một nền bóng đá hay một xã hội không lành mạnh, trong tình trạng họ không được tôn trọng đúng mức về mặt nghề nghiệp, và mỗi sai lầm của họ đều bị nhìn nhận như là một vấn đề nghiêm trọng, thậm chí những quyết định còn gây tranh cãi đã bị xỉ vả, tẩy chay như trường hợp trọng tài Phùng Đình Dũng và các trợ lý trong trận đấu Thanh Hóa – Xuân Thành Sài Gòn gần đây.

Chúng ta phải chia sẻ một xuất phát điểm rõ ràng: Đã là con người thì không thể tránh khỏi sai lầm, và trọng tài cũng là con người. Họ phải ra quyết định trong khoảnh khắc, thiếu sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị. Sai lầm, vì vậy, là một phần của cuộc chơi, và chúng ta phải chấp nhận nó. Sai lầm chỉ là vấn đề khi nó mang tính hệ thống, và việc phải làm khi đó là sửa chữa lỗi hệ thống hay quy trình để tránh những sai lầm đó lặp lại. 



Thanh Hóa có nhiều "va chạm" với trọng tài nhất mùa giải 2013. Ảnh: V.S.I

Cách tránh sai lầm phổ biến nhất là nhờ việc kiểm tra, kiểm định. Nhưng trong khuôn khổ luật bóng đá hiện tại, chưa có quy trình kiểm tra lại quyết định của trọng tài trong trận đấu, vì bảo đảm tính liên tục của nó, mà các phương tiện kỹ thuật hiện đại vẫn chưa trợ giúp thỏa đáng. Nên cách duy nhất còn lại là tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện trọng tài. Bóng đá Việt Nam từng có những trọng tài giỏi ở cấp khu vực, nhưng thật “không may” là khi điều khiển giải đấu nội địa, không có trọng tài nào chưa từng bị phản đối ầm ĩ cả.

Anh đang chuyển hướng phê phán từ trọng tài sang cách ứng xử của các đội bóng thì phải?

Tôi không nói rằng cách ứng xử của các trọng tài Việt Nam trên sân là tốt đẹp. Tôi đã từng nghe những trọng tài danh tiếng của ta chửi, dọa cầu thủ trên sân như kiểu giang hồ, và dĩ nhiên họ cũng bị cầu thủ, HLV, hay cả khán giả chửi lại theo cách đó.

Chửi là vấn đề về tầng văn hóa. Đôi khi ta có thể mất kiểm soát và buông ra tiếng chửi, đó là điều khó tránh vì chúng ta không phải là thánh. Nhưng khi nó thành câu cửa miệng, thành thứ “ngôn ngữ giao tiếp” thì chúng ta không thể giấu giếm rằng mình ở một tầng văn hóa thấp về mặt ứng xử.

Thế không hài lòng, thậm chí bất mãn mà không chửi thì nên bỏ cuộc chăng? Hay nếu các ông bầu cứ thấy có dấu hiệu tiêu cực là dọa b

Bỏ cuộc thì không chỉ là vấn đề về tầng văn hóa ứng xử nữa, mà là vấn đề ở tầng văn hóa về nhận thức và thái độ, thậm chí về tổ chức xã hội.

Trước mỗi cuộc chơi đều phổ biến luật lệ. Anh đồng ý tham dự là anh chấp nhận luật lệ đó. Anh có thể đóng góp cho luật lệ mỗi lúc một tốt hơn (và phải thuyết phục được đa số rằng như thế là tốt hơn thì mới có sửa đổi luật lệ). Mỗi cuộc chơi là do nhiều bên, nhiều người đóng góp. Việc đồng ý tham dự cuộc chơi đã định hình luật lệ là anh cam kết chơi cùng nó, bảo vệ nó, phát triển nó, và sự phát triển của cuộc chơi giúp các bên, những người chơi hưởng lợi chung lâu dài.

Khi anh bỏ cuộc nghĩa là anh đã phá vỡ cam kết, không tôn trọng luật chơi và không tiếp tục đóng góp cho cuộc chơi đó nữa.

Trên phương diện cá nhân thuần túy, việc từ bỏ một cuộc chơi dễ được chấp nhận hơn, thậm chí được tôn trọng với các xã hội đề cao tự do cá nhân. Nhưng một quyết định mang tính cá nhân kéo cả một tập thể bỏ cuộc thì đó là vấn đề về văn hóa tổ chức xã hội. Anh không hài lòng thì có quyền từ chức, chứ không có quyền kéo cả một tập thể bỏ cuộc cùng anh. Đó là sự vô trách nhiệm. Vì quyết định bỏ cuộc như thế, nếu ứng xử một cách sòng phẳng, sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí loại vĩnh viễn khỏi cuộc chơi. Tức là anh không chỉ chấm dứt việc đóng góp vào cuộc chơi chung, mà còn hủy hoại một đội bóng, tước đoạt công việc của rất nhiều người.

Đồng ý với anh rằng nền bóng đá và văn hóa của chúng ta còn ở nấc thấp so với bóng đá và văn hóa châu Âu. Nhưng có nguyên nhân lịch sử, xã hội nào không khiến cho việc bỏ cuộc hay dọa bỏ cuộc trong bóng đá Việt Nam dễ dàng như thế, trong khi ở châu Âu chúng ta không hề thấy?

Nền văn hóa của chúng ta xuất phát là văn hóa tiểu nông, vốn hầu hết chỉ giới hạn trong làng, xã cả về hoạt động sản xuất và giao tiếp. Vì vậy, con người thấy “thế giới” nhỏ bé, và cứ nghĩ mình là trung tâm của thế giới. Chúng ta rất dễ dàng nghe kiểu nói chuyện “tôi là thế này, tôi là thế kia, chơi thì chơi, không chơi thì thôi” từ những người có xuất xứ tiểu nông. Thậm chí khi buôn bán mà họ nói với khách hàng những câu đại loại như “hàng của tôi có thế thôi, không mua thì đi chỗ khác”. Anh sẽ chẳng khó gặp những người buôn bán kiểu này ở miền Bắc hiện nay.

Vì phạm vi giao tiếp nhỏ nên con người không học cách gây dựng, chinh phục các quan hệ mới. Vì sản xuất tiểu nông thì mình thích thế nào cũng được quyền làm như thế (chỉ đến mùa thu hoạch mới hứng chịu), trong khi nền sản xuất lớn, đặc biệt là sản xuất công nghiệp theo dây chuyền, thì chỉ cần sự tùy tiện của một mắt xích, một cá nhân sẽ phá vỡ toàn bộ quy trình sản xuất. Nên con người trong các xã hội công nghiệp có ý thức và biết cách hợp tác với nhau hơn. Và sợi dây duy nhất móc nối họ với nhau đó là luật chơi chung và thái độ tôn trọng luật chơi chung. Họ truyền đạt thái độ đó cho thế hệ sau bằng giáo dục.

Những nhà lãnh đạo các đội bóng của chúng ta đa phần đều có xuất xứ tiểu nông như thế, nên không có gì lạ khi họ bỏ cuộc chỉ vì cuộc chơi không đúng như ý họ. Triển vọng này chắc còn kéo dài, nếu nền kinh tế, xã hội của chúng ta vẫn cứ bám vào kết cấu tiểu nông như hiện nay.

Tôi cũng muốn chú thích thêm rằng, tôi cũng lớn lên trong nền văn hóa ấy và từng có hầu hết đặc điểm như vậy, phải rất khó khăn để nhận biết và khắc phục nhưng loại bỏ triệt để là không thể. Những phê phán này là hệ quả của việc “phản tỉnh”, hay “tự giác ngộ” và “tự phê phán”, trong quá trình hòa nhập vào xã hội đô thị, truyền thông, và nhất là từ khi tham gia kinh doanh, chứ không phải là việc chủ ý phê phán người khác.
Cảm ơn anh về những luận giải như một sự chia sẻ!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm