GÓC Hồng Ngọc: Chỉ là U19, mà sao chúng ta từng phút ngóng trông?

10/10/2013 11:05 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Những người Việt yêu bóng đá từng vô cảm với nền bóng đá nước nhà, nay trái tim lại rung rinh theo dõi từng bước tiến, cập nhật từng phút kết quả của đội tuyển U19. Vì lẽ đó, Cà phê thể thao lại quay lại chủ đề này với nhà báo Hồng Ngọc.

* Cà phê thể thao: Khi trận đấu với đội tuyển U19 Australia ở vòng loại giải U19 châu Á, cư dân mạng đã cập nhật kết quả thi đấu của đội tuyển U19 Việt Nam. Từ khi có mạng xã hội, tôi chưa bao giờ thấy một đội bóng Việt Nam thi đấu mà được quan tâm đến vậy, dù chỉ là đội U19. Cảm giác của anh ra sao?

- Hồng Ngọc: Trận đấu đó diễn ra vào cuối giờ làm việc, tôi không được xem trực tiếp trên truyền hình, mà chỉ qua đường dẫn trên mạng, theo kiểu nhìn hình đoán… kết quả. Cứ thấy đội bóng áo trắng ôm nhau thì suy ra là đội nhà vừa ghi bàn! Cũng may họ ôm nhau khá thường xuyên (cười).

Như chúng ta đã trao đổi lần trước, đội tuyển U19 nhận được sự yêu mến cực lớn của khán giả không phải ở kết quả. Chức á quân khu vực giải U19 chẳng là gì so với những kết quả bóng đá Việt Nam đã đạt được ở khu vực ở cấp độ lớn hơn. Các em được yêu mến vì thứ bóng đá mà các em chơi, không chỉ ở cách ứng xử với trái bóng mà cả cách ứng xử với đồng đội, với đối thủ, với trọng tài, và với khán giả.

Bóng đá cũng là cuộc sống và các cầu thủ bóng đá cũng là con người. Về mặt bóng đá, các em đã chơi một thứ bóng đá tử tế, cao thượng, và cống hiến. Nhưng sự khẳng định của các em về mặt con người còn lớn hơn. Nó cho chúng ta cơ sở để khẳng định rằng: Nếu được giáo dục đúng cách, ngay trên mảnh đất này, chúng ta sẽ có những công dân ưu tú cả về đức lẫn tài, và đất nước ta sẽ có những bước tiến nhảy vọt.


U19 Việt Nam tạo nên "cơn sốt" với người hâm mộ Việt Nam. Ảnh: Đ.Đ

* Khán giả Việt Nam thường đặt chuyện thắng thua rất cao. Khi đội tuyển thua ở trận chung kết Tiger Cup 98 trên sân nhà, hay đội U23 thua chung kết SEA Games cũng trên sân nhà, khán giả bỏ về và không còn cảnh công kênh hò hét. Nhưng đội tuyển U19 thì được chào đón như những người hùng. Có phải vì những điều như anh vừa nói?

- Khán giả luôn luôn có lý. Cũng như trong kinh doanh, khách hàng luôn luôn đúng vậy. Khi những người đá bóng coi thắng thua là tất cả, họ không mấy quan tâm đến các yếu tố khác, khán giả sẽ nhận ra điều đó và chỉ cần quan tâm đến kết quả. Nhưng đội bóng này đặt những yếu tố khác quan trọng hơn, và họ cho khán giả thấy điều đó trong trận đấu. Ai cũng có thể nhận ra, và chúng ta bị lôi cuốn bởi điều đó. Khi đó, kết quả không còn là yếu tố duy nhất hay quan trọng nhất nữa. Đừng trách khán giả! Các cầu thủ, các đội bóng cho đi những gì thì sẽ nhận lại tương ứng từ khán giả.

Ngay cả cách các em đón nhận thất bại cũng đáng ngưỡng mộ. Trong khi chúng ta còn trách móc trọng tài, các em không làm điều đó mà quay sang xin lỗi khán giả. Cách các em đón nhận thất bại là một bài học lớn đối với chúng ta, những người trưởng thành.

Chúng ta hãy thống kê một chút. Các em đá 10 trận chính thức, thắng chín, thua trận duy nhất trên chấm phạt đền. Con số một cũng là số thẻ phạt mà các em phải nhận.

* Sao cơ? Một thẻ phạt trong 10 trận đấu chính thức?

- Đúng rồi, anh không tin sao?

Tôi đã xem các em chơi. Nhưng con số đó vẫn làm tôi kinh ngạc! Một thẻ phạt sau 10 trận, tôi chưa từng biết đội bóng nào như thế. Nó còn đáng hâm mộ hơn cả những chiến thắng vào lúc này. Tất nhiên, chiến thắng trước đội tuyển U19 Australia gồm nhiều cầu thủ đang được đào tạo ở châu Âu trong một giải đấu chính thức, lại với tỷ số 5-1 sẽ còn được nhắc tới nhiều trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

* Anh không sợ những lời ngợi ca kiểu này khiến các em không đứng vững đôi chân trên mặt đất?

- Tôi không sợ lời khen làm hỏng người khác, hay lời phê phán làm họ thui chột. Vấn đề là khen chê xác đáng. Lời khen xác đáng là sự thừa nhận với những đóng góp của người khác, và giúp họ biết rằng mình nên tiếp tục làm thế. Lời chê, hay đúng hơn là phê phán, xác đáng giúp họ nhận ra điểm còn bất ổn để khắc phục.

* Sự giáo dục của đội bóng sẽ trao cho cầu thủ sức đề kháng trước những lời khen chê không đúng mực?

- Tôi đồng ý. Nhưng dù sức đề kháng của bạn tốt, bạn cũng không thể thoát khỏi bệnh tật trong một môi trường ô nhiễm nặng. Vì vậy, một mặt vẫn tăng cường đề kháng, mặt khác vẫn phải bảo vệ môi trường cho các em.

* Lần trước anh đã nói ý này, và cho rằng không nên đưa các em lên đội một lẻ tẻ, và không đưa lên V-League quá sớm, để tránh bị “ô nhiễm”?

- Tôi xác nhận điều đó. Cũng đừng nên đưa các em lên đội U23 hiện tại.

* Nhưng không xuống nước thì sao biết bơi?

- Không xuống nước thì không thể biết bơi. Nhưng cứ nhảy đại xuống sông khi chưa được chuẩn bị thì sẽ chết đuối. Khi học bơi đúng cách, người ta phải tập động tác nguội trên cạn, tập thở, tập bơi ở bể bơi (thậm chí ban đầu có thể dùng phao), bơi thuần thục, bền bỉ rồi mới có thể xuống sông. Như tôi hình dung, các em mới chỉ ở giai đoạn vừa bỏ phao để bơi trong bể, đang hoàn chỉnh kỹ thuật bơi. Chừng hai năm nữa mới có thể “xuống sông” được.

* Tức là anh phản đối cả việc cất nhắc một số cầu thủ U19 lên đội U23 dự SEA Games tới đây, và cũng không tán thành việc đưa họ đá thay đội U23 tại SEA Games này?

- Đúng vậy, tôi phản đối cả hai. Cách thứ nhất sẽ làm từng người một bị ô nhiễm. Còn cách thứ hai giống như việc ném một người vừa hoàn chỉnh kỹ thuật bơi nhưng chưa thật sự thuần thục và bền bỉ xuống sông và bắt họ vượt sông.

* Nhưng đó chỉ là việc “chống ô nhiễm” từ các cầu thủ và đội bóng khác. Còn một nguy cơ ô nhiễm rất quan trọng là từ chính cuộc sống của họ, và từ sự công kênh của truyền thông?

- Trách nhiệm và tầm nhìn của lãnh đạo đội bóng rất quan trọng, ở đây chúng ta phải trông chờ vào lãnh đạo Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Hạn chế tiếp xúc với truyền thông là cần thiết, khi mà chúng ta có rất nhiều nhà báo, tờ báo không ý thức về hậu quả của việc mình làm mà chỉ tập trung câu độc giả. Có thể là cầu thủ chỉ được tiếp xúc với truyền thông trong các cuộc phỏng vấn chính thức do học viện tổ chức, hoặc cá nhân cầu thủ trước mắt cần có “người giám hộ” khi trả lời phỏng vấn riêng.

Các cầu thủ sẽ đến lúc phải sống cuộc sống của họ, tự trả lời phỏng vấn, nhưng cần có lộ trình chuẩn bị cho họ, thay vì ném họ xuống sông để tập bơi. Không chỉ trên sân bóng mà cả trong cuộc sống.

*Chúng ta sẽ còn nhiều chuyện để cà phê tiếp đây. Hẹn anh chầu tuần sau nhé.

* Mời đọc chuyên đề về chiến tích của U19 Việt Nam TẠI ĐÂY.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm