Góc Hồng Ngọc: Khi đội Ý cần scandal để giãy giụa

10/06/2012 12:33 GMT+7 | Bảng C

(TT&VH) - Lúc người ta không có đủ đẳng cấp để chiến thắng, thì “đặt vào đất chết để giành sự sống” chính là một thuật của binh pháp Tôn Tử. Đội Ý đã chiến thắng ở World Cup 2006 theo cách đó. Nhưng nếu việc người ta cận kề cái chết trở thành thường xuyên, “đất chết” không còn đủ động lực để mang lại sự sống.

“Thói quen” giãy giụa trên scandal

Chức vô địch World Cup mà đội tuyển Ý giành được năm 1982 và 2006 có điểm gì chung? Họ đều không được đánh giá cao trước lúc dự giải, và nhiều cầu thủ chủ chốt đang ở tình thế nguy hiểm trong sự nghiệp khi bị điều tra những hành vi gian lận thể thao. Nhờ chiến thắng, những scandal đó đều nhanh chóng được khép lại theo cách nhanh gọn nhất, nhằm tha bổng cho những kẻ vừa lập công chuộc tội.

Dù nằm giữa thế giới phương Tây duy lý với sự phân biệt rạch ròi công tội, người Ý có vẻ thích cách tiếp cận kiểu Á Đông hơn, lấy công để xóa tội, đặt thủ thuật cao hơn phương pháp. Không phải ngẫu nhiên, người Ý tạo ra những sản phẩm thời trang bóng bẩy - dù là những chiếc túi xách hay những chiếc xe máy, hay thậm chí là xe thể thao - hơn là những sản phẩm có chất lượng đáng tin cậy.


Liệu Ý có làm nên chuyện khi bị dồn vào chân tường? - Ảnh Getty

Với bóng đá Ý, lối chơi không được nhắc đến nhiều, mà quan trọng nhất là chiến thuật. Đó là lý do họ không sản sinh ra những nhà tư tưởng bóng đá vĩ đại, dù họ sản sinh ra vô số những chiến thuật gia kiệt xuất. Người hiếm hoi mang trong mình tư tưởng bóng đá tạo ra ảnh hưởng lớn tới thế giới bóng đá là Arrigo Sacchi lại không có đất dụng võ sau thời kỳ hoàng kim ngắn ngủi với Milan.

Đó cũng là lý do bóng đá Ý không sản sinh ra những cầu thủ vĩ đại, dù thời nào họ cũng có những cầu thủ xuất sắc. Những cầu thủ lẽ ra có thể trở thành vĩ đại nếu như ở môi trường bóng đá lành mạnh hơn như Franco Baresi hay Paolo Maldini, thậm chí không bao giờ có cơ hội giành Qủa bóng Vàng châu Âu, vì họ phải nhường chỗ của sự thông minh và lịch lãm cho sự ranh mãnh và gian dối đã trở thành giá trị phổ biến của cả nền bóng đá.

Giãy giụa thế nào ở EURO này?

Nghi án dàn xếp tỷ số mới đây của bóng đá Ý lôi kéo cả những tuyển thủ hàng đầu vào cuộc, những người đã lập công chuộc tội chỉ mới 6 năm trước. Nhưng lần này EURO không phải là World Cup, và nếu là tội chồng tội thì công càng không đủ để cứu giúp những kẻ gian lận.

Và giãy giụa thế nào với những cầu thủ mà ở thời đỉnh cao 6 năm trước vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong đội tuyển Ý, nay đã qua sườn dốc lại đóng vai trò quan trọng như Di Natale, hay tới tận tuổi 27 mới được phát hiện như Nocerino? Và giãy giụa thế nào khi niềm hy vọng lớn nhất là Balotelli luôn sẵn sàng… giãy vào người đối thủ?

Dù vậy, những phẩm chất đặc trưng của các cầu thủ và đội tuyển Ý luôn tiềm tàng giúp họ vượt qua những trận đấu mà họ thất thế. Rơi vào một bảng không dễ dàng nhưng không quá khó giúp họ có cơ hội siết chặt đội hình ngay từ đầu để vượt qua vòng bảng rồi cầu may từ vòng đấu loại trực tiếp. Nhưng cũng không phải là bất ngờ nếu họ kết thúc vòng bảng mà không có nổi một chiến thắng.

Nếu con đường giành chiến thắng được xây dựng như một phương pháp, người ta ít cầu vận may và không thường xuyên đòi hỏi sự thăng hoa để chiến thắng.

Nhưng khi con đường giành chiến thắng được xây dựng như một thứ “thuật”, ngay cả được phóng đại lên là “nghệ thuật”, rất cần có những tình huống có vấn đề để thủ thuật được triển khai, hoặc cần sự thăng hoa để sáng tạo ra “nghệ thuật”.

Tôi thì không thích con đường thứ hai, mà người Ý là một bậc thầy.

Hồng Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm