Góc Hồng Ngọc: Chuyện bóng đá và trọng tài

15/03/2013 19:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Là con người thì không tránh khỏi sai lầm, và trọng tài cũng thế. Trọng tài cũng là một phần của bóng đá, và bóng đá nào thì trọng tài ấy! Nhận định của nhà báo Hồng Ngọc với Cà phê thể thao.

Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! Hôm nay tôi muốn trao đổi với bạn về chuyện trọng tài. Đó dường như là đề tài muôn thuở trong bóng đá? Champions League tuần rồi thì chuyện quyết định của trọng tài giúp Real Madrid loại Manchester United. Còn V-League ngay vòng đầu tiên, trọng tài đã bị các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai bủa vây để phản đối!

Hồng Ngọc: Đã là con người thì ai cũng có sai lầm. Và trọng tài là con người, nên không thể tránh khỏi sai lầm. Vì có sự thừa nhận chung như vậy, cần bao dung với sai lầm. Nhờ thế mà con người ít chịu áp lực của sự sợ hãi trước sai lầm, nên họ sống và làm việc rất tự nhiên, và chịu khó tìm tòi sáng tạo. Sự sáng tạo không thể nảy sinh nếu người ta sợ sai lầm.

Người ta chấp nhận sai lầm do cá nhân, nhưng lại khó chấp nhận sai lầm do thể chế. Trong sản xuất, có hàng loạt khâu kiểm soát để hạn chế sai lầm trong chất lượng sản phẩm hay kiểm tra tài chính. Với trọng tài, họ phải ra quyết định ngay lập tức nên không thể thực hiện việc “kiểm soát chất lượng” các quyết định trong thời gian trận đấu. Chỉ còn hai hướng để hạn chế sai lầm: một là tăng thêm sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật, hai là chuẩn bị kỹ hơn qua đào tạo, tập huấn, và sàng lọc.



Các cầu thủ M.U bao vây trọng tài sau trận M.U – Real Madrid ở Champions League

Chúng ta thì ngược lại, rất khắc nghiệt với sai lầm cá nhân, nhưng sai lầm do thể chế thì lại chấp nhận đương nhiên như nó phải thế! Mỗi khi có sai lầm, việc đầu tiên chúng ta tìm cách là xử lý và thay thế cá nhân, mà không chịu tìm xem có khiếm khuyết nào về thể chế hay quy trình dẫn đến những sai lầm đã xảy ra hay không.

* Nào, hãy nói đến sự trợ giúp kỹ thuật. Tennis áp dụng công nghệ “Mắt diều hâu”, còn bóng đá thì vẫn cứng nhắc từ chối trợ giúp kỹ thuật mà lại xoay thêm sử dụng trọng tài ở hai cầu môn?

- Tennis chỉ có vấn đề bóng vào sân hay ra ngoài là gây tranh cãi nhiều nhất, và điều đó xử lý dễ dàng bằng kỹ thuật. Trong bóng đá, vấn đề bóng ở trong hay ngoài vạch vôi lại không gây tranh cãi gay gắt vì không ảnh hưởng tới kết quả trận đấu, trừ khi vạch vôi đó là… vạch cầu môn, mà trường hợp này lại ít xảy ra. Nên sử dụng thêm trọng tài chỉ để quan sát hai vạch cầu môn càng là lãng phí, và còn lãng phí hơn việc sử dụng camera ở đó.

Vấn đề nan giải nhất của bóng đá là ở các quyết định mang tính nhận định của các trọng tài. Ngay cả quyết định phạt thẻ đỏ với Nani ở trận M.U - Real Madrid chúng ta vừa nói tới, đa số tin rằng đó là quyết định sai, nhưng những người ủng hộ quyết định đó vẫn có cơ sở của mình, dù sau trận đấu thì ai cũng được xem đủ mọi góc quay. Trong những trường hợp như vậy, mà bóng đá có rất nhiều, hỗ trợ kỹ thuật không dẹp bỏ được sự tranh cãi.

* Trong tình huống mà các cầu thủ M.U đều tin rằng trọng tài đã sai khi phạt thẻ đỏ Nani, họ đã cố gắng để bày tỏ quan điểm, nhưng không phải kiểu của HAGL và các đội bóng ở V-League?

- Rõ là như thế. Như tôi đã nói ở phần đầu, người ta bao dung trước sai lầm. Và người ta thuộc về thế giới văn minh, được dạy từ bé về sự tôn trọng những người xung quanh. Các cầu thủ của họ cư xử với đối thủ và với trọng tài như những người đồng hành. Còn cầu thủ của chúng ta nhiều khi đối xử với đối phương như kẻ thù: nào là hăm dọa, chửi bới, rồi đá xấu, thậm chí triệt hạ. Nếu trọng tài xử phạt có vẻ thiệt cho đội mình thì chửi rủa và gây áp lực. Nhưng lỗi không chỉ riêng của các cầu thủ, mà từ lãnh đạo đội bóng và huấn luyện viên. Chúng ta biết có những huấn luyện viên lão làng, mỗi khi bị thua thiệt bởi trọng tài là chỉ trích, đổ lỗi, và tuyên bố… không đội trời chung. Ở V-League, hầu như đội bóng nào cũng có một vài trọng tài mà họ yêu cầu loại ra khỏi danh sách cầm còi mỗi khi họ đá. Ở châu Âu, tôi không biết đội bóng nào có quyền năng đó.

* Ông bà ta có câu: không có lửa sao có khói?

- Thì lửa cũng do các đội bóng tạo ra cả. Sông Lam Nghệ An chẳng hạn, họ khuynh đảo được trọng tài khi đá trên sân Vinh, nhưng khi nào rời Vinh mà thua thiệt thì họ gào thét. Khi người ta thích sử dụng âm mưu, thì họ luôn tin rằng mình là nạn nhân của âm mưu khi bị thua thiệt.

Tôi lại nhớ tới trận lượt đi bán kết Champions League 2009-10 Inter Milan – Barcelona, đội khách thua oan một bàn việt vị rõ ràng, và bị bỏ qua hai quả phạt đền, nhưng họ không oán thán nửa lời. Không phải Barca chấp trọng tài, mà họ hiểu đó là một phần của cuộc chơi. Anh hãy tập trung vào làm tốt những gì mà mình có thể làm chủ được, thay vì kiếm cớ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Cách thứ nhất làm anh tiến bộ, cách thứ hai làm anh suy yếu.

Điều quan trọng, chúng ta phải ý thức rằng mình là một nền bóng đá yếu. Yếu thì sẽ yếu đều thôi. Cầu thủ thể lực kém thì đừng mong trọng tài thể lực tốt. Cầu thủ tư duy chậm thì mong gì trọng tài tư duy nhanh. Cầu thủ lưu manh thì đừng đòi hỏi trọng tài tử tế. Tôi trưởng thành trong môi trường của anh, thì anh phát triển hay thoái hóa đến đâu, tôi sẽ theo kịp đến đấy!

* Liệu có sai lầm do cơ chế kiểm soát, như cách bạn nói ở phần đầu không?

- Một câu hỏi hay! Thứ nhất, bóng đá Việt Nam có truyền thống để đội chủ nhà chi trả và “chăm sóc” trọng tài. Điều này gần đây mới sửa đổi, nhưng nó đã thành văn hóa rồi. Trọng tài không thiên vị đội chủ nhà mới là chuyện lạ, tùy thuộc vào mức độ được “chăm sóc”.

Thứ hai, trọng tài trên thế giới là nghề nghiệp dư, nghĩa là họ sống với nghề khác và chơi trọng tài, nên họ không coi làm trọng tài là sinh kế, và không bị chi phối bởi thực thể bóng đá nào. Còn trọng tài ở Việt Nam thì căn bản là “chuyên nghiệp”, thường do sở thể dục thể thao hoặc liên đoàn bóng đá địa phương nào đó quản lý, sống nhờ nghề trọng tài. Các đội bóng cũng là bộ mặt của các sở hoặc liên đoàn, thật khó để đòi hỏi trọng tài “vô tư” khi cầm còi một trận đấu có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đội bóng “gà nhà”!

Thể thao Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm